Giọt nước mắt ngày ấy và nụ cười hôm nay

(Dân trí) - Bốn năm trước, tôi chứng kiến giọt nước mắt của một học sinh đã rơi vì tủi thân, ấm ức, lo sợ. Bốn năm sau, nụ cười đã nở trên môi em và tình cảm thầy trò chúng tôi vẫn vẹn nguyên sự tương kính, tri ân.

Em tên H., là nam sinh chăm học, siêng hoạt động của lớp 8A trước đây mà tôi rất quý mến. Là giáo viên phụ trách bộ môn văn, tôi chưa bao giờ phiền lòng bất cứ điều gì về em. Bài soạn đầy đủ, bài học đảm bảo, em lại là một học sinh năng động hay phát biểu xây dựng bài trong mỗi tiết học.

Chỉ có điều sức học bộ môn của em chỉ ở mức khá tốt. Học kỳ một trôi qua, em khá vất vả mới đạt 8,0 bộ môn Văn, nhờ đó mà em giữ được danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm qua.

Khi bắt đầu chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm, tôi rà soát lại các cột điểm kiểm tra thường xuyên, định kỳ và chú ý nhấn mạnh rằng em nào đang suýt soát điểm khá, điểm giỏi, em nào đang mấp mé điểm trung bình. Tôi nhắc nhở các em phải cẩn thận trong bài thi cuối năm với điểm số nhân hệ số 3.

H. là một học sinh trong số đó, với các cột điểm kiểm tra hiện có, bài thi của em phải đạt điểm 8 trở lên mới đạt điểm trung bình bộ môn 8,0. Thật không may, bài thi em chỉ đạt 7,5 điểm và điểm tổng kết là 7,8. Khi cập nhật điểm vào cổng thông tin điện tử, tôi vẫn hy vọng môn Toán sẽ vớt vát điểm số để đạt danh hiệu như em mong muốn.

Sáng ngày đầu tiên đến lớp sau kỳ thi dài, tôi bước vào lớp và ngỡ ngàng với không khí trầm lắng khác hẳn mọi khi. Cuối tiết học, một nhóm ba nữ sinh đến bên tôi ngoài hành lang lớp học, chầm chậm kể chuyện bạn H. không được danh hiệu học sinh giỏi vì Văn và Toán đều không đạt 8,0. Các em vốn chơi rất thân với nhau và hiểu rõ hoàn cảnh nhà H. Nếu không được học sinh giỏi, H. sẽ bị bố mẹ đánh đòn.

Là “gà cưng” trong đội tuyển học sinh giỏi của tôi, một em rụt rè lên tiếng: “Cô vớt điểm lên cho bạn H. đươc không cô? Tội bạn mà cô…”. Các em bắt đầu kể vanh vách kỳ một bạn được mấy phẩy, kỳ hai được bao nhiêu và nhìn tôi với ánh mắt chờ đợi.

Tôi chậm rãi lắc đầu, điểm đã cập nhật vào cổng thông tin và công khai với giáo viên chủ nhiệm. Học sinh cả lớp bằng nhiều kênh thông tin khác nhau cũng đã phần nào biết được điểm số của mình và bạn bè. “Nếu thay đổi điểm số cho H., hình ảnh của cô trong lòng các em có còn vẹn nguyên sự mẫu mực?”. Sau một hồi phân tích, các em dường như hiểu ra vấn đề, cười buồn và bảo sẽ động viên H. nhiều hơn.

Tối muộn, giáo viên chủ nhiệm lớp H. gọi cho tôi và kể về trường hợp của H. Em ngoan thế nào, gia đình em khắt khe ra sao trong việc học của con. Chốt lại vẫn là muốn tôi sửa điểm cho em. Tôi thú thật với chị việc sửa điểm cho trò không khó, chỉ cần thay đổi vài con điểm kiểm tra miệng, 15 phút hoặc một tiết.

Nhưng điều quan trọng là việc đánh tráo điểm số đó không hề giúp H. nhận ra năng lực của bản thân đang dừng ở đâu và chẳng thể tạo động lực học tập, phấn đấu cho H. trong năm tới.

Hơn nữa, hình ảnh người thầy trong lòng học sinh, chỉ tính riêng lớp 8A ấy đã méo mó ít nhiều, niềm tin của học trò vào tấm gương mẫu mực, sáng trong của người thầy bị lung lay phần nào. Giữa được và mất, tốt và xấu, lợi và hại, tôi vẫn chọn cách không nâng điểm, không thay đổi kết quả học tập của H.

Hôm sau, tôi gặp riêng H. ở phòng công tác đội. Tôi bắt đầu bằng câu hỏi bố mẹ đã biết kết quả học tập của em ấy chưa. H. lắc đầu và giọt nước mắt lăn trên má em. Là con trai lại có thể rơi nước mắt, chừng ấy đủ biết áp lực thành tích từ gia đình em lớn thế nào.

Tôi đặt tình huống giả định với em rằng nếu tôi sửa các con điểm để em được 8,0 thì điều gì sẽ xảy ra. Em sẽ được danh hiệu học sinh giỏi đối phó với bố mẹ. Nhưng lòng em sẽ mãi xao động những cơn sóng buồn bã của sự giả dối trong thành tích, sự ngượng ngập trước bạn bè, sự hụt hẫng về năng lực bản thân…

Tôi kết lại buổi nói chuyện giữa hai cô trò bằng lời khuyên em hãy chấp nhận kết quả học tập của năm học này và lấy đó làm động lực phấn đấu trong năm tới. Còn riêng về phần bố mẹ em, tôi nhờ giáo viên chủ nhiệm can thiệp nhiều hơn, làm công tác tư tưởng nhiều hơn để tránh những rủi ro đáng tiếc khi con cái không đạt thành tích như mong muốn.

Đã bốn năm trôi qua và tôi vẫn nhớ như in giọt nước mắt lăn dài trên mặt cậu học trò tôi quý mến ngày ấy. Mấy hôm trước, em gọi điện thoại vừa cười vừa khoe cô giáo là hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và rất tự tin với nguyện vọng đăng ký trường đại học của mình.

Nụ cười hôm nay, sự tự tin của em về bản thân cũng như mối quan hệ thầy trò của chúng tôi có thể vẹn nguyên như thế này khiến tôi nhẹ lòng. Dẫu có lúc tôi cũng trăn trở khá nhiều về sự kiên quyết của mình khiến nước mắt học trò rơi nhưng nghĩ về sự cố gắng của em trong năm học cuối cấp và những năm sau đó, tôi biết mình đã hành động đúng.

Tôi đã không giúp em đánh đổi lòng tự trọng dành cái danh hiệu học sinh giỏi năm lớp 8 ấy để rồi trượt dài trong thành tích ảo những năm tháng sau này.

Tôi nghĩ yêu thương trò không đồng nghĩa với việc cho học sinh này thêm vài điểm, vớt học sinh khác lên danh hiệu này kia. Yêu thương trò chính là giúp học sinh nhận ra điểm yếu của bản thân, chấp nhận thất bại và động viên các em bước tiếp, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn.

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!