Học sinh chọn nghề theo cảm tính

(Dân trí) - Do hướng nghiệp chưa tốt nên đa số học sinh chọn nghề theo cảm tính, phong trào dẫn đến khoảng 60% học sinh chọn sai ngành.

Chỉ có khoảng 5% học sinh (HS) hiểu biết về ngành mình chọn học, 20% hiểu một cách tương đối và đến 75% thiếu hiểu biết về ngành mình chọn.

Thông tin được ThS Trần Anh Tuấn, Phó GĐ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đề cập tại chương trình tập huấn công tác tư vấn trường học do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức chiều 10/12.

Học sinh Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TPHCM trong chương trình tư vấn hướng nghiệp. 
Học sinh Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TPHCM trong chương trình tư vấn hướng nghiệp. 

Ông Tuấn phân tích, mỗi năm cả nước có hơn một triệu HS thi vào các trường ĐH, CĐ. Hơn 400.000 em đạt nguyện vọng này và khoảng 370.000 chọn vào các trường dạy nghề. Hơn 1/3 HS chờ kỳ thi năm sau chứ không học nghề tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội cũng như gây lãng phí nguồn nhân lực.

Do hướng nghiệp chưa tốt, đa số HS không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên khi rớt ĐH, các em đã chọn đại một ngành, một trường nào đó để học. Thiếu định hướng chọn nghề phù hợp với năng lực, sở trường và xu hướng thị trường lao động nên dẫn đến sinh viên ra trường khó xin việc làm phù hợp.

Theo khảo sát của Falmi, tại TPHCM có khoảng 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm, 20% rất khó khăn hoặc không tìm được việc. Trong tổng số sinh viên có việc làm có đến 50% làm trái ngành nghề.

“Đang có nghịch lý ở TPHCM là đang rất thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành nghề cần thiết cho sự phát triển”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, lựa chọn nghề nghiệp là một quá trình HS phổ thông cần chuẩn bị từ sớm, ngay từ bậc THCS để các em có định hướng rõ ràng cho mình khi không chuyển tiếp lên THPT mà chuyển sang học nghề hoặc trung cấp.

Công tác hướng nghiệp ở trường học cần giúp HS chọn lựa và phát triển nghề nghiệp phù hợp nhất với bản thân; hiểu được hệ thống nghề nghiệp trong xã hội; phương hướng phát triển nền kinh tế quốc dân và kinh tế địa phương…

Ông Nguyễn Thành Trung (Phòng công tác Học sinh - Sinh viên, Sở GD-ĐT TPHCM) cho hay ngành giáo dục sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp cho. Qua đó giúp HS chủ động trong lựa chọn ngành nghề, có khả năng tự quyết định con đường nghề nghiệp tương lai của mình.

Hoài Nam