Học tủ sẽ bị lệch tủ

(Dân trí) - Với đề thi tốt nghiệp trong vài năm trở lại đây, nếu học sinh học tủ sẽ bị lệch tủ, thậm chí điểm sẽ rất thấp - ông Nguyễn Thành Kỳ, trưởng phòng giáo dục THPT, Sở GD- ĐT Hà Nội khẳng định như vậy.

Học tủ sẽ bị lệch tủ - 1
Theo ông Kỳ, học tủ là hiện tượng phổ biến của nhiều học sinh trước đây. Một số em còn suy luận rằng năm trước đề thi câu này thì năm sau sẽ không thi vào... Nhưng với đề thi như hiện nay nếu học sinh học tủ thì nguy cơ lệch tủ ngày càng cao.

Thực tế hiện nay, một bộ đề thi có nhiều câu hỏi ở nhiều phần khác nhau, các câu hỏi thi tốt nghiệp tự luận hay trắc nghiệm đều kiểm tra trên bình diện kiến thức rộng tránh cho học sinh học tủ, học lệch.

Mặt khác, khi các chuyên gia xây dựng đề thi tốt nghiệp, họ đều tính đến tất cả học sinh đều đạt điểm trung bình để đáp ứng yêu cầu chuẩn kiến thức. Tạo cho các em vững tâm hơn khi làm bài.

Theo ông, học sinh cần phải học như thế nào để làm bài thi đạt điểm tốt?

Ở thời điểm này, mặc dù Bộ chưa công bố môn thi tốt nghiệp nhưng với cấu trúc đề thi mà Bộ đã công bố, các thầy giáo, cô giáo nếu tổ chức học và ôn theo đúng chương trình chuẩn của Bộ thì việc giành kết quả xứng đáng cho bài thi thì không quá khó khăn.

Cụ thể từng môn thi, tôi lưu ý học sinh mấy điểm sau:

Khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp với 6 môn thi khác nhau, học sinh phải có phương thức tư duy từng bộ môn như vậy thì kết quả mới thực sự tốt. Ví dụ, cùng là môn xã hội nhưng tư duy văn học khác với tư duy lịch sử. Do vậy, nếu học sinh chỉ học thuộc các môn xã hội mà với chương trình kiến thức đồ sộ như vậy, chắc chắn điểm sẽ không cao.

Bên cạnh đó, việc ôn tập giữa các môn thi tốt nghiệp và đại học, các em phải biết cân đối thời gian, kể cả hứng thú học tập. Mặt khác, các em đừng quá chủ quan với môn tốt nghiệp phù hợp với các môn thi đại học nhưng đồng thời đừng quá lo lắng với môn thi tốt nghiệp. Các em học sinh cần quan tâm đồng đều các môn ở mức độ nào đó, để có thể làm tốt các bài thi.

Hơn nữa, các câu hỏi của đề thi cũng không yêu cầu các thí sinh phải trả lời đến kiệt cùng của vấn đề mà để dành thời gian để làm các câu khác. Các em cần phân bố thời gian hợp lý cho các câu hỏi. Điều này các em cần rèn luyện.

Vậy còn các môn thi trắc nghiệm?

Qua nhiều năm làm công tác thi tốt nghiệp, tôi thấy các em học sinh thường bị sai sót về lỗi kỹ thuật như tô nhầm trong làm bài chứ không phải lỗi kiến thức. Do chấm bằng máy nên chính những lỗi kỹ thuật này đã kéo điểm số của các em thấp xuống. Lý do rất đơn giản là vì các em không chú ý nghe các thầy cô hướng dẫn làm bài thi trắc nghiệm.
 
Học tủ sẽ bị lệch tủ - 2
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2009. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Sở GD-ĐT Hà Nội có chỉ đạo như thế nào đối với các trường về ôn thi tốt nghiệp cho học sinh?

Đối với các nhà trường, quan điểm của Sở là bên cạnh tăng cường nâng cao chất lượng giờ học thì các trường cần chú ý bồi dưỡng, phụ đạo học sinh, có học lực yếu, kém. Đặc biệt phổ biến kỹ năng cho học sinh khi làm bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Các trường cần thường xuyên thông báo cho phụ huynh học sinh nắm rõ tình hình học tập của học sinh, đặc biệt là những học sinh có học lực yếu, kém không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp. Hướng dẫn học sinh nắm vững các kiến thức, tránh học tủ, học vẹt và dành nhiều thời gian cho việc tự học. Phối hợp với phụ huynh học sinh để tạo điều kiện tốt cho việc học, ôn tập cho học sinh.

Tỷ lệ tốt nghiệp đối với từng trường, từng đơn vị không phụ thuộc vào số lượng học sinh giỏi, khá mà chủ yếu phụ thuộc vào học sinh yếu, kém. Nếu các em này không được ôn tập tốt thì sẽ kéo chất lượng tỷ lệ tốt nghiệp xuống, điều đó phụ thuộc vào các thầy cô giáo.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Hạnh