Ý kiến giáo viên:

Học sinh đầu cấp rất cần phương pháp học đúng đắn

(Dân trí) - Nếu phụ huynh học sinh có con em năm nay bước vào lớp 1 lo mười thì những bậc làm cha làm mẹ có con em trong giai đoạn chuyển cấp cũng lo không kém, họ như  “ ngồi trên đống lửa” vì con em của họ đang trong giai đoạn chuyển giao, từ cấp 1 lên cấp hai hay từ cấp hai lên cấp 3.

Nhiều câu hỏi cứ xoay quanh trong đầu các bậc phụ huynh này: Liệu con em mình có thích nghi với môi trường học tập mới, bạn mới, thầy cô mới và đặc biệt nhất là nội dung bài học mới với lượng kiến thức nhiều hơn, đòi hỏi cao hơn...

Các phụ huynh cứ loay hoay mãi với những phương pháp tự thân, hiểu đến đâu họ bày vẽ con em mình đến đó, nhưng hơn ai hết chỉ có những người trong cuộc như những giáo viên đầu cấp sẽ cho học sinh của mình lời khuyên chân thành nhất về phương pháp học để có hiệu quả tốt cho các lớp đầu cấp.

Tôi - một giáo viên dạy Ngữ Văn bậc THCS với kinh nghiệm gần 15 năm trong nghề, chứng kiến không ít niềm vui và nỗi buồn trong những đợt tổng kết cuối năm của những học sinh lớp 6 - lớp đầu cấp bậc THCS.

Bố mẹ nhận được kết quả học tập của con với một niềm thất vọng ê chề vì từ một học sinh xuất sắc ở bậc Tiểu học, nay đạt học sinh trung bình ở năm lớp 6. Còn học sinh bị trung bình cũng ôm mặt khóc rưng rức không hiểu vì sao mình lại có kết quả như vậy mặc dù bản thân em cũng chăm chỉ như hồi ở Tiểu học.Tất cả đều nằm ở phương pháp, cách học của các em.

Mỗi cấp học đều có đặc thù riêng của nó, điều cơ bản giáo viên hãy chỉ cho các em đầu cấp cách học phù hợp để học sinh không phải ngỡ ngàng dẫn đến loay hoay trong một mớ kiến thức tăng cao về số lượng lẫn chất lượng của các môn học đầu cấp như vậy.

Năm nay, tôi lại may mắn khi được dạy Ngữ văn bốn lớp 6 - lớp đầu cấp bậc THCS. Đây là khối lớp mà giáo viên chúng tôi vẫn hay đùa nhau là khối lớp “thiên thần” vì các em non nớt, ngây thơ, trong sáng tựa giọt sương mai. Mỗi sáng được nhìn thấy ánh mắt trong veo cùng nụ cười xinh xắn là giáo viên như tan hết mệt mỏi và thấy mình càng yêu nghề hơn.

Tiếp nhận và giảng dạy các em, điều đầu tiên tôi làm là hướng dẫn các em phương pháp học môn Ngữ Văn. Làm sao để học tốt môn Ngữ văn trong khi tên gọi Ngữ Văn lại bao gồm 3 phân môn nhỏ: Tiếng Việt, Văn bản (còn gọi là đọc văn) và Tập làm văn. Điều này khác xa hoàn toàn tên gọi bộ môn này ở cấp 1.

Nghe đến đó, hầu hết hoạc sinh đều mở to mắt nhìn cô với vẻ mặt ngạc nhiên. Có tiếng lao xao bên dưới: “Sao nhiều thế cô?”, “Làm sao học bây giờ?”...

Tôi ân cần trấn an các em: “Không sao cả, chỉ cần các em có phương học đúng đắn. Có cách học phù hợp, thì mọi môn học đều trở nên dễ cả”.

Đầu tiên, đối với bộ môn Ngữ Văn, học sinh cần chuẩn bị những quyển vở to, nhiều trang,có bìa bao chắc chắn vì đặc thù của môn Văn là ghi nhiều. Những quyển vở này sẽ giúp học sinh lưu giữ kiến thức bài học làm cơ sở cho việc kiểm tra, thi cử...

Tiếp theo cách học trên lớp, cần lắng nghe cô giáo giảng bài, ghi kiến thức cơ bản và không quên dùng bút màu trang trí cho bài viết của mình. Học sinh cần phát huy các kĩ năng nghe, đọc, nói, viết trong các tiết học.

Kĩ năng viết được quan tâm nhiều hơn vì đa phần học sinh Tiểu học quen cách viết chậm, nắn nót chữ... thì ở lớp 6 cần kĩ năng viết nhanh hơn, chữ chỉ cần rõ ràng, dễ đọc, không sai lỗi chính tả...

Kĩ năng nghe và phản biện cũng được nhắc đến. Ở lớp đầu cấp này, giáo viên sẽ giảng bài và ghi bài nhanh hơn bậc Tiểu học nhằm đảm bảo lượng kiến thức đến với học sinh.

Phần tự học ở nhà vô cùng quan trọng, học bài cũ, soạn bài mới, đọc các sách có liên quan đến bài đã học, bài sẽ học cũng giúp học sinh học tốt bộ môn Ngữ Văn.

Tốt hơn nữa, học sinh xem thêm các thông tin thời sự, nắm các sự kiện quan trọng hàng ngày sẽ giúp các em có những nhận xét và đánh giá mang dấu ấn cá nhân trong phần liên hệ thực tế trong bài giảng của giáo viên.

Phương pháp học môn Ngữ Văn nói riêng cũng có thể áp dụng để học các môn học khác.

Năm học mới đã bắt đầu. Chúc các em học sinh có một mùa học tập hăng say và gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp!

Thanh Thanh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!