Học phí đại học: Tự chủ không đồng nghĩa "muốn thu cao bao nhiêu thì thu"

(Dân trí) - Các cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý cần phải hiểu, tự chủ không đồng nghĩa với “muốn làm gì thì làm”, “thu học phí mức cao bao nhiêu thì thu”.

Đó là thông tin từ Bộ GDĐT phát tới báo chí chiều ngày 11/6.

Bộ GDĐT cho biết, đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế kiểm tra, xác minh mức thu học phí của Trường ĐH Y Dược TP.HCM theo phản ánh của báo chí để trả lời công khai cho người học và toàn xã hội.

Tới đây, Bộ GDĐT sẽ đề xuất quy định cụ thể khung và trần học phí phù hợp với các chuẩn kiểm định và chất lượng đầu ra của các cơ sở đào tạo.

Học phí đại học: Tự chủ không đồng nghĩa muốn thu cao bao nhiêu thì thu - 1

Quy định trần mức tăng học phí hàng năm từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 tăng bình quân 8%- 10%/năm.

Bộ GDĐT cho biết, quy định về chính sách học phí các cấp học căn cứ theo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Nghị định số 127/2018/NĐ-CP và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) 2018.

Đặc biệt, thẩm quyền trách nhiệm, ban hành mức thu học phí và trách nhiệm kiểm tra giám sát đã được quy định rõ.

Đối với các cơ sở (CS) GDĐH công lập, cơ quan chủ quản (Bộ ngành/địa phương) trực tiếp có trách nhiệm thẩm định, quyết định/ phê duyệt/ thống nhất phương án phân loại mức độ tự chủ về tài chính của CS GDĐH trực thuộc, bao gồm cả phương án thu - chi tài chính theo đúng Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Thông tư 71/2006/TT-BTC.

Trong đó, phải đảm bảo mức thu học phí theo đúng quy định tại Luật GDĐH và Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Đồng thời, cơ quan chủ quản có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các CS GDĐH trực thuộc trong việc thực hiện chính sách học phí theo quy định.

Các CS GDĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đồng thời đáp ứng điều kiện tự chủ theo quy định tại Điều 32, Luật GDĐH.

Theo đó, các CS được tự chủ xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật và lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Công tác này thực hiện theo Thông tư số 14/2019/TT-BGĐT về hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Bộ GD&ĐT cho rằng, cơ quan chủ quản trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý, giám sát việc thực hiện chính sách học phí của các CS GDĐT được giao chủ quản, xử lý sai phạm theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm giải trình với xã hội, với người học về các chức năng được giao.

CS GDĐH công lập chưa đáp ứng điều kiện tự chủ theo quy định tại Điều 32 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH thì tiếp tục thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.

Trong đó, quy định trần mức tăng học phí hàng năm từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 tăng bình quân 8%- 10%/năm. Các trường được xác định mức tăng học phí hàng năm, nhưng không được vượt trần Nghị định 86.

Các CS GDĐH tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chất lượng đào tạo, theo Khoản 3 Điều 65 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH.  

Theo Nghị định 127/2018/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý các trường đại học công lập trực thuộc tỉnh, các trường đại học tư thục trên địa bàn theo quy định của pháp luật. UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu học phí của các CS GDĐT công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước (QLNN) của tỉnh theo quy định.

Tự chủ phải đảm bảo quyền lợi người học

Bộ GD&ĐT cho biết, trong quá trình thực hiện tự chủ, cơ sở đào tạo cần xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan chủ quản ban hành và các quy định, hướng dẫn hiện hành phù hợp với chất lượng đào tạo.

CS đào tạo được tự xác định học phí nếu đáp ứng được các điều kiện tự chủ theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và ban hành mức thu học phí phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ GDĐT tương xứng với chất lượng đào tạo.

Đặc biệt, các CS có trách nhiệm công khai, minh bạch và cam kết chất lượng; Giải trình với xã hội và các cơ quan QLNN về việc xây dựng mức học phí tương xứng với chất lượng đầu ra cam kết và lộ trình tăng học phí phù hợp với chất lượng được kiểm định chương trình đào tạo.

Việc công khai mức thu học phí và lộ trình tăng học phí từng năm và cả khóa học thực hiện theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.

Đáng chú ý, cơ sở đào tạo khi xây dựng mức thu học phí cần phải tính đến các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng chính sách thông qua các hình thức như: Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo, sinh viên khó khăn; chỉ tiêu cho các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, các chính sách hỗ trợ khác.

"Như vậy, cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý cần phải hiểu, tự chủ, không đồng nghĩa với “muốn làm gì thì làm”, “thu học phí mức cao bao nhiêu thì thu” - Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Tự chủ cần được nhìn nhận đúng dưới trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình báo cáo, minh bạch thông tin về mức thu học phí, lộ trình tăng học phí; cam kết chất lượng của nhà trường; nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm quyền lợi cho người học và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Bộ GDĐT cho biết, sẽ đề xuất đưa quy định cụ thể khung và trần học phí phù hợp với các chuẩn kiểm định và chất lượng đầu ra của các cơ sở đào tạo vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, để trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập, Bộ GD&ĐT cho biết, căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu học phí của các CS GDĐT công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh theo quy định của pháp luật; Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giáo dục tại địa phương theo quy định.

Học phí được áp dụng theo quy định khung học phí của năm học 2015-2016 tại Nghị định 86. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng để  điều chỉnh mức tăng  học phí phù hợp (trung bình khoảng 3-5%).

Hồng Hạnh