Quảng Trị:

Học sinh ươm cây xanh trồng ở nghĩa trang, di tích lịch sử

(Dân trí) - Qua bàn tay chăm sóc của học trò, những cây giống thực nghiệm từ bài học đã trở thành những vườn ươm xanh tốt, được đưa đi trồng ở các di tích, nghĩa trang để tri ân các anh hùng, liệt sĩ, vừa tạo cảnh quan cho khuôn viên.

Học sinh (HS) cũng dành tiền bán cây để thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa: mua quà, chăn ấm tặng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn.

Học lý thuyết gắn với thực nghiệm

Mô hình “Vườn ươm thực nghiệm” là một trong những nội dung thể hiện bước đổi mới trong phương pháp dạy và học tại Quảng Trị. Hoạt động thực nghiệm sinh học đã được triển khai ở 6 trường THPT trên địa bàn trong năm học 2018-2019, gồm các trường THPT Cửa Tùng, THPT Chu Văn An, THPT Cam Lộ, THPT Đak rông, THPT thị xã Quảng Trị và THPT Hải Lăng.

 

Học sinh ươm cây xanh trồng ở nghĩa trang, di tích lịch sử - Ảnh 1.

Những vườn ươm thực nghiệm do học sinh tự chăm sóc.

 

Học sinh trồng cây xanh trong khuôn viên di tích bờ bắc sông Thạch Hãn

Dù triển khai trong thời gian ngắn nhưng mô hình này được đánh giá đã mang lại những hiệu quả bước đầu trong hoạt động giáo dục. Theo cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, triển khai mô hình “Vườn ươm thực nghiệm” đã phát huy quyền tự chủ cho các trường THPT, tính sáng tạo của cán bộ quản lý và giáo viên, phát triển chương trình nhà trường.

Mô hình có tác dụng tốt đối với mối quan hệ “dạy-học-đánh giá”. Dựa vào chuẩn đầu ra, giáo viên làm căn cứ để thiết kế nội dung bài giảng (lý thuyết, thực hành, thực nghiệm); lựa chọn phương pháp giảng dạy; xác lập quy trình, lượng hóa tiêu chí kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS.

Hoạt động dạy học không còn ở trong phạm vi lớp học mà gắn liền với thực tiễn sinh động. Vì vậy nguyên lý giáo dục “Học đi đôi với hành, giáo dục gắn liền với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội” được thực hành tối đa trong dạy học. 

Hoạt động này giúp phát triển năng lực và phẩm chất của HS, tạo điều kiện để các em HS bộc lộ bản thân, thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Tạo ra môi trường để HS hình thành và rèn luyện kiến thức, bộc lộ năng khiếu bản thân, học từ cuộc sống mà còn giúp HS có điều kiện thể hiện ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng.  Thực hiện chủ trương đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Mở ra cơ hội cho toàn xã hội có thể thực hiện việc giám sát hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo.

Học sinh ươm cây xanh trồng ở nghĩa trang, di tích lịch sử - Ảnh 3.

Tham gia các hoạt động này, nhiều học sinh ưu tú được kết nạp Đoàn viên.

 

Học sinh ươm cây xanh trồng ở nghĩa trang, di tích lịch sử - Ảnh 4.

Học sinh trồng cây xanh tai khuôn viên bờ bắc sông Thạch Hãn.

 

Trồng cây xanh ở nghĩa trang, việc làm đầy ý nghĩa nhân văn

Sau quá trình thực nghiệm, ươm giống cây tại vườn trường, HS đã đưa những sản phẩm mình chăm sóc để trồng trong khuôn viên Nghĩa trang Quốc gia đường 9, Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn; Khu di tích Thành cổ Quảng Trị (bờ bắc sông Thạch Hãn), Khu di tích đôi bờ Hiền Lương, Công viên Phiđen…

 

Học sinh ươm cây xanh trồng ở nghĩa trang, di tích lịch sử - Ảnh 5.

Trồng cây xanh tại Nghĩa trang Quốc gia đường 9.

