Đắk Nông:

Học sinh dân tộc thiểu số chế tạo sữa tắm từ cây dại trong vườn

(Dân trí) - Từ cây dại trong vườn nhà, nhóm học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Đắk R’Lấp (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) đã chế tạo ra sữa tắm, nước lau sàn, nước rửa chén… Với những sáng chế “cây nhà lá vườn” này, 5 thành viên của nhóm đã đoạt được nhiều giải cao trong các cuộc thi sáng tạo toàn quốc.

Nuôi ý tưởng từ thói quen thực tế

Chúng tôi gặp em Điểu Linh (dân tộc Mơ Nông) và Voong Thị Hồng Hạnh (dân tộc Tày), học sinh trường Phổ thông DTNT Đắk R’Lấp khi cả hai đang mải tranh luận về mấy bài Hóa phức tạp. Sau một hồi trò chuyện, Linh và Hạnh niềm nở dẫn chúng tôi ra thăm vườn sả chanh được trồng trong khuôn viên của trường.


Điểu Linh và Hồng Hạnh là hai học sinh tiên phong trong đề tài nghiên cứu khoa học từ sả chanh

Điểu Linh và Hồng Hạnh là hai học sinh tiên phong trong đề tài nghiên cứu khoa học từ sả chanh

Chỉ tay về những bụi sả tốt um tùm, Điểu Linh khoe: “Những bụi sả này do chính em mang từ nhà lên trồng. Khi trước xung quanh nhà em nhiều lắm, mỗi lần có ai bị cảm, bố em lại lấy một ít lá sả để mang đi xông. Bây giờ trong nhà chẳng còn bụi nào vì em đã mang lên đây trồng để phục vụ cho đề tài khoa học: sữa tắm từ tinh dầu sả chanh cả rồi!”.

Nói về ý tưởng chế tạo sản phẩm từ loại cây này, Linh cho hay, vào mùa mưa, nơi Linh sinh sống thường có rất nhiều muỗi, nhất là muỗi vằn. Một lần tình cờ, bố Linh phát hiện muỗi không dám đến gần bụi sả chanh nên ông cắt ít sả, bỏ trong nhà để xua đuổi muỗi. Biết được tác dụng mùi hương của loài cây này, nhiều người trong buôn đến nhà Linh xin giống cây về trồng. “Em cũng không ngờ, giống cây dại, bao năm nay vẫn mọc hoang quanh nhà lại hữu ích đến vậy”.

Nối tiếp thành công của anh chị, ba học sinh lớp 10 tiếp tục ẵm giải với sản phẩm nước lau sàn, rửa chén
Nối tiếp thành công của anh chị, ba học sinh lớp 10 tiếp tục ẵm giải với sản phẩm nước lau sàn, rửa chén

Giữa năm 2015, khi nhà trường phát động cuộc thi sáng tạo khoa học, Linh nảy ra ý tưởng sử dụng sả chanh điều chế sản phẩm đuổi muỗi nên em đem ý tưởng này bàn với Hồng Hạnh (bạn cùng lớp). Sau khi được sự đồng ý hướng dẫn của thầy Võ Như Sơn, giáo viên môn Hóa, phó hiệu trưởng nhà trường, cả hai bắt tay vào thực hiện đề tài.

Trái với vẻ bạo dạn của người bạn đồng hành, nữ sinh người Tày bẽn lẽn chia sẻ: “Gọi là sả chanh vì cây này có mùi thơm hương chanh. Tuy nhiên nó khác với sả thường là thân màu tím và không ăn được. Chính vì vậy, bao năm nay loài cây này chỉ mọc hoang chứ không được ai trồng trong vườn cả”.

30m² đất của trường được dành để trồng sả chanh, toàn bộ giống đều được lấy từ nơi Điểu Linh sinh sống. Thầy Sơn - giáo viên hướng dẫn cho biết: “Trong điều kiện nhà trường còn hạn chế về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm không đủ máy móc để tạo ra tinh dầu sả, nên tôi cùng các em lặn lội sang Lâm Đồng để nhờ Trung tâm Khoa học và công nghệ Đà Lạt chưng cất, xác định giúp các thành phần hóa học”.


Kết quả kiểm định nước rửa chén thân thiện với môi trường.

Kết quả kiểm định nước rửa chén thân thiện với môi trường.

Sau khi đã có tinh dầu, cả ba thầy trò lại mày mò, tìm hiểu tài liệu trên mạng để tạo ra sản phẩm sữa tắm, có vừa có tác dụng đuổi muỗi, vừa diệt được khuẩn. Hơn 1 năm, từ ngày ý tưởng được hình thành đến khi sản phẩm sữa tắm tinh dầu sả ra đời, cả ba thầy trò không biết bao nhiêu lần thất bại.

Cuối cùng, thành quả và nguồn khích lệ tinh thần to lớn cũng đến, khi sản phẩm của các em đạt hai giải nhì (không có giải nhất) trong hai cuộc thi khoa học sáng tạo của tỉnh Đắk Nông và được cử tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia năm 2016.

Nối bước đàn anh, tiếp tục “ẵm” giải

Sau thành công bước đầu của công trình sữa tắm tinh dầu sả chanh của Linh và Hạnh, một nhóm học sinh khác đã dựa trên những thành quả ban đầu để tiếp tục phát triển công trình, đưa tinh dầu sả vào nhiều sản phẩm thực tế hơn. Thầy hiệu phó Võ Như Sơn tiếp tục được trường phân công hướng dẫn “giai đoạn 2 của đề tài tinh dầu sả”.

