Họp báo nóng thi THPT quốc gia 2019: Chưa thấy hiện tượng gian lận có tổ chức

(Dân trí) - Chiều 27/6, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo nóng kì thi THPT quốc gia 2019. Hàng loạt nội dung liên quan về tác động của những nét mới trong đợt thi, vì sao không công bố đáp án ngay sau thi hay Bộ tăng cường giải pháp trong chấm thi thế nào để đảm bảo gian lận không xảy ra... được bộ giải đáp.

Trong buổi họp báo của bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT quốc gia 2019, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan về tác động của những nét mới trong đợt thi, vì sao không công bố đáp án ngay sau thi hay Bộ tăng cường giải pháp trong chấm thi thế nào để đảm bảo gian lận không xảy ra...

Bộ GD&ĐT: "Bài thi của thí sinh được giám sát nghiêm ngặt 24/24"

Dự kiến công bố kết quả thi vào ngày 14/7

Kỳ thi THPT năm 2018, việc gian lận thi cử đến từ khâu chấm thi khiến nhiều người lo ngại. Trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên về việc hạn chế gian lận khi chấm thi, ông Trinh cho hay, với những thay đổi về mặt kĩ thuật năm nay, khả năng hạn chế gian lận. Tuy nhiên, thực hiện nó là con người, do vậy phải lựa chọn những người có đủ năng lực và phẩm chất thực hiện.

Cụ thể, theo ông Mai Văn Trinh, quy trình bảo quản bài thi tại phòng chấm thi trắc nghiệm theo quy định tại khoản 2, Điều 23 Quy chế thi.

Cụ thể, phiếu trả lời trắc nghiệm được quét theo từng phòng thi. Thư ký cắt miệng túi bài thi, kiểm điểm phiếu trả lời trắc nghiệm đối chiếu với số phiếu trả lời trắc nghiệm ghi trên túi bài thi và phiếu thu bài, chuyển phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ kỹ thuật nạp vào máy quét.

Quét xong phiếu trả lời trắc nghiệm của túi nào, phiếu trả lời trắc nghiệm được thư ký kiểm đếm, đóng lại túi đó và niêm phong theo quy định.

Sao lưu toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) ra đĩa CD hoặc DVD (gọi là CD0) thành 3 bộ đĩa giống nhau, bàn giao 1 đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD&ĐT.

hực hiện chức năng nhận dạng ảnh của phần mềm chấm thi trắc nghiệm để chuyển dữ liệu ảnh bài làm của thí sinh thành kết quả dưới dạng văn bản đã được mã hóa.

Toàn bộ dữ liệu đã nhận dạng (dạng văn bản đã mã hóa) và ghi ra đĩa 3 bộ CD hoặc DVD (gọi là CD1) giống nhau bàn giao 1 bộ đĩa cho Chủ tịch hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD&ĐT.

Quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín.

Dữ liệu được sinh ra bởi phần mềm đều được mã hóa và chỉ có thể giải mã khi Bộ GD&ĐT cấp khóa giải mã.

Rút kinh nghiệm của kì thi năm 2018, năm nay camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm.

Có bộ lưu điện dự phòng đảm bảo hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới.

Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ của camera được niêm phong và lưu giữ ít nhất một năm.

“Việc chấm thi trắc nghiệm năm nay, theo quy trình kĩ thuật được tăng cường như hiện nay, không cho phép chỉnh sửa.

Nếu người chấm thi có khâu nào sai trước đó, đều không thể quay lại chỉnh sửa mà phải được Bộ GD&ĐT cấp một mã để vào sửa.

Với giải pháp kĩ thuật như vậy, nếu thực hiện tốt sẽ hạn chế được tiêu cực”, