“Học vượt để giảm bớt gánh nặng chi phí học tập”

(Dân trí) - Xuất sắc hoàn thành chương trình Đại học trong vòng 3 năm, cả hai sinh viên Đặng Thị Thúy Giang và Cao Văn Ánh (Trường ĐH Vinh) đều chia sẻ lý do muốn ra trường sớm để giảm bớt gánh nặng chi phí học tập cho gia đình.

Nữ sinh viên “học vượt” mong muốn được giảng dạy ở Trường Sa

Hoàn thành chương trình ĐH trong vòng 3 năm, cô bạn Đặng Thị Thúy Giang - lớp 51A, Sư phạm Tin, khoa Công nghệ thông tin (ĐH Vinh) là một trong hai sinh viên “học vượt” đạt học lực Giỏi nhận bằng tốt nghiệp vào ngày 23/6 vừa qua.

Giang sinh ra và lớn lên ở xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) - một vùng đất nghèo khó nhưng giàu truyền thống hiếu học. Bố mẹ làm nghề nông, quanh năm vất vả một nắng hai sương nuôi 5 chị em Giang ăn học. Thương bố mẹ vất vả nên cả 5 chị em Giang ai cũng chăm ngoan và luôn phấn đấu trong học tập.

Với niềm say mê máy tính, những năm học cấp 3, Giang đã không ngừng tìm kiếm, mày mò những kiến thức về tin học. Ngày nhận giấy báo nhập học vào khoa Sư phạm Tin, Giang vừa mừng vừa lo lắng vì sợ bố mẹ chẳng thể nuôi thêm một cử nhân đại học. Trong những năm đầu trên giảng đường ĐH, Giang luôn quyết tâm học tập chăm chỉ và suy nghĩ là làm sao để tiết kiệm chi phí cho bố mẹ. Nhờ bạn bè, thầy cô, Giang biết đến hình thức “học vượt” trong đào tạo tín chỉ ở bậc đại học hiện nay có thể hoàn thành đại học sớm trong vòng 3 năm.
 
Thúy Giang lấy bằng cử nhân chỉ đúng 3 năm học
Thúy Giang lấy bằng cử nhân chỉ đúng 3 năm học.

Cuộc sống xa nhà với bao nhiêu thiếu thốn, nhưng Giang luôn nỗ lực hết mình, vượt lên khó khăn và tự lập cho mình một kế hoạch học tập khoa học. Nói về phương pháp học tập của mình, Giang chia sẻ: “Trên lớp, mình tập trung nghe thầy cô giáo giảng bài. Thời gian rảnh thì mình lên thư viện tìm hiểu thêm tài liệu, giáo trình để thu thập, tổng hợp một cách hợp lý. Ngoài ra, để việc học đạt hiệu quả thì nên học dần dần, không phải đợi đến ngày thi mới cắm cổ học. Bên cạnh đó, mình còn học hỏi kinh nghiệm từ thầy cô và các anh chị khóa trước”.

Nhờ những nỗ lực đó mà Giang đã hoàn thành chương trình ĐHtrong vòng 3 năm. Không chỉ vậy, vượt qua nhiều sinh viên khóa trước, 3 năm liền Giang còn đạt sinh viên loại giỏi với tổng điểm hệ 4 là 3.38. Bên cạnh đó, Giang còn đạt được những thành tích đáng nể như đạt giải Ba trong hoạt động nghiên cứu khoa học năm 2012 - 2013, Nữ sinh tiêu biểu năm 2012 và được Đoàn trường tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện “Tiếp sức mùa thi”.

Khi hỏi về lý do “học vượt”, Giang tâm sự: “Thu nhập của gia đình mình đều trông chờ vào mấy sào ruộng, trong khi sau mình còn có hai em đang theo học đại học và một em út đang học lớp 10. Gia đình khó khăn nên mình muốn tốt nghiệp sớm để giảm một phần gánh nặng cho bố mẹ”.

Những thành tích đáng khâm phục của Thúy Giang
Những thành tích đáng khâm phục của Thúy Giang.

