Bạn đọc viết:

Giáo viên không nên soạn sẵn đề cương cho trò

(Dân trí) - Đã đến lúc chúng ta cần phải đổi mới lại cách kiểm tra, thi cử. Hãy để các em ý thức được việc học của mình. Nếu giáo viên soạn sẵn đề cương thì trò sẽ không bao giờ chịu học bài. Từ đó mà tạo cho các em kiểu học đối phó, học vẹt rất đáng sợ.

Cuối năm học, tôi bộn bề với công việc trường, lớp. Ngày nào về đến nhà, tôi cũng rã rời vì mệt mỏi. Làm xong việc nhà, tôi chỉ muốn được yên tĩnh, nghỉ ngơi. Vậy nhưng mấy ngày nay tôi đều bị con “nhờ vả”. Thằng bé liên tục nhờ mẹ dò bài giúp. Hết môn này đến môn kia. Tôi đến là oải với cách học này của con.

Con trai tôi năm nay học lớp 6. Cháu đang ôn tập để chuẩn bị kết thúc học kì 2. Suốt tuần nay, ngày nào cháu cũng học bài trong đề cương. Buổi tối về đến nhà cơm nước xong là cháu bắt đầu "tụng kinh". Đề cương là do các cô giáo bộ môn soạn và trả lời sẵn. Con trai tôi chỉ cần học thuộc lòng là xong. Vì vậy tối nào con cũng nhờ mẹ dò bài giúp. Nếu tôi từ chối cháu lại khóc lóc ca thán rằng mẹ không thương mình. Rồi ngày mai con lại bị cô mắng... Thật là đau đầu với cậu quý tử nhà tôi.

Bây giờ các giáo viên thường làm đề cương sẵn cho trò. Trừ ba môn Văn, Toán, Anh do Phòng Giáo dục ra đề. Còn lại các em đều được phát đề cương. Bây giờ đề cương đều được các thầy cô soạn sẵn rồi phô tô phát cho từng em. Các em chỉ việc học thuộc lòng là xong. Ai chịu khó học thuộc là đạt điểm cao.

Mỗi mùa thi, con đem về khoảng 5, 6 bộ đề cương. Buổi tối, con tranh thủ học thuộc, sau đó nhờ mẹ dò lại dùm cho chắc ăn. Con bảo con sợ nếu cô kiểm tra mà chưa thuộc. Thôi mẹ thương con thì mẹ dò bài giúp con nhé. Tôi đến là sợ với cách học này của con.

Tôi từng nghe một chị bạn, cũng là đồng nghiệp của tôi, than thở rằng: "Hai vợ chồng chị từng cãi nhau lớn cũng vì tỵ nạnh chuyện dò bài cho con. Lúc đầu cả hai đã thống nhất mỗi người dò cho một đứa. Vậy mà chỉ được vài hôm. Chồng chị bắt đầu thoái thác không chịu làm nữa. Anh chống chế, con học là chuyện của con. Sao mình phải dò bài... Rồi anh bảo ngày xưa làm gì có chuyện này. Cứ thế hai vợ chồng chuyện nọ xọ chuyện kia. Rồi cãi nhau, rồi chiến tranh lạnh cũng vì chuyện dò bài giúp con".

Với cách học này mà gần đây một số trung tâm có nhận thêm dịch vụ "Dò bài tại nhà" Chỉ cần phụ huynh đăng kí là gia sư tới tận nhà dò bài cho các em. Những gia sư này không cần dạy kiến thức mới. Nhiệm vụ của họ là chỉ cần dò bài xem các em thuộc chưa. Phụ huynh bận rộn thì các trung tâm sẽ làm giúp việc này. Những giáo viên trẻ mới ra trường thường đăng kí làm dịch vụ này. Vào mùa thi, có khi trung tâm không đủ người để phục vụ "thượng đế". Như vậy cứ có "cầu" ắt sẽ có "cung".

Bản thân là giáo viên, tôi không thích trò học kiểu này. Vẫn biết nếu không có đề cương thì trò phải học rất vất vả. Mà đâu chỉ có một môn. Học theo đề cương trò cũng giảm được áp lực thi cử. Tuy nhiên, nếu trò chỉ học đề cương, kiến thức các em sẽ không có. Từ đây nhiều em có tính ỷ lại, dựa dẫm. Các em không chịu học bài. Chỉ đến kì kiểm tra, thi cử các em mới chịu học thuộc đề cương. Vì thế kiến thức thật của các em không có.

Bây giờ các trường học đều như thế cả. Những môn chính Phòng Giáo dục sẽ ra đề. Như vậy trò buộc phải học bài. Còn lại là giáo viên bộ môn tự ra đề. Muốn đạt chất lượng chỉ tiêu thì các giáo viên thường soạn sẵn đề cương, trò chỉ cần học thuộc là đạt điểm cao. Cách học này trò rất thích, giáo viên thì giảm áp lực vì chỉ tiêu đăng kí. Vì thế, cứ gần kiểm tra thi cử, giáo viên lại soạn sẵn đề cương rồi phát cho trò để các em học bài.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần phải đổi mới lại cách kiểm tra, thi cử. Giáo viên không nên soạn sẵn đề cương cho trò. Hãy để các em ý thức được việc học của mình. Các giáo viên có thể ra câu hỏi mở, khuyến khích sự sáng tạo trong khi làm bài. Chứ học kiểu này trò sẽ không bao giờ chịu học bài. Từ đó mà tạo cho các em kiểu học đối phó, học vẹt rất đáng sợ.

LT

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!