GS.TS. Phạm Văn Điển: Cần có bộ tiêu chí để công nhận chất lượng tiến sĩ

(Dân trí) - NGƯT, GS.TS. Phạm Văn Điển, giảng viên của trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng: "Muốn nâng cao chất lượng tiến sĩ thì mục tiêu và triết lý của đào tạo tiến sĩ cần được chuẩn hóa. Cần có quy định cụ thể về "bộ tiêu chí công nhận chất lượng sản phẩm tiến sĩ".


Cần có bộ tiêu chí chuẩn trong đào tạo công nhận tiến sĩ (ảnh: minh họa)

Cần có bộ tiêu chí chuẩn trong đào tạo công nhận tiến sĩ (ảnh: minh họa)

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang sửa đổi Quy chế đào tạo tiến sĩ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trước những bất cập của đào tạo tiến sĩ vừa qua đã làm nảy sinh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, trao đổi với PV Dân trí, NGƯT, GS.TS. Phạm Văn Điển, giảng viên của trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, bản chất của vấn đề là mức độ đáp ứng tiêu chí đối với tiến sĩ. Muốn vậy, một bộ tiêu chí và chỉ số đánh giá tiến sĩ cần được thiết lập. Bộ tiêu chí này cần được thảo luận nghiêm túc, có tính pháp lý, và là một nội dung quan trọng của bản quy chế mới về đào tạo tiến sĩ ở nước ta.

"Tôi đồng tình với ý kiến của GS. Trần Văn Thọ và nhiều nhà khoa học khác, văn bằng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam cần có chất lượng và giá trị tương đương với văn bằng tiến sĩ ở nước ngoài. Điều này là cần thiết để hội nhập và đẩy mạnh quốc tế hóa, cũng là ý chí của "quốc sách hàng đầu" mà chúng ta đã xác định" - GS Điển nói.

Theo GS Điển, Bộ tiêu chí này cần phản ánh tốt sự chuyển biến về tri thức và năng lực nghiên cứu khoa học của người học từ lúc được tuyển sinh đến khi hoàn thành khóa học, cũng như hiệu quả của quá trình hoạt động khoa học sau khi đã được cấp văn bằng tiến sĩ. Tiến sĩ là một loại sản phẩm đào tạo hữu hình. Bộ tiêu chí là cách tốt nhất để đánh giá và quản lý chất lượng sản phẩm này.

Mục tiêu và triết lý của đào tạo tiến sĩ cần được chuẩn hóa

Phóng viên: Trước thực trạng nhiều đơn vị đào tạo tiến sĩ quá lỏng lẻo dẫn đến chất lượng đào tạo kém chất lượng, gây bức xúc dư luận như thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đang sửa đổi Quy chế đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ. Theo GS nguyên nhân chất lượng đào tạo tiến sĩ thấp do đâu? Bộ GD&ĐT cần chú ý những điểm nào trong việc sửa đổi quy chế này?

GS.TS Phạm Văn Điển: Đây là động thái tích cực, thể hiện quyết tâm cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ta. Chất lượng đào tạo một bộ phận tiến sĩ ở nước ta còn thấp (không phải toàn bộ đều thấp - như ý kiến của PGS. Hoàng Văn Cường).

Theo tôi, có thể nhận diện ở 3 nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do: thứ nhất, có bất cập của bản quy chế hiện thời về đào tạo tiến sĩ; thứ hai, trách nhiệm của người hướng dẫn và người học chưa cao; thứ ba, hệ thống quản lý, sử dụng nguồn nhân lực của xã hội còn bất cập. Đây cũng chính là những nội dung cần được nghiên cứu kỹ trong quy chế sửa đổi về đào tạo tiến sĩ.

Trước hết, mục tiêu và triết lý của đào tạo tiến sĩ cần được chuẩn hóa. Điểm mấu chốt là lấy sự gia tăng về khả năng nghiên cứu khoa học độc lập của người học làm thước đo đánh giá chất lượng sản phẩm tiến sĩ. Cần có quy định cụ thể về "bộ tiêu chí công nhận chất lượng sản phẩm tiến sĩ".

Trách nhiệm của người hướng dẫn cần được đề cao. Người hướng dẫn phải chịu trách nhiệm về việc đồng ý cho NCS được bảo vệ luận án hay không và nên được tham gia vào các công đoạn đánh giá luận án. Việc tổ chức đào tạo và quy trình đánh giá luận án tiến sĩ cũng nên tiếp cận theo cách thức của các trường đại học tiên tiến trên thế giới.

