Góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi):

Hiệu trưởng trường phổ thông không có nhiệm vụ tăng nguồn thu

(Dân trí) - Nếu như ở bậc ĐH, tự chủ về tài chính bao hàm vấn đề tạo lập nguồn thu và phân phối, kiểm soát nguồn thu thì ở giáo dục phổ thông chỉ dừng lại ở mức phân phối và kiểm soát nguồn thu. Có nghĩa là việc tạo lập nguồn thu không phải là nhiệm vụ của hiệu trưởng trường phổ thông.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần xem xét lại vấn đề tự chủ đối với giáo dục phổ thông. Những góp ý này đã được chia sẻ tại hội thảo liên quan vấn đề các quy định về tự chủ và quản lý nhà nước trong dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) diễn ra mới đây tại Trường ĐH Luật TPHCM.

Hiệu trưởng trường phổ thông không có nhiệm vụ tự kiếm tiền

PGS. TS Nguyễn Văn Vân, nguyên trưởng khoa Luật thương mại, Trường ĐH Luật TPHCM đặt vấn đề rằng “nếu trong giáo dục ĐH, tự chủ có 3 mảng gồm tài chính, nhân sự tổ chức và chuyên môn nghiệp vụ. Còn trong giáo dục phổ thông chúng ta có nên đặt ra tự chủ tài chính hay không và mục tiêu tự chủ cho trường phổ thông là gì?”.

Hiệu trưởng trường phổ thông không có nhiệm vụ tăng nguồn thu - Ảnh 1.

PGS. TS Nguyễn Văn Vân, nguyên trưởng khoa Luật thương mại, Trường ĐH Luật TPHCM.

Theo ông Vân, trong thực tế, đọc xuyên suốt dự thảo luật giáo dục thì vấn đề tự chủ chỉ nêu ở “tự chủ cho cơ sở giáo dục” mà không chia cho bậc học nào (đại học, giáo dục nghề nghiệp, phổ thông…). Ông Vân cho rằng dù tự chủ nhưng tùy loại hình trường thuộc sở hữu ai, nếu công lập thì tự chủ có giới hạn, còn nếu ngoài công lập thì sẽ khác.

Trong công lập, nếu trường trường chuyên, lớp chọn, chất lượng cao thì mức độ tự chủ phải cao hơn so với trường giáo dục bắt buộc. “Chúng ta đang duy trì một cơ chế cào bằng trong luật, điều này dẫn đến cực kỳ khó hiểu và rất khó áp dụng trong thực tế”, chuyên gia này nhận định.

Nói về khái niệm tự chủ thì ở ĐH, ông Vân cho biết khi nghiên cứu tài liệu nước ngoài thì họ không sử dụng khái niệm tự chủ mà sử dụng là “tự trị đại học” và gắn liền với tự do học thuật. Điều đó có nghĩa xuất phát từ tự do học thuật sẽ dẫn đến tự trị ĐH. “Còn ở Việt Nam, gõ từ khóa “tự chủ tài chính” dẫn đến tự chủ.

Có nghĩa là chúng ta lấy tài chính làm cái trọng tâm để phát triển lên những quyền khác về nhân sự, tổ chức, học thuật. Tức là đi theo trục ‘tiền - quyền”, có tiền thì mới có quyền, rất thực dụng. Tôi muốn chúng ta cần hiểu đúng khái niệm “tự chủ” mà chúng ta nói trong dự thảo luật”, ông Vân nói .

Dưới quan điểm cá nhân của mình, ông Vân cho rằng không nên bổ sung trong dự thảo luật này một điều luật về tự chủ. “Chỉ cần nâng cấp, cụ thể hóa toàn bộ các điều luật trong dự thảo luật giáo dục này. Ví dụ như quyền của trường phổ thông trong xây dựng chương trình và thực hiện chương trình, được lựa chọn sách giáo khoa, quyền nghĩa vụ của nhà giáo, của thủ trưởng được phân định một cách rạch ròi giữa chức năng quản lý của cơ quan quản lý nhà nước với cơ sở giáo dục.

Tự chủ là linh hồn xuyên suốt tất tần tật các điều luật trong luật chứ không phải ban hành riêng một điều luật là hệ thống giáo dục Việt Nam sẽ tự chủ. Do đó, tôi phản đối quan điểm “nên bổ sung một điều trong dự thảo này” mà phải sửa một các loạt điều luật theo hướng trao quyền nhiều hơn cho cơ sở giáo dục mới hướng đến mục tiêu tự chủ”, ông Vân nói.