 

Những hoạt động trên của HS Quảng Trị mang ý nghĩa to lớn không chỉ trong hoạt động giáo dục, đào tạo mà cả về kinh tế - xã hội. Góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Làm “xanh - đẹp” cảnh quan các khu nghĩa trang, các di tích lịch sử, đường phố, các công trình công cộng.

 

Học sinh ươm cây xanh trồng ở nghĩa trang, di tích lịch sử - Ảnh 6.

Những cây xanh được học sinh tự tay ươm giống, trồng trong di tích.

 

Khi mô hình trải nghiệm nhân giống cây Chuỗi ngọc (Duranta repens) và cây bông trang (Ixora coccinea) hoạt động ổn định, hàng năm chỉ riêng trường THPT Cam Lộ sẽ cung cấp khoảng 15.000 cây con phục vụ làm cho cảnh quan xanh đẹp, đồng thời hạ giá thành cây giống xuống 50% so với giá thành hiện nay…

Tham gia trồng cây xanh tại khuôn viên di tích bờ bắc sông Thạch Hãn, em Phan Khánh Huyền - HS lớp 10A3, trường THPT thị xã Quảng Trị cho biết: "Hình thức thực hành trong học tập rất có ích đối với môn Sinh học và đặc biệt là môn Công nghệ. Khi tham gia trồng cây như thế này giúp HS chúng cháu có nhiều kinh nghiệm hơn trong đời sống cũng như rèn luyện tính cách siêng năng, vừa học tập vừa lao động.

Việc làm này rất ý nghĩa, những cây này ở trường chúng cháu dành rất nhiều tiết học để ươm giống. Và, bây giờ được trồng ở đây để làm đẹp thêm khuôn viên bờ bắc Thành cổ, đóng góp một phần tâm sức, thể hiện sự biết ơn của thế hệ HS hôm nay với các bác anh hùng, liệt sĩ."

 

Học sinh ươm cây xanh trồng ở nghĩa trang, di tích lịch sử - Ảnh 7.

Hoạt động thực tiễn thu hút nhiều học sinh tham gia.

 

Anh Nguyễn Xuân Hiếu - chuyên viên Phòng THPT Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho hay, đây là mô hình trải nghiệm và có ý nghĩa giáo dục, tính nhân văn sâu sắc. Với mô hình này cũng cho thấy sự đổi mới về phương pháp dạy và học, bằng những tiết học thực tế, dễ dàng quan sát. Giáo viên không chỉ dạy lý thuyết trên lớp mà có thể thực hành trồng cây ở vườn thực nghiệm. Như vậy, việc dạy học gắn liền với thực tiễn, với hoạt động sản xuất kinh doanh thể hiện rất rõ.

 

Học sinh ươm cây xanh trồng ở nghĩa trang, di tích lịch sử - Ảnh 8.

Theo anh Hiếu, mỗi trường đã xây dựng những vườn ươm thực nghiệm như thế này, nhân giống khoảng 4.000 cây xanh gồm bông trang và cây chuỗi ngọc.

Tại một số trường học, ngoài số cây xanh các em trồng ở di tích, nghĩa trang, HS đã bán sản phẩm mình nhân giống, ươm trồng để lấy tiền, thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa: mua quà, chăn ấm tặng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn.

 

Học sinh ươm cây xanh trồng ở nghĩa trang, di tích lịch sử - Ảnh 9.

Giáo viên và học sinh trường THPT thị xã Quảng Trị tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng.

 

Đánh giá về hoạt động này, TS. Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho hay, những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn nói trên của HS các trường khi đưa cây trồng do các em tự ươm giống để làm đẹp khuôn viên di tích, nghĩa trang góp phần tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Điều này cũng thể hiện ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với những người đã cống hiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ngoài ra, từ những mô hình này sẽ giúp ngành GD&ĐT có góc nhìn chính xác đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động dạy học thông qua đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, giáo dục hướng nghiệp cho HS.

Đăng Đức