Vấn đề hiện nay là một bộ phận người học không phải là giảng viên hay nghiên cứu viên (mặc dù nhu cầu học tập của họ là chính đáng). Sau khi hoàn thành khóa học tiến sĩ, họ cũng không làm việc ở các cơ quan đào tạo hay nghiên cứu. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc đáp ứng và duy trì "chất lượng sản phẩm tiến sĩ".

Một nhân tố có tính "vĩ mô" là xã hội ta chưa thực sự "trọng nhân". Việc bố trí và sử dụng lao động chưa thật sự dựa vào năng lực và hiệu quả làm việc thực tế của từng người, dẫn đến hệ lụy không mong muốn và có ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Muốn cải thiện một yếu tố trong hệ thống này, chẳng hạn muốn nâng cao chất lượng và giá trị thực của đào tạo tiến sĩ, chúng ta cần tác động vào nhiều yếu tố khác của cả hệ thống. Nếu bạn đặt mình vào trong hệ thống này, sẽ thấy rõ sự phức tạp khi muốn điều chỉnh sự hoạt động của nó.


GS.TS Phạm Văn Điển

GS.TS Phạm Văn Điển

Cần tăng thêm định mức tài chính đào tạo tiến sĩ ít nhất 5 - 7 lần

Phóng viên: Có một thực tế là đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam quá rẻ, có thể rẻ nhất thế giới (15 triệu đồng/năm). GS thấy thế nào?

GS.TS Phạm Văn Điển: Thuật ngữ "quá rẻ" nên được hiểu theo nghĩa rộng hơn, bao gồm việc đầu tư các nguồn lực cho đào tạo tiến sĩ chưa đạt được ở mức tối thiểu. Đào tạo tiến sĩ nhằm tạo ra sự thay đổi về chất lượng của tri thức và năng lực nghiên cứu độc lập của người học. Vì vậy, cần có đầu tư thỏa đáng và nghiêm túc về các yếu tố cấu thành chất lượng sản phẩm tiến sĩ, gồm lựa chọn thầy hướng dẫn, đối tượng người học, cơ sở đào tạo, định mức tài chính, thời gian đào tạo...

Chất lượng và hiệu quả của sản phẩm đầu ra phụ thuộc nhiều vào chất lượng và cách bố trí các yếu tố đầu vào. Vì vậy, không thể xem nhẹ các yếu tố đầu vào.

Cần có bộ tiêu chí xác định người hướng dẫn (như công bố quốc tế, chất lượng tiến sĩ đã hướng dẫn... Cần đề cao trách nhiệm của người hướng dẫn như đã nêu ở trên.

Bộ tiêu chí lựa chọn người học được xác lập theo hướng chọn được người có năng lực và tiềm năng làm nghiên cứu, có trình độ tiếng Anh tối thiểu IELTS từ 5.5 - 6.0 trở lên. Đào tạo tiến sĩ cần chú ý đảm bảo chất lượng. Nếu bộ tiêu chí quá dễ dàng, tức là chạy theo theo số lượng, sẽ thất bại đáng tiếc.

Thời gian đào tạo tiến sĩ 2 - 3 năm là quá ngắn, cần được kéo dài thêm. Người học có thể chọn hình thức đào tạo tập trung (khoảng 3 - 4 năm) hoặc không tập trung hay theo kiểu "sandwich course" (5 - 7 năm).

Về định mức tài chính, cần tăng thêm ít nhất 5 - 7 lần, như thế mới là thực hiện "nói đi đôi với làm", mới thể hiện rõ vai trò của "quốc sách hàng đầu".

Luận án tiến sĩ phải được viết theo chuẩn mực khoa học quốc tế

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, luận án phải thực sự là một công trình nghiên cứu khoa học, có những điểm mới, có công bố quốc tế và được đánh giá kết quả nghiên cứu một cách khách quan. Quan điểm của GS?

