Hà Nội: Cải tạo nhà vệ sinh 2.600 trường học

(Dân trí) - Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch TP Hà Nội cho biết, qua khảo sát 2.622 trường học toàn thành phố, vấn đề nổi cộm của các trường là thiếu công trình phụ hoặc công trình phụ xuống cấp. Bằng cách kết hợp giữa đầu tư doanh nghiệp, tiền của phụ huynh và chi phí của thành phố, hệ thống công trình phụ của hơn 2.600 trường học tại Hà Nội sẽ được cải tạo trong thời gian tới.

Vẫn còn tình trạng dạy học thêm, trái tuyến

Theo báo cáo, toàn thành phố Hà Nội hiện có 2.622 trường học với trên 9.000 phòng học cùng 1,7 triệu học sinh. Theo ông Chung, nếu chia trung bình, mỗi phòng chưa đến 20 học sinh, tuy nhiên phân bố không đồng đều. Điều này khiến trường học ở nội thành quá tải, còn ở ngoại thành thì thì mỗi lớp chưa đến 20 em.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, UBND TP Hà Nội đã cùng với Sở GD&ĐT thủ đô và các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên. Tăng cường nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để giảm thời gian làm thủ tục tuyển sinh bằng việc bắt đầu từ năm học 2016-2017 áp dụng đăng ký trực tuyến tuyển sinh đầu cấp ở lớp 1 và lớp 6.

Ngoài ra, từ ngày 1/9 tới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội và các trường học có thể áp dụng quản lý học bạ, quản lý điểm số học tập của học sinh thông qua hệ thống Internet...

Mặc dù vậy, ông thẳng thắn thừa nhận, chất lượng giáo dục phổ thông còn nhiều tồn tại liên quan đến chất lượng học sinh. Việc con em đi học trái tuyến, chất lượng dạy và học giữa các trường không đều, vẫn còn tình trạng dạy thêm, học thêm… gây bức xúc dư luận và phụ huynh.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP sẽ cải tạo công trình phụ của hơn 2.600 trường học trên địa bàn
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP sẽ cải tạo công trình phụ của hơn 2.600 trường học trên địa bàn

Sẽ cải tạo hơn 2.600 nhà vệ sinh trường học

Để thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2016-2017 và nâng cao chất lượng giáo dục của thủ đô, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề xuất lên Chính phủ, Bộ GD&ĐT 9 giải pháp quan trọng để thúc đẩy ngành giáo dục thủ đô.

Theo đó, Thành phố Hà Nội đề xuất quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn; Có chương trình chuẩn để hàng năm đào tạo nâng cao trình độ giáo viên và tiêu chuẩn hóa trình độ giáo viên các cấp; Tăng cường giáo dục CNTT trong dạy học, nên đưa chương trình CNTT vào dạy từ bậc Tiểu học; Đẩy mạnh học Tiếng Anh; Bộ GD&ĐT cần có chương trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 chuẩn bị vào lớp 10; Cơ chế tự chủ tài chính cho các trường đại học để trên cơ sở đó nhà trường có thể thúc đẩy phát triển giáo dục; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo; Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và những ngành mũi nhọn phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trong trường học, trong đó ưu tiên nâng cấp, sửa chữa, xây mới các nhà vệ sinh ở trường học.

Về vấn đề đào tạo nhân lực, Chủ tịch Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ GD&ĐT, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các ngành mũi nhọn đưa vào các trường đại học. “Hà Nội định hướng du lịch sẽ là ngành mũi nhọn, theo tính toán, 5 năm tới Hà Nội sẽ cần một lượng nhân lực không nhỏ trong ngành này, trong khi rà soát cho thấy đang thiếu trầm trọng nhân lực, vì thế cần có sự điều chỉnh. Trên cơ sở này, TP kiến nghị Bộ GD&ĐT cần đưa ra định hướng thị trường nhân lực để làm sao phục vụ thiết thực nền kinh tế thị trường theo yêu cầu thực tế”.

Việc đầu tư cơ sở vật chất giữa các trường còn nhiều chênh lệch, trong đó hệ thống cấp nước sạch và nhà vệ sinh xuống cấp, theo ông Chung, đây là vấn đề nhức nhối mà Hà Nội sẽ tập trung cải thiện trong thời gian tới.

“UBND thành phố Hà Nội đang kết hợp với doanh nghiệp, đóng góp của phụ huynh và kinh phí của thành phố để đưa ra mô hình mẫu cho các công trình phụ, từ đó thống nhất xây dựng, cải tạo lại toàn bộ hệ thống công trình phụ của tất cả trường học trên địa bàn thành phố trong thời gian tới”, ông Chung nói.

Mỹ Hà