Bên cạnh đó, ông Vân cho rằng trong thực tế có sự nhầm lẫn giữa tự chủ giáo dục với vấn đề tự tìm nguồn thu. Ở ĐH, tự chủ về tài chính bao hàm vấn đề tạo lập nguồn thu và phân phối, kiểm soát nguồn thu.

Còn ở giáo dục phổ thông chỉ dừng lại ở mức phân phối và kiểm soát nguồn thu. Có nghĩa là việc tạo lập nguồn thu không phải là nhiệm vụ của hiệu trưởng trường phổ thông mà nhà nước phải thực thi trách nhiệm đó của mình. Giáo dục phổ thông mà đặc biệt là giáo dục bắt buộc toàn bộ kinh phí từ ngân sách nhà nước và giao cho hiệu trưởng quyền phân phối nguồn kinh phí đó làm sao hiệu quả kèm trách nhiệm liên quan.

Do đó, hiệu trưởng trường phổ thông, đặc biệt ở bậc tiểu học, THCS thì không trao quyền tự tìm nguồn thu, tự xoay xở vì như thế hoàn toàn không đúng. Một quốc gia cho dù nghèo nàn đến mức nào thì quốc gia đó cũng phải đảm bảo ngân sách cho giáo dục bắt buộc.

Cho nên không nên đánh tráo khái niệm tự chủ là tự chủ tài chính, có nghĩa là hiệu trưởng các trường phổ thông, các trường cấp 1, cấp 2 phải đi tìm nguồn thu và đi đến chuyện lạm dụng xã hội hóa để sống được. Luật phải tuyên bố rõ điều này để tránh hiểu lệch lạc về xã hội hóa và khái niệm tự chủ.

Tự chủ giúp các trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới tốt hơn

TS Phạm Thị Ly, hành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, đánh giá dự thảo luật giáo dục sửa đổi lần này có nhiều điểm tích cực và tiến bộ, quan trọng nhất thừa nhận sự đa dạng trong hệ thống giáo dục (chẳng hạn như điều 14, điều 16).

"Tuy nhiên, vấn đề cần bàn là tư tưởng đó có thể hiện nhất quán trong quy định của luật hay không? Tôi thấy mặc dù thừa nhận sự đa dạng nhưng hình như chưa đủ để thay đổi thực tế. Có những thực tế nếu chỉ dừng lại ở các quy định trong luật như hiện nay thì sẽ không giải quyết được. Chẳng hạn như vấn đề thu nhập giáo viên đã tồn tại lâu nay, hay như vấn đề tự chủ và quyền tự chủ của nhà trường", bà Ly nói.

Hiệu trưởng trường phổ thông không có nhiệm vụ tăng nguồn thu - Ảnh 2.

TS Phạm Thị Ly, hành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực

Theo bà Ly, hiện nay mức độ tự chủ của các trường vẫn còn đang giới hạn nên luật sửa đổi đặt ra vấn đề này rất đúng vì trước đây chỉ nói tự chủ đại học nhưng không nhắc gì tới phổ thông vì đặc thù của cấp học này.

Trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được ban hành với tinh thần trao quyền nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục trong việc không chỉ lựa chọn sách giáo khoa, mà còn các phương pháp tiếp cận, nội dung thực hiện. Do đó, quyền tự chủ của các trường cần phải được khẳng định rõ hơn để các trường thực hiện được chủ trương của chương trình giáo dục tổng thể này.

“Chương trình hiện nặng nhưng các trường không có quyền thay đổi. Các trường tư và quốc tế đồng thời phải duy trì chương trình nhà nước và chương trình bổ sung mà họ thấy rằng xã hội có nhu cầu, dẫn đến chương trình học rất nặng nề. Vì vậy, mới có xu hướng không đáng khuyến khích là học sinh chuyển từ trường phổ thông sang chương trình giáo dục thường xuyên - một lựa chọn tiêu cực để có một bằng đáp ứng để vào ĐH”, TS Ly nói.

Bà Ly đề xuất, cần trao quyền cho các trường lựa chọn nội dung và phương pháp giảng dạy miễn đáp ứng được nội dung quy định trong giáo dục phổ thông tổng thể. Khi đó, mức độ can thiệp của các cơ quan nhà nước (như sở, phòng) cần cân nhắc lại để đảm bảo quyền tự chủ cho các trường.

Lê Phương