Bạn đọc viết:

Học thêm và căn bệnh “tưởng tượng” của phụ huynh

(Dân trí) - Khi không cho con theo lớp học thêm của giáo viên đang trực tiếp dạy, nhiều người luôn nơm nớp lo sợ con sẽ bị “đì”, bị “ép”. Dù thực tế có rất nhiều trường hợp hoàn toàn không có tình trạng giáo viên phân biệt đối xử với những em không đi học thêm nhưng bệnh “tưởng” đã khiến phụ huynh luôn băn khoăn, trăn trở.

Đọc bài viết “Đủ cách o ép học trò học thêm” trên báo Dân trí, tôi hoàn toàn đồng tình với những nhận định, trăn trở của tác giả Hoài Nam về “vấn nạn” dạy thêm, học thêm vẫn đang nhức nhối.

Mặc dù ngành giáo dục đã ra nhiều chỉ thị, thông tư với những quy định nghiêm ngặt nhằm chấm dứt tình trạng dạy thêm tiêu cực, giữ gìn hình ảnh người thầy và lấy lại niềm tin của phụ huynh học sinh nhưng những biến tướng của việc học thêm tràn lan vẫn hiển hiện.

Nguyên nhân khó giải quyết dứt điểm tình trạng này thì nhiều. Trong đó phải kể đến sự vào cuộc của cơ quan chức năng chưa thật sự quyết liệt, mạnh tay để nghiêm trị những lớp học thêm “chui”. Bất chấp quy định của ngành, bất chấp dư luận xã hội, những lớp học thêm “xé rào” vẫn lén lút lẫn công khai tồn tại. Dẫu biết rằng thu nhập của giáo viên còn thấp, tâm lý “cả nể” luôn hiện hữu nhưng chính hành động “giơ cao đánh khẽ” cũng như “ngoảnh mặt làm ngơ” của cơ quan chức năng đã góp phần tạo “đất sống” cho vấn nạn tồn tại.

Dẫu biết rằng học thêm là nhu cầu chính đáng của xã hội nhưng những tiêu cực từ việc o ép của giáo viên không phải là ít. Mỗi khi báo chí khơi lên chuyện dạy thêm, học thêm, nỗi bức xúc của phụ huynh lại có dịp tuôn trào vạch trần đủ chiêu trò của giáo viên. Nào là thầy cô dùng điểm số gây sức ép, nào là “gạ” đề và “gạ” điểm, nào là phân biệt đối xử với những em không học thêm, nào là gợi ý học thêm bằng lời nói, thái độ thiếu thiện chí…

Tất cả đã làm xấu xí đi hình ảnh của người thầy trong mắt phụ huynh và học sinh. Nó còn làm hoen ố đi những hình ảnh sáng trong của những nhà giáo chân chính, đầy nhiệt huyết. Nhưng ngành nghề nào cũng có những “con sâu”, giáo dục cũng không ngoại lệ. Những người thầy dùng mọi thủ đoạn tăng thu nhập của bản thân bất chấp đạo lý, lương tâm rất đáng bị lên án. Tuy nhiên, đừng vội quy chụp tất cả giáo viên dạy thêm là xấu và đánh đồng việc dạy thêm với sự suy đồi đạo đức nhà giáo.

Bên cạnh đó, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của phụ huynh làm trầm trọng thêm vấn nạn dạy thêm. Nhiều bậc cha mẹ vẫn mang nặng ám ảnh thành tích, luôn vội vã cho con theo học các lớp học thêm kẻo thua kém bạn bè. Nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng lao vào cuộc đua học thêm nhằm tìm kiếm một chỗ đứng vững chắc ở trường chuyên lớp chọn. Nhiều bậc cha mẹ vẫn đang ưu tiên nhét thêm vài chữ, luyện thêm vài bài toán cho con thay vì quan tâm dạy con làm người, rèn các kỹ năng mềm.

Và không thể không nhắc đến căn bệnh “tưởng tượng” của phụ huynh. Khi không cho con theo lớp học thêm của giáo viên đang trực tiếp dạy, nhiều người luôn nơm nớp lo sợ con sẽ bị “đì”, bị “ép”.

Dù thực tế có rất nhiều trường hợp hoàn toàn không có tình trạng giáo viên phân biệt đối xử với những em không đi học thêm nhưng bệnh “tưởng” đã khiến phụ huynh luôn băn khoăn, trăn trở. Rồi họ “xuôi theo chiều gió” đăng ký cho con học, dù không thật sự cần thiết. Và cũng chính họ mách nhau, truyền đi những tai tiếng không đáng có về thầy giáo này, cô giáo kia dạy thêm tiêu cực.

Khi con chúng ta có sức học kết hợp với một thái độ học tập nghiêm túc thì không có lý do gì chúng ta lại lo sợ vẩn vơ về những chiêu trò o ép của giáo viên. Giả sử có tình trạng đó đi chăng nữa thì trong thời đại công nghệ bùng nổ cùng với tiếng nói mạnh mẽ của báo chí, công luận, thiết nghĩ bất kỳ sự bất công nào cũng dễ dàng bị đưa ra ánh sáng và lẽ phải sẽ được bênh vực.

Ngọc Hùng

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!