Thầy giáo dạy Hóa tự hào, tâm đắc: “Các em rất chủ động, sáng tạo, biết kế thừa nhưng cũng biết phát triển thêm. Ngay sau khi “đứa con tinh thần đầu tiên” ra đời, cả thầy và trò lại bắt tay vào thực hiện một đề tài mới, đưa tinh dầu sả đến gần với bà con hơn. Đề tài lần này có tên khoa học là Nghiên cứu điều chế nước rửa chén và nước lau sàn nhà hữu cơ thân thiện với môi trường từ cây sả chanh Đắk Nông do các học sinh Tái Sơn Đông (dân tộc Pà Thẻn) và Đường Thị Mai (dân tôc Hoa), Lường Thị Thúy Hà (dân tộc Tày) làm tác giả”.


Sau những giờ học, nhóm học sinh dân tộc thiểu số lại ra chăm sóc vườn sả chanh.

Sau những giờ học, nhóm học sinh dân tộc thiểu số lại ra chăm sóc vườn sả chanh.

Từng có một thời gian hỗ trợ trồng sả cho Linh và Hạnh trước đó, nên cả Đông, Hà và Mai đều có niềm đam mê với loài cây dại này. Nữ sinh lớp 10 Thúy Hà chia sẻ: “Nước rửa chén và nước lau sàn nhà về bản chất là loại dung dịch được điều chế từ các chất hoạt động bề mặt với tinh dầu sả chanh, nó có tính chất tẩy rửa của chất hoạt động bề mặt và có tác dụng khử khuẩn của tinh dầu sả chanh. Và vấn đề khó nhất của công trình này là tìm ra chất hoạt động bề mặt”.

Dưới sự hướng dẫn của thầy Sơn, nhóm của Hà đã thực hiện điều chế sản phẩm dựa trên phản ứng phối hợp giữa các chất hoạt động bề mặt với tinh dầu sả chanh, nguyên liệu chính của chất hoạt động bề mặt là Lauryl ete Sunfat và MonoLaurin (một chất hoạt động bề mặt được dùng để điều chế nhiều sản phẩm như xà phòng, dầu gội, kem đánh răng…), trong đó MonoLaurin được điều chế bằng phản ứng thủy phân dầu dừa, chúng có tính chất tương tự như xà phòng.

Qua hơn 180 phản ứng điều chế nước rửa chén và nước lau sàn nhà, nhóm học sinh đã tìm ra công thức điều chế hợp lý nhất. Mới đây, sản phẩm do nhóm Hà điều chế đã nhận giải nhì (giải cao nhất) tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh Đắk Nông dành cho học sinh trung học năm học 2016 - 2017 và tiếp tục được cử đi thi cấp Quốc gia.

Được biết, điểm đặc biệt của sản phẩm từ tinh dầu sả chanh này là hoàn toàn tự nhiên, thân thiện với môi trường. Ngoài tác dụng diệt nấm, đuổi muỗi và khử khuẩn, những sản phẩm này còn không gây kích ứng da, có mùi thơm dễ chịu.

Thầy Lê Nhơn, Trưởng Phòng Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông đánh giá, các dự án tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh ngày càng có chất lượng và mang tính ứng dụng thực tế. Từ cuộc thi, một số dự án sẽ được Sở Khoa học - Công nghệ trình cấp bản quyền sở hữu trí tuệ. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tăng cường các hoạt động để khích lệ học sinh tham gia nghiên cứu khoa học nhằm tạo phong trào nghiên cứu khoa học sâu rộng trong học sinh.

Tác dụng y học của cây sả chanh

Theo thầy Vũ Như Sơn, cây sả chanh tên khoa học là Cymbopogonspp và có nhiều tên gọi khác như Hương mao, Chạ phiéc (Tày), Phác châu (Thái), Mờ blang (Ko ho).

Năm 1987, loại cây này được trồng ở khu vực huyện Đắk R’Lấp (tỉnh Đắk Nông) với mục đích sản xuất xà phòng, dầu gội đầu. Sau này do làm ăn thất bại, việc trồng sả chanh cũng bị đình chỉ. Khu đất trồng sả chanh khi xưa bị bỏ hoang, cỏ và sả thi nhau mọc um tùm. Sau đó, người dân châm lửa đốt để chuyển đổi mục đích canh tác nên diện tích sả chanh không còn nhiều.

Theo y học hiện đại, tinh dầu sả trong sả chanh có tác dụng kháng khuẩn invitro trên một số chủng gr (+), ngoài ra nó còn có tác dụng kìm hãm nấm và diệt nấm trên một số chủng: Candida spp, C. albicans.

Trên nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, nước sắc của sả có tác dụng hạ huyết áp phụ thuộc vào liều theo đường tiêm tĩnh mạch; theo đường uống thì tác dụng lợi tiểu và chống viêm yếu; không gây độc với động vật thí nghiệm thời mang thai và dùng kéo dài. Công dụng khác là có thể sử dụng tinh dầu làm nước hoa, xà phòng thơm, nến thơm, dầu gội đầu.

Dương Phong