Hai cánh cửa mở rộng không gian học tập

Phương pháp thuyết trình và thảo luận nhóm chính là 2 cánh cửa mở rộng không gian giảng dạy mà hiện nay nhiều giáo viên bộ môn (GVBM) đang áp dụng để đưa bài học đến gần với HS hơn. Có thể coi đây là những phương pháp phát huy hiệu quả nhất khả năng tiếp thu bài giảng trên nền tảng phát huy tính tích cực chủ động của HS.

Sôi nổi phương pháp thuyết trình

Khi vận dụng phương pháp thuyết trình, GVBM "chọn mặt gửi vàng" ở những HS mạnh dạn phát biểu, nắm vững kiến thức và quan trọng hơn là biết cách diễn đạt trước tập thể lớp. Đó chính là cặp HS Bảo Uyên - Xuân Nhi và Thái Hưng - Viết Huy trong tiết học "Môi trường hoang mạc" do GV Nguyễn Minh Hiếu thực hiện tại lớp 7 TH1 Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Q7, TPHCM.

Ngay ở phần Đặc điểm môi trường, thay vì trình bày đầy đủ các kiến thức có trong SGK thì GVBM lại khuyến khích người học chủ động động não bằng các bài thuyết trình được chuẩn bị sẵn từ trước. Bên cạnh nêu các ý chính của nội dung, cặp đôi Bảo Uyên - Xuân Nhi đại diện nhóm 1 và nhóm 2 đã vận dụng ngôn ngữ thuyết trình để giảng thuật và giảng diễn nhằm nêu bật được các ý chính về vị trí, địa hình, khí hậu, cảnh quan của vùng đất khô nóng nhất trên quả địa cầu.

Hai cánh cửa mở rộng không gian học tập - Ảnh 1.

Cặp đôi Thái Huy và Viết Hưng thuyết trình giờ học Địa lý.

Tuy chưa đứng ở vị trí GV nhưng các em đã biết dùng cách diễn đạt ý kiến của cá nhân để tái hiện toàn bộ kiến thức bài học từ SGK và những tài liệu tìm đọc trước đó. Nếu trước đây có khoảng cách giữa thầy - trò, người nói - người nghe thì bây giờ khoảng cách đó đã được rút ngắn đến mức tối thiểu. Đây chính là chất keo mà phương pháp thuyết trình tạo ra để làm cho tiết học thân thiện và gần gũi hơn.

Khác hẳn với thuyết trình trong các tiết học theo cách dạy truyền thống bảng đen - phấn trắng, phương pháp thuyết trình trong tiết học ứng dụng công nghệ thông tin còn phát huy thêm tác dụng vì đã giúp người ngồi dưới bục giảng tiếp cận bài vở thông qua kênh hình ảnh được GV phối hợp trình chiếu bằng phần mềm powerpoint.

Bằng hình ảnh cây xương rồng và cả mẫu vật cầm trên tay, đại diện 2 nhóm đã "dẫn đường chỉ lối" cho các bạn trong lớp giải mã được những điều bí ẩn về sự thích nghi môi trường của các loài thực vật sống trên hoang mạc vô cùng khắc nghiệt để bảo tồn sự sống. Có thêm kiến thức môn Sinh học, tiết học Địa lý lại được bổ trợ về những vấn đề liên quan đến sự sống và quy luật kỳ diệu của thiên nhiên.

Đó cũng là cách làm của nhóm 3, nhóm 4 mà Thái Huy và Viết Hưng đại diện khi thuyết trình về sự thích nghi của động vật đối với môi trường. Nhờ sự trợ giúp của thầy Minh Hiếu, cả lớp lại được nhìn tận mắt hình ảnh sống động các con vật sống vùng hoang mạc như lạc đà 2 bướu, thằn lằn sa mạc... Dù ở trong phòng học vùng nhiệt đới nhưng các em có cảm giác như đang đứng giữa sa mạc Sahara để chứng kiến một môi trường sống hoàn hảo thông qua màn hình trình chiếu sinh động.

Hai cánh cửa mở rộng không gian học tập - Ảnh 2.

