Học sinh mỗi ngày mang 6kg sách đến trường?

(Dân trí) - Cháu được học bán trú và khối lượng sách cháu mang đi hàng ngày khoảng 6kg tương đương với một chiếc cặp to đùng. Tôi đã hỏi cháu tại sao nhiều sách vở đến thế thì cháu trả lời là con phải mang đi không thì cô giáo mắng.

Năm học mới vừa bắt đầu được hơn một tháng nhưng những lời kêu ca, phàn nàn về chương trình học của học sinh thì kéo dài và không ngớt. Chuyện tăng tiết, chuyện dạy thêm học thêm rồi chương trình học và sách giáo khoa luôn khiến phụ huynh và học sinh “điên đầu”.

Trong rất nhiều bức thư gửi tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trên diễn đàn http://edu.net.vn hàng ngày vẫn luôn có những bức thư đọc mà chỉ biết thở dài.

Ngày 4/8/2007, một thầy giáo có tên là Nguyen Thanh Bien có viết:

Chúng tôi là những giáo viên THCS, sau nhiều năm giảng dạy thấy rằng chủ trương giảm tải của bộ 5-7 năm về trước là hoàn toàn hợp lý, nhưng trên thực tế thì lại xuất hiện thêm rất nhiều môn chẳng hạn như là môn tự chọn, tin học... thành thử số tiết học sinh phải học trong mỗi ngày là quá nhiều.

Hơn nữa một số sách Giáo khoa chẳng giảm tải một chút nào ví như môn tiếng Anh, quá nhiều từ vựng, cấu trúc ngữ pháp trong một đơn vị”…

Chính những thầy cô cũng đã phải “kêu trời” vì chương trình học quá tải huống hồ là những em học sinh đang tuổi vui chơi. Ngày 4/10/2007, một em học sinh lớp 9 nickname Adriano ở TPHCM đã gửi thư cho Bộ trưởng. Tuy lời lẽ còn non nớt, ngây thơ nhưng qua đó chúng ta có thể thấy được những gánh nặng mà các em đang gặp phải:

“Cháu là một học sinh lớp 9 ở TPHCM.

Vừa vào năm học cháu đã phải đi học thêm liên miên, tối nào cũng học bài và làm bài tới 1h khuya.

Cháu học môn Sinh rất khó khăn, phần 1 quá khó đối với học sinh chúng cháu. Theo khảo sát, cháu thấy khoảng 60/100 các bạn không hiểu bài. Cháu mong bác Bộ trưởng xem xét lại điều này.

Còn về môn Sử và môn Lý, hai môn này có hơn 60 bài, gấp đôi chương trình năm ngoái. Không lẽ chỉ có một năm mà lớp 9 tụi cháu phải học gấp đôi như vậy? Cháu mong bác Bộ trưởng xem xét lại và hạn chế chương trình học giúp tụi cháu.

Còn môn Toán, tụi cháu phải học quá nhiều nhưng cháu không biết là khi lên đại học có ứng dụng hết không?

Từ hè, tụi cháu đã phải học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Theo cháu biết khi chúng cháu thi tuyển sinh lớp 10 xong, chỉ được nghỉ hè tháng 8, vậy mà bây giờ, ngành giáo dục lại giảm mùa hè xuống 2 tháng, như vậy là không công bằng với tụi cháu…”

Còn các bậc phụ huynh, họ nghĩ gì? Nỗi xót xa của người cha là Kỹ sư tin học Lưu Hải Minh dường như cũng là nỗi lòng chung của những người làm cha mẹ, hàng ngày phải nhìn thấy gánh nặng trên đôi vai nhỏ bé của con mình:

Kính gửi: Ngài Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo

Tôi là: Lưu Hải Minh - Kỹ sư Tin học

Tôi xin trình bày với Ngài một chuyện mà tôi nghĩ trong khả năng của Ngài có thể giúp đỡ tôi và những người có con đang đi học.

Con gái của tôi hiện là học sinh trường THCS Ngô Sĩ Liên - Hà Nội và cháu đang học lớp 6.

Hàng ngày cháu phải dậy từ 6h30 sáng để đến lớp và cố gắng chạy thật nhanh đến bác xe ôm trở cháu đến lớp cho đúng giờ học. Việc ăn sáng của cháu rất thất thường vì phải đi học từ sớm.

Cháu được học bán trú và khối lượng sách cháu mang đi hàng ngày khoảng 6kg tương đương với một chiếc cặp to đùng. Tôi đã hỏi cháu tại sao nhiều sách vở đến thế thì cháu trả lời là con phải mang đi không thì cô giáo mắng. Một hôm tôi kiểm tra sách vở của cháu thì thấy phải đến hơn một nửa số sách là sách tham khảo. Tôi không thể hiểu sao nhiều sách tham khảo thế???

Hàng ngày cuối giờ làm về là tôi đã thấy cháu ngồi vào bàn học và học đến 12 h đêm mà vẫn không hết bài. Tôi có hỏi thì cháu bảo là cô giáo giao rất nhiều bài tập về nhà con phải làm không sẽ bị cô mắng. Và thực tế là cháu rất hay bị mắng vì không thể làm hết bài giao về nhà.Tôi thấy có những môn như Giáo dục công dân cũng có bài tập về nhà mặc dù cháu học bán trú tại trường.

Gia đình tôi rất lâu không có bữa ăn cơm chiều cùng nhau vì cháu không thể có thời gian để chờ bố mẹ về cùng ăn. Thời gian của cháu là học, làm bài tập và học.

Chủ nhật bố mẹ muốn cho cháu đi chơi thì cháu cũng từ chối để còn có thời gian làm bài.

Tôi thật sự cảm thấy kinh hoàng trước việc học của con gái và không hiểu tại sao các cháu mới có lớp 6 mà học nhiều thế.

Trên đây là một số cảm nhận của tôi về tình trạng học hiện nay của học sinh THCS.

Tôi rất mong muốn Ngài hãy đọc lá thư và cảm thông cho tôi”.

Hàng ngày, những đứa trẻ vẫn phải đến trường với một “gánh nặng sách vở” và khi trở về lại mang theo “gánh nặng bài tập” mà cô thầy giao. Chúng ta khuyến khích sự học nhưng không có nghĩa là “ép” các em phải gồng mình làm việc quá sức đến mức không còn thời gian vui chơi, giải trí. Liệu ngoài “gánh nặng tri thức” cùng với gánh nặng tâm lý không biết các em có học hành được hiệu quả chăng?

H.P