GS.TS Phạm Văn Điển: Đúng vậy, luận án phải được viết theo chuẩn mực khoa học quốc tế. Về lý thuyết, điều này đã được đề cập bởi nhiều học giả. Về hành động, chúng ta có thể áp dụng việc soát xét luận án bằng hệ thống công nghệ thông tin. Hệ thống sẽ kiểm dò, phát hiện và cảnh báo sự trùng lặp, lỗi trích dẫn hay sự thiếu minh bạch nào đó của luận án. Điều này thực sự có ý nghĩa lớn, góp phần nâng cao rõ rệt chất lượng của luận án tiến sĩ.

Người học có thể hoàn thành luận án tiến sĩ thông qua các hình thức khác nhau. Một là, sử dụng ít nhất 2 bài báo khoa học đã được công bố (trong đó người học là tác giả chịu trách nhiệm chính - corresponding author, hoặc là đồng tác giả - co-author), biên tập thành luận án. Hai là, viết luận án theo kết cấu chuẩn do quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ở nhiều trường Đại học ngoài nước, chất lượng tiến sĩ được phân biệt rõ. Hình thức thứ nhất được đánh giá cao hơn hình thức thứ hai.

Phóng viên: Sử dụng ít nhất 2 bài báo khoa học công bố quốc tế như vậy liệu có yêu cầu cao với NCS Việt Nam không, thưa GS?

GS.TS Phạm Văn Điển: Tạp chí ISI có chỉ số tác động (impact factor - IF) rất khác nhau, từ 0,1 đến vài chục (tùy thuộc vào lĩnh vực khoa học nữa). Phương hướng chung là nên đưa tiêu chuẩn này vào trong quy chế.

Tuy nhiên, cần nêu rõ là chấp nhận chỉ số IF tối thiểu ở mức nào. Cũng cần đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể, đảm bảo sự tăng dần của các tiêu chí. Thực tế cho thấy rằng, mọi người sẽ vững tâm phấn đấu và có triển vọng đạt được các yêu cầu hay tiêu chí, miễn là nó được quy định rõ ràng và minh bạch. Người ta không sợ khó, chỉ sợ sự mập mờ hay thiếu rõ ràng, cụ thể mà thôi.

Tạo sự "cạnh tranh" giữa những người hướng dẫn

Phóng viên: Đề tài là yếu tố quan trọng làm nên 1 công trình khoa học. Để nghiên cứu sinh có một đề tài khoa học xứng tầm có chất lượng thì nghiên cứu sinh phải phụ thuộc vào đề tài của người hướng dẫn hay người hướng dẫn đưa đề tài cho nghiên cứu sinh làm?

GS.TS Phạm Văn Điển: Bản chất của vấn đề này không phải là người hướng dẫn có đề tài hay không, mà ở chỗ, nhà nước tạo điều kiện và giao quyền tự chủ cho người hướng dẫn. Người hướng dẫn khi đã được thẩm định là đủ điều kiện chuyên môn để hướng dẫn nghiên cứu sinh thì cần được hỗ trợ kinh phí có điều kiện.

Người hướng dẫn này buộc phải tính toán sử dụng kinh phí một cách tốt nhất. Họ sẽ có quyền lựa chọn nghiên cứu sinh phù hợp và hỗ trợ lại cho nghiên cứu sinh với mức độ hợp lý, có thể khác nhau cho các đối tượng và tùy theo tính chất của từng đề tài luận án.

Việc quản lý và kiểm soát kinh phí thông qua người hướng dẫn là cách làm tiên tiến, phổ biến ở nhiều nước trong hàng chục năm qua. Cạnh tranh giữa những người hướng dẫn chính là cạnh tranh về chất lượng và uy tín khoa học của những "máy cái", nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo cho xã hội.

Xin trân trọng cám ơn Giáo sư!

NGƯT, GS.TS. Phạm Văn Điển (sinh năm 1970) là giảng viên của trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, được mời làm nhà khoa học của ĐH Bayreuth - CHLB Đức (2011 - 2015), của Viện Tài nguyên thiên nhiên Warner - ĐH Tổng hợp Bang Colorado - Hoa Kỳ (2013 - 2016 và 2016 - 2018); là thành viên của Hiệp hội địa vật lý Hoa kỳ (từ 2016).

GS. Phạm Văn Điển đã hướng dẫn thành công 5 tiến sĩ ở trong nước và hiện đang hướng dẫn 2 NCS ở nước ngoài, đồng thời cũng là ủy viên Hội đồng chấm luận án tiến sĩ, nơi ông được mời làm nhà khoa học.

Nhật Hồng (thực hiện)