Các nhóm thảo luận trong tiết Toán.

Gần gũi tính thực tiễn

Người ta thường quan niệm và gần như đã mặc định toán học là một môn học khó với những con số và phép tính khô khan. Thế nhưng với tiết học "Một số kiến thức toán 6" áp dụng vào thực tế tại lớp 6 TH của cô Nguyễn Thị Hiền - GV Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quan niệm đó đã không còn đứng vững.

Đúng như chủ đề của giáo án, tính áp dụng của tiết học đã được thể hiện rõ qua những bài tập không phải nằm im ỉm trong SGK mà là những chuyến đi đã được HS trải nghiệm. Từ bài toán Tính số, HS đi tham quan thảo cầm viên, GVBM đã cho các em "dạo chơi" một vòng vườn thú quen thuộc thông qua đoạn video clip để khâm phục hơn những điều kỳ diệu về thiên nhiên. Ở đây giữa môn Toán học và Sinh học cũng không còn khoảng cách rộng như trước nữa.

So với tiết học Địa tại lớp 7 TH1, tiết học Toán ở lớp 6 TH không thiên nhiều về phương pháp thuyết trình mà được GV chú tâm vào phương pháp thảo luận nhóm. Điều này thấy rõ trong ý đồ GVBM bố trí sắp xếp lại bàn học theo hình tròn chụm lại để các nhóm có cơ hội trao đổi ý kiến thuận lợi hơn. Nếu phương pháp thuyết trình thường khiến HS e ngại và mang tính cá nhân thì phương pháp thảo luận nhóm luôn được HS thích thú ủng hộ và mang tính tập thể rõ nét. GVBM luôn coi thảo luận nhóm như một phương pháp có tính hiệu ứng cao trong hoạt động dạy học tích cực.

Năng lực làm việc nhóm càng được phát huy cao độ khi cô giáo Nguyễn Thị Hiền đưa ra 3 hoạt động thông qua một số trò chơi vận dụng khéo léo môn toán học. Các trò chơi này chính là ngòi nổ để cho các nhóm phát huy vai trò và thi đua lẫn nhau. Tuy khả năng tính toán khác nhau và có thể có sự chênh lệch về trình độ nhưng nhờ những thành viên "át chủ bài" mà các nhóm có cơ hội cùng nhau cạnh tranh điểm số. Điều hấp dẫn của tiết học là các đề bài đều lấy ra từ thực tiễn cuộc sống như bài toán cửa hàng khuyến mãi kẹo, tìm số xe của bãi đậu xe, cách tính lịch chiếu phim bộ nhiều tập, thí nghiệm bóng đèn tắt sáng... không có gì lạ lẫm mà rất gần gũi với người học.

Dù không phải ghi chép nhiều nhưng nhờ có phiếu học tập, trong giờ học các em có thêm cơ hội ghi nhớ những kiến thức căn bản sau cùng. Có thể nói, có một "kiến thức" đọng lại trong mỗi cá nhân tuy bài học không mang đến nhưng thông qua định hướng của GV mà các em đã được trang bị, đó là lòng hiếu thảo cha mẹ, sự biết ơn thầy cô giáo, ước mơ về hành trình sáng tạo, nguồn sức mạnh để các em trưởng thành trong tương lai mà GV đã biết lồng ghép vào trước đó. Đây cũng là bài học rút ra cho bản thân về bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi mà thầy giáo Nguyễn Minh Hiếu đã gửi gắm thông qua tiết học 45 phút sinh động và thoải mái tại lớp 7 TH1.

Tuy chưa đứng ở vị trí GV nhưng các em đã biết dùng cách diễn đạt ý kiến của cá nhân để tái hiện toàn bộ kiến thức bài học từ SGK và những tài liệu tìm đọc trước đó. Nếu trước đây có khoảng cách giữa thầy - trò, người nói - người nghe thì bây giờ khoảng cách đó đã được rút ngắn đến mức tối thiểu. Đây chính là chất keo mà phương pháp thuyết trình tạo ra để làm cho tiết học thân thiện và gần gũi hơn.

Theo Nguyễn Hoàng Anh

Giáo dục & Thời đại