Cầm trên tay tấm bằng loại Giỏi nhưng Giang không khỏi lo lắng về nghề nghiệp của mình. Theo Giang được biết, năm nay Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh không có chỉ tiêu tuyển giáo viên Tin học. Ước mơ của Giang là trở thành cô giáo truyền kiến thức kinh nghiệm của mình đến các em ở các vùng quê khó khăn, vùng biên giới và hải đảo. “Em rất muốn được ra Trường Sa để giảng dạy môn tin học cho các em học sinh. Em hy vọng được đem sức trẻ và kiến thức của mình được học trên ghế nhà trường sẽ giúp ích cho huyện đảo thân yêu của Tổ quốc”, Giang chia sẻ.

Một cô gái trẻ tuổi với dáng người nhỏ nhắn mong được ra biển đảo xa xôi giảng dạy quả là một quyết định bản lĩnh và tràn đầy nhiệt huyết. Chúc cho ước mơ trở thành cô giáo giảng dạy môn Tin học ở huyện đảo Trường Sa của Giang sớm trở thành hiện thực.

Chàng cử nhân “học vượt” trăn trở với tình trạng ô nhiễm môi trường

Cùng với Giang trong đợt nhận bằng tốt nghiệp của trường ĐH Vinh là nam sinh viên Cao Văn Ánh - lớp 51B, Khoa học môi trường, khoa Sinh học. Cậu đã hoàn thành chương trình ĐH trong vòng 3 năm đạt học lực khá với tổng điểm 2.85 hệ 4.

Sinh ra và lớn lên vùng đất nghèo xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), bố mẹ làm ruộng nên ngày bước chân vào giảng đường ĐH, Ánh vừa đi học vừa tranh thủ làm thêm từ gia sư, chạy bàn, trông giữ xe ở quán cà phê… để giảm bớt chi phí học tập cho gia đình.

Cao Văn Ánh - chàng sinh viên học giỏi quê Hà Tĩnh
Cao Văn Ánh - chàng sinh viên học giỏi quê Hà Tĩnh.

Ánh tâm sự, năm 2012, tình cờ nghe bạn bè suốt ngày khen ngợi anh Trần Quốc Luật - sinh viên khoa Toán, hoàn thành chương trình học ĐH trong vòng 3 năm với kết quả cao, xếp loại xuất sắc, trong đầu Ánh đã xuất hiện ý tưởng học theo anh Luật. Đến năm 3, Ánh bắt đầu đăng ký “học vượt” những môn học của năm 4 và đã hoàn thành chương trình học trong 3 năm, đạt học lực khá, tổng điểm 2.85 hệ 4.

Chia sẻ phương pháp học tập của mình, Ánh khiêm tốn cho biết: “Theo mình thì cần sắp xếp thời gian học tập hợp lý, lúc đăng ký tín chỉ xem trước khối lượng chương trình, xác định môn nào nằm trong khả năng của mình. Trên lớp cần tập trung nghe giảng, đọc thêm tư liệu, tài liệu ở giáo trình. Năm bắt ý chính, vấn đề cốt lõi từ đó triển khai ra”.

Cũng như Thúy Giang, Ánh lấy bằng cử nhân chỉ đúng 3 năm học
Cũng như Thúy Giang, Ánh lấy bằng cử nhân chỉ đúng 3 năm học.

Với quyết định táo bạo, một năm vừa học hết chương trình học hai năm lại vừa làm thêm với việc đúc chậu hoa cảnh những ngày rảnh rỗi để giúp đỡ bố mẹ trang trải phần nào, Cao Văn Ánh đã hoàn thành chương trình học như kế hoạch lập ra. Cũng như Giang, lý do Ánh muốn “học vượt” là tiết kiệm chi phí sinh hoạt, học tập và ra trường sớm một năm để có thế giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn.

Chàng cử nhân môi trường cũng trăn trở với tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu hiện nay. “Theo mình, hiện nay công tác xử lý rác thải chưa triệt để do công nghệ chưa hiện đại, đồng bộ. Nếu phân loại được chất thải, quá trình xử lý sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn. Để làm được như vậy cần phải tăng cường tuyên truyền tới từng người dân; đầu tư hệ thống thùng rác, xe chở rác chuyên biệt. Là một một cử nhân môi trường, em muốn được đóng góp phần nhỏ bé vào việc bảo vệ môi trường”, Ánh chia sẻ.

 Tâm Nhi - Hồ Hà