Hàn Quốc: Học sinh xét xử… học sinh

Ở trường trung học Lãnh đạo Hàn Quốc có một hình thức giáo dục rất độc đáo giúp trường thiết lập trật tự kỷ cương khá hiệu quả: Học sinh mở phiên tòa xét xử học sinh.

Gần 50 học sinh trong phòng xử án đều mặc “hanbok”- trang phục truyền thống của Hàn Quốc đủ các màu. Căn phòng đang tràn ngập tiếng cười nói bỗng trở nên lặng ngắt khi có 5 người tiến vào sân khấu: 2 người mặc đồ tím, 3 người mặc đồ xanh thẫm. Họ cũng là HS, nhưng khuôn mặt rất nghiêm nghị. Có vẻ như họ có quyền lực hơn hẳn số người còn lại trong phòng.

 

Sau khi yên vị, một nam HS mặc áo choàng xanh đập mạnh chiếc búa gỗ, tiếp đó một HS khác mặc áo choàng tím ở bên phải kêu to: “Đứng dậy, phiên tòa sắp bắt đầu.” Sau lời công bố này, không khí đột ngột tĩnh lặng, các HS đồng loạt đứng dậy. Và “Phiên tòa Học sinh” tại trường trung học Lãnh đạo Hàn Quốc (KMLA - Korean Minjok Leadership Academy) ở Hoengsong (tỉnh Kangwon, Hàn Quốc) bắt đầu. 

 

KMLA là trường nội trú tư, chú trọng trau đồi khả năng lãnh đạo cho HS có năng khiếu. KMLA nằm trong số những trường trung học tư danh tiếng nhất Hàn Quốc, nổi tiếng với chương trình giảng dạy theo hướng phương Tây. Một lượng lớn học sinh tốt nghiệp trường này được vào học những trường ĐH danh tiếng ở Mỹ và Anh.

 

Ngay từ khi thành lập vào năm 1996, trường đã có Phiên tòa học sinh. Hình thức này cho phép các HS tự phán quyết về hành vi cư xử của mình và tự rèn luyện. Điều này được đưa vào điều lệ trường.

 

Phiên tòa Học sinh được tổ chức vào ngày thứ Năm hàng tuần tại hội trường học. Các HS vi phạm quy định trong tuần phải tham dự phiên tòa để chịu mức án do ba vị “thẩm phán nhí”, đều đang học năm đầu, đưa ra. Hai HS năm thứ hai đóng vai luật sư bào chữa và nhân chứng buộc tội. Nhân chứng phải đưa ra các bằng chứng buộc tội và đề nghị mức phạt. Luật sư bào chữa sẽ kiến nghị mức án treo nếu thấy cần thiết.

 

Hàn Quốc: Học sinh xét xử… học sinh  - 1
  

4 HS đang bị xét xử do

vi phạm điều lệ của trường.

 

Các thành viên của Ủy ban Danh dự, bao gồm 3 thẩm phán, một luật sư bào chữa và một nhân chứng buộc tội được lựa chọn tại lễ bầu cử hàng năm của HS. Tất cả các tiến trình tại phiên tòa đều do HS thực hiện, và về mọi nghĩa, đây là một phiên tòa thực sự của HS.

 

“Seung-jik, anh đã vi phạm chính sách EOP (chính sách "Chỉ nói tiếng Anh"), do vậy anh bị 3 mức phạt.”, thẩm phán tuyên bố với Yang Seung-jik, một HS năm cuối tại trường sau khi nghe nhân chứng buộc tội.

 

Nếu tuần tới, Seung-jik bị thêm 7 mức phạt nữa, cậu sẽ phải chịu hình phạt đọc các chương trong Myongshimpogam (một văn bản cổ về luật và truyền thống của Hàn Quốc).

 

Seung-jik đã rất ngượng vì bị phạt trước mọi người vì HS trường KMLA chỉ quen được khen thưởng. “Nhưng tôi thực sự nghĩ Phiên tòa học sinh đã giúp tôi cư xử có trách nhiệm hơn. Học xa bố mẹ thường khiến HS chểnh mảng. Nhưng chỉ sau một phiên tòa học sinh, bạn phải chấn chỉnh lại hành vi của mình”, Seung-jik nói.

 

Hệ thống phạt này do HS và giáo viên trường KMLA thống nhất đề ra. Theo đó, các HS thường xuyên vi phạm điều luật của trường sẽ bị phạt. Khi được hỏi các HS khác phản ứng ra sao về phiên tòa đặc biệt này, Seung-jik cho biết, tất nhiên họ không thích bị xét xử, song điều đó rất cần thiết để duy trì kỷ luật tại trường.

 

Hwang Hyeong-joo, giáo viên trường KMLA nhận định Phiên tòa học sinh là cách hợp lý nhất để “trị” HS, bắt buộc HS phải tự rèn kỷ luật và thực hiện tinh thần tuân thủ luật lệ. HS học cách tôn trọng bản thân, yếu tố chủ chốt để nuôi dưỡng khả năng lãnh đạo.

 

Theo Vũ Minh Thương

 Vietnamnet/Thời báo Hàn Quốc