GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân: Đào tạo đại học phải gắn nhu cầu xã hội

(Dân trí) - ​“Mục tiêu giáo dục là đào tạo ra những con người đem lại sự phát triển cho đất nước ở một trình độ cao hơn nên đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội”, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Uỷ ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ.

Chiều 24/2, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cùng ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đã làm việc với trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM).

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao tập thể trường ĐH Nguyễn Tất Thành từ một xuất phát điểm khó khăn nhưng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên, đặc biệt là những cán bộ đã lớn tuổi nhưng vẫn góp trí tuệ cao của mình cho quy mô nhà trường được như hiện nay.

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội

Là người từng có thời gian lãnh đạo ngành giáo dục, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ một số yêu cầu đặt ra với ngành. “Quan điểm chính thống của Bộ GD-ĐT, mục tiêu giáo dục là đào tạo ra những con người đem lại sự phát triển cho đất nước ở một trình độ cao hơn nên đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội. Đó cũng chính là phương châm cực kỳ quan trọng kể từ khi tôi còn làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Đào tạo phải theo nhu cầu xã hội chứ không phải theo khả năng của thầy cô, chúng ta phải đáp ứng những nhu cầu đó thì ra trường mới có việc làm.

Đào tạo phải có một chương trình thể hiện bằng chính chuẩn đầu ra mà chuẩn đó do người sử dụng và người đào tạo thống nhất với nhau. Từ năm 2008, Bộ GD-ĐT đã đưa ra đề nghị các trường phải công bố chuẩn đầu ra như sinh viên ra trường phải biết gì, làm được những gì và có khả năng phát triển gì?...”, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Nhân cho rằng kéo dài nhu cầu đào tạo thì phải hội nhập quốc tế bao gồm chương trình quốc tế và đối tác quốc tế.

GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân cho biết, về cơ bản ông đồng tình với những kiến nghị của nhà trường, với Bộ LĐ-TB&XH trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề.


GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các cán bộ, giảng viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các cán bộ, giảng viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân cho rằng một trường ĐH muốn khẳng định được thì phải mất 10 năm, trong khi nhà trường mới hơn 6 năm đào tạo hệ ĐH thì phải cố gắng hơn nữa. Theo ông Nhân, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường hiện chưa cao nên chưa thể đi theo hướng ĐH nghiên cứu đúng nghĩa. Thay vào đó, trường lại có thế mạnh ứng dụng thực hành thì nên vận dụng điều đó đáp ứng nhu cầu xã hội.

“Nếu sau ngày trường không còn hệ CĐ, TC thì trong một chừng mực nào đó thì có thể đẩy mạnh nghiên cứu trên nền tảng ứng dụng, sáng tạo. Chuyển hệ CĐ, trung cấp ra khỏi trường ĐH hình thức thì đau xót nhưng đó là sự giảm tải, chúng ta tách ra, hai hệ chạy song song và hỗ trợ nhau. Khi đó hệ ĐH sẽ có điều kiện tập trung phát triển, thời gian đầu giảng viên sẽ vất vả nhưng dần dần thành hai đoàn tàu cùng vận hành song song trong vũ trụ”, GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân nói.

Trước đó, báo cáo trong buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng kiến nghị về việc thành lập trường CĐ nghề Công nghệ cao Nguyễn Tất Thành, với trụ sở đặt tại khu Công nghệ cao TPHCM. Trường cao đẳng này ra đời với mục đích đào tạo đội ngũ công nhân giỏi về chuyên môn đáp ứng nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỉ nguyên của nền công nghiệp thông minh để tạo dựng một tòa nhà tri thức, nơi mang lại giá trị hạnh phúc thật sự cho người học, cho người dạy, cho nhà trường, cho doanh nghiệp và cho cả xã hội.

Lê Phương