Góp ý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi:

Giáo viên THPT phải có bằng thạc sĩ?

(Dân trí) - Tại hội thảo quốc gia góp ý dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) với sự tham dự của nhiều chuyên gia giáo dục tại TPHCM mới đây, nhiều ý kiến cho rằng phải nâng chuẩn trình độ của đội ngũ giáo viên, nhất là bậc THPT.

TS Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ: "Chúng ta đã làm một việc rất tốt ở chỗ nâng trình độ giáo viên mầm non lên cao đẳng, nên tôi cũng đề nghị giáo viên bậc THPT cần có bằng thạc sĩ về giáo dục. Tôi nghĩ đây là điều cần thiết vì rất nhiều nước ngay ở giáo viên bậc mầm non thôi đã là thạc sĩ giáo dục. Nếu thực hiện điều này thì giáo viên chỉ cần học thêm khoảng hai năm hoặc một năm tùy điều kiện".


Giáo viên THPT phải có bằng thạc sĩ? - Ảnh 1.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục đề nghị nên nâng chuẩn đội ngũ giáo viên, trong đó giáo viên bậc THPT cần có bằng thạc sĩ về giáo dục.

Hiện nay chúng ta yêu cầu giáo viên phải hoàn thành chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, hoàn thành chứng chỉ này cũng mất 10 tín chỉ vậy thì hoàn toàn có khả năng hoàn thành thạc sĩ trong vòng 1 năm.

Bà Nguyễn Hoa Mai, Hiệu trưởng Hệ thống Trường dân lập Việt Úc, thì góp ý rằng ở điều 72 về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, bằng tốt nghiệp cao đẳng đối với giáo viên mầm non, tiểu học; bằng đại học đối với giáo viên THCS, THPT. Trong thực tế, số lượng trường phổ thông học sinh cũng rất đông do đó nếu muốn chuẩn giáo viên THPT phải có bằng thạc sĩ thì cần phải có lộ trình để thực hiện trong tương lai. Do đó, nếu yêu cầu chuẩn như thế sẽ rất khó.

Bên cạnh đó, đối với các giáo viên chưa đạt chuẩn thì Bộ GD-ĐT cũng nên cho lộ trình dài để các giáo viên hoàn thành chuẩn.

Cũng tại hội thảo này, nhiều chuyên gia cũng đưa ra các ý kiến xung quanh vấn đề học tại nhà (home schooling), chính sách thu hút người giỏi vào sư phạm, tính khách quan của kiểm định giáo dục... Đặc biệt là những tranh luận có nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay hay giao về cho các trường tổ chức.

Ông Trịnh Duy Trọng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh cho rằng nếu tổ chức kỳ thi mà vẫn cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông cho học sinh không thi hoặc thi không đạt thì thực sự là không ổn. Theo ông Trọng, kỳ thi THPT sẽ phải duy trì nhưng có điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn, nhẹ nhàng hơn và không gây áp lực cho học trò. Chẳng hạn giao cho cấp sở tổ chức.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, đặt vấn đề ngược lại khi cho rằng nhiều quốc gia trên thế giới chỉ cần hiệu trưởng ký vào hồ sơ học của học sinh là xong, không cần tổ chức kỳ thi cuối cấp. Trao đổi lại, ông Trọng cho rằng phải có chuẩn đầu ra để công nhận trình độ chuẩn của học sinh khi tốt nghiệp THPT.

Giáo viên THPT phải có bằng thạc sĩ? - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM trao đổi với các đại biểu.

“Chuẩn đó nếu đưa về từng trường, từng trường thực hiện chuẩn đó thì có đảm bảo ổn hay không trong việc đánh giá giữa trường này trường kia vùng này, vùng kia. Về mặt hệ thống, khi quản lý một trường ở thành phố hay một trường ở đâu đó khi công nhận học sinh tốt nghiệp phổ thông thì phải là một thang giống nhau, ý nghĩa, mức độ tương đương. Thực tế ở các cơ sở cũng như việc thực hiện giáo dục hiện nay rất là khó”, ông Trọng nói.

Ông Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM cũng cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là xác định rõ mục đích kỳ thi THPT quốc gia. Theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi hiện nay các trường được quyền tự chủ tuyển sinh nên kỳ thi nhằm phục vụ xét tuyển đại học là không phù hợp. Vì vậy, việc tổ chức kỳ thi như thế nào cần phải cân nhắc.

Theo ông Hải, nếu như thi tốt nghiệp THPT chỉ để xác nhận đánh giá lại kết quả học tập của các em trong từng đó năm, thi lại những môn đã từng thi đã học rồi cũng là điều phải suy nghĩ. Còn nếu đưa về từng địa phương biết đâu sẽ có nhiều Sơn La, Hòa Bình.

Lê Phương