Hà Nội với những thách thức của năm học mới

(Dân trí) -Mở rộng tổ chức dạy 2 buổi/ngày, chú trọng ở cấp tiểu học. Chấn chỉnh các sai phạm về dạy trước chương trình lớp 1, dạy thêm, thu góp sai quy định. Xây dựng và triển dạy học các chủ đề tích hợp liên môn, tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp…

Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2012 - 2013 và triển khai nhiệm vụ năm học 2013 - 2014 được tổ chức vào sáng 12/8.

Những bước tiến vượt bậc

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, đến hết năm 2012, đã có 467/577 xã, phường, thị trấn, 13/29 quận huyện đã hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi và theo báo cáo sẽ hoàn thành phổ cập trong năm 2013 (về đích trước kế hoạch của Thành phố 1 năm và trước 2 năm so với chỉ tiêu toàn quốc). Triển khai nhiều giải pháp cho công tác phổ cập giáo dục nhằm duy trì và nâng cao kết quả phổ cập TH và THCS, đồng thời hoàn thiện các bước chuẩn bị cho phổ cập bậc Trung học.

Huy động được 99,98% số trẻ 6 tuổi ra lớp. Đến nay 100% quận, huyện, thị xã với 577/577 phường, xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS tiêu chuẩn 2. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2013 đạt 97,12% - như vậy so với những năm qua thì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đều trong mức ổn định.
Quang cảnh hội nghị sáng 12/8

Quang cảnh hội nghị sáng 12/8

Năm học vừa qua, học sinh Thủ đô liên tục gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc và đáng tự hào. Nhiều HS đạt giải cao trong các kỳ thi HS giỏi Thành phố, quốc gia và quốc tế. Tại kỳ thi HS giỏi quốc gia THPT năm vừa qua, với 130 giải, trong đó có 9 giải Nhất, 35 giải Nhì và 47 giải Ba và 39 giải khuyến khích. Với thành tích này, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu toàn quốc không chỉ về số lượng giải mà còn đứng đầu về số giải Nhất. Các kỳ thi Olympic Quốc tế, học sinh Hà Nội vinh dự mang về 1 Huy chương Vàng môn Vật lý, 1 Huy chương Đồng môn sinh học và 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á. Năm học này cũng là năm thứ hai Việt nam tham dự cuộc thi quốc tế về Khoa học và Kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông (Intel ISEF), đề tài của nhóm tác giả gồm 3 em học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chính thức đạt giải Tư của Intel ISEF. Tại cuộc thi “Triển lãm quốc tế về sáng tạo khoa học công nghệ trẻ” năm 2013 của Diễn đàn quốc tế về thúc đẩy sáng chế, học sinh Hà Nội đã xuất sắc giành 4 huy chương Vàng.

Đặc biệt, ngành đã chủ động tham mưu với UBND Thành phố để có giải pháp đảm bảo ổn định tình hình công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học của con em nhân dân…

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi cơ bản và kết quả đạt được trong năm học 2012-2013, ngành giáo dục thủ đô vẫn còn có những khó khăn, tồn tại nhất định. Chẳng hạn như, cơ sở vật chất của một số trường ở khu vực nội thành còn khó khăn do diện tích đất không đủ. Tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia ở một số quận, huyện còn chậm. Một số trường sĩ số học sinh trên lớp còn ở mức cao… Ở một số địa phương, việc chỉ đạo trong lĩnh vực phát triển giáo dục còn chưa thường xuyên, chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ nên hiệu quả giáo dục nhiều năm còn chuyển biến chậm.

Năm học mới sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng toàn diện

Tại Hội nghị này, Sở GD-ĐT cũng cho biết, năm học mới sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng toàn diện. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học. Tập trung chỉ đạo đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và phương thức thi, kiểm tra, đánh giá; dạy học phân hóa theo năng lực nhận thức của học sinh trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông. Tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình trường chất lượng cao, các Đề án phát triển giáo dục mầm non, Đề án phương pháp “Bàn tay nặn bột” và nhân rộng mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) ở cấp giáo dục phổ thông; tập trung thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ. Áp dụng dạy học tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục theo các mức độ khác nhau phù hợp với điều kiện của địa phương.

Phần đấu chỉ tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học cho 90% thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 21. Chỉ đạo tốt công tác hướng nghiệp, tăng cường năng lực đào tạo TCCN…

Năm học 2013-2014, ngành giáo dục Thủ đô cũng tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất. Điều chỉnh quy mô trường, lớp và sĩ số học sinh trên lớp một cách hợp lý, trên cơ sở Quy hoạch mạng lưới trường học đã được phê duyệt, phát triển cân đối các ngành học, cấp học, loại hình trường, loại hình đào tạo, đáp ứng yêu cầu học tập của xã hội và đảm bảo công bằng trong giáo dục. Tăng cường trang thiết bị, xây dựng các phòng chức năng phục vụ dạy và học… Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư phát triển giáo dục; thực hiện các giải pháp xã hội hóa giai đoạn 2012-2015 được Chính phủ phê duyệt. Giữ vững kết quả phổ cập giáo dục THCS, tích cực thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục bậc trung học với số đối tượng trong độ tuổi đạt trên 85%. Phấn đấu 85% học sinh tiểu học được học hai buổi/ngày. Xây dựng xã hội học tập, đa dạng hóa phương thức học tập đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết và cơ hội học tập suốt dời của nhân dân…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Thảo - UVTW Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh: “Bước vào năm học mới, trước những yêu cầu mới của xã hội nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, Ngành GD-ĐT Thủ đô cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, tích cực, chủ động sáng tạo, phấn đấu thi đua dạy tốt - học tốt; đẩy mạnh công tác xã hội hoá, tăng cường giao lưu quốc tế; đầu tư đồng bộ chuẩn hoá, hiện đại hoá, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và cụ thể hóa Luật Thủ đô với việc triển khai thí điểm mô hình trường chất lượng cao; tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục, tập trung đẩy mạnh hơn nữa về giáo dục đại trà để nhanh chóng tạo sự thống nhất về chất lượng giữa các vùng miền”.

Ông Thảo cũng đề nghị ngành giáo dục thủ đô chuẩn bị tốt mọi điều kiện để bước vào năm học mới đồng thời phát động phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”, 60 năm giải phóng Thủ đô và 60 năm thành lập Ngành GD-ĐT Hà Nội.

Nguyễn Hùng