Bạn đọc viết:

Giáo viên “ngán ngẩm” khi đi tập huấn

(Dân trí) - Là một giáo viên, tôi nhận thấy, khi tập huấn hãy cho chúng tôi có thời gian nghiên cứu, tìm tòi. Các nội dung đổi mới cũng cần thực hiện theo quy trình. Chứ việc đi tập huấn chỉ một, hai ngày làm sao chúng tôi nắm bắt hết nội dung. Chúng tôi đâu phải là những siêu nhân.

Năm nay tôi được điều động tham dự tập huấn "Kĩ thuật xây dựng ma trận đề và biên soạn, chuẩn hóa câu hỏi kiểm tra đánh giá kết qủa dạy học" của Sở GD-ĐT. Buổi tập huấn chỉ diễn ra trong hai ngày ngắn ngủi. Vậy mà chúng tôi phải "thấm nhuần" tất cả các nội dung đổi mới. Sau đó sẽ về trường triển khai lại cho các giáo viên trong tổ cùng thực hiện.

Nội dung buổi tập huấn là những vấn đề đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Các giáo viên tìm hiểu quy trình biên soạn đề kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực. Nội dung đề thi phải bảo đảm thực chất, khách quan, trung thực, công bằng đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh.

Buổi sáng đầu tiên, chúng tôi ngồi nghe báo cáo viên nói về những ưu điểm của việc đổi mới phương pháp dạy học cũng như việc kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng năng lực. Báo cáo viên cứ thao thao bất tuyệt rồi trình chiếu trên màn hình. Chúng tôi ở dưới cứ cắm cúi ghi ghi chép chép như những con ong chăm chỉ. Nhiều lúc chúng tôi phải lấy điện thoại để chụp những nội dung trên máy chiếu. Báo cáo viên thì cứ nhấn mạnh chúng ta cần đổi mới để đáp ứng yêu cầu. Chúng ta cần đổi mới quy trình kiểm tra học sinh. Chúng tôi ngồi dưới chỉ biết nghe và ghi chép cho thật đầy đủ. Hết buổi sáng, chúng tôi mệt phờ vì nội dung khá nhiều.

Buổi chiều, chúng tôi bắt tay vào xây dựng ma trận, câu hỏi và đáp án. Nào là đề kiểm tra trắc nghiệm, đề tự luận và đề tuyển sinh vào 10 THPT. Tất cả chúng tôi được xem qua một số đề mẫu, sau đó bắt tay vào mày mò xây dựng đến toát mồ hôi. Đối với đề trắc nghiệm khách quan, giáo viên có thể ra theo một số dạng chính như câu hỏi nhiều lựa chọn, câu hỏi điền khuyết, câu hỏi ghép đôi... Tuy nhiên để ra được dạng đề phát triển theo năng lực học sinh, giáo viên cũng tốn khá nhiều thời gian và công sức. Các câu hỏi cần phải rõ ràng, tránh đánh đố học sinh.

Tuy nhiên cực nhất phải kể đến dạng tự luận. Để hoàn chỉnh một đề, giáo viên sẽ xác định tỉ lệ các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu trong các bài kiểm tra trên nguyên tắc đảm bảo sự phù hợp với đối tượng học sinh và tăng dần tỉ lệ các câu hỏi, bài tập ở mức độ yêu cầu vận dụng, vận dụng cao. Từ mức độ đến số câu số điểm phải thật sự cân đối.

Suốt buổi chiều, chúng tôi cũng ra chưa xong nổi một đề kiểm tra. Các giáo viên trẻ thì còn đỡ, chứ các giáo viên lớn tuổi thì đọc xong thì thấy cứ rối như canh hẹ. Nhiều thầy cô bảo sao tự nhiên phải xây dựng ma trận đề làm gì cho khổ vậy. Tự nhiên “hành” chúng tôi khổ quá thế này. Cứ để chúng tôi ra đề cho phù hợp với trình độ học sinh là được rồi. Năm nào cũng đổi mới mà chất lượng có lên đâu. Chúng tôi khổ quá rồi.

Ngày thứ hai, chúng tôi tiến hành thảo luận đề mới nhiều nội dung để nói. Chín người, mười ý. Người cho rằng đúng, người chưa bằng lòng. Nhiều vấn đề giáo viên vẫn cảm thấy mơ hồ. Không biết các câu hỏi ấy là cũ hay mới nữa. Rồi đề này đã đánh giá đúng theo định hướng phát triển năng lực học sinh chưa. Dạng đề như thế là dễ, hay là khó với học sinh... Mức độ cần đạt như thế là phù hợp chưa. Nhiều vấn đề, báo cáo viên chỉ biết ghi nhận thành văn bản rồi gửi lên cấp trên vì lúng túng. Thế là chúng tôi chẳng biết sao cho đúng nữa.

Là một giáo viên, tôi nhận thấy, khi tập huấn hãy cho chúng tôi có thời gian nghiên cứu, tìm tòi. Các nội dung đổi mới cũng cần thực hiện theo quy trình. Chúng tôi cần báo cáo viên làm mẫu, hướng dẫn từ từ. Chứ việc đi tập huấn chỉ một, hai ngày làm sao chúng tôi nắm bắt hết nội dung. Chúng tôi đâu phải là những siêu nhân. Cách thức đổi mới cũng cần phải nghiên cứu và nói rõ thì các giáo viên mới không bị nhầm lẫn giữa cái cũ và cái mới. Khi thực hiện cũng cần linh động chứ không nên áp dụng một cách máy móc móc quá.

Tập huấn về rồi mà bản thân tôi còn phải mày mò thêm trên mạng trước khi triển khai ra cho các giáo viên. Ôi tập huấn kiểu này thì tôi sợ lắm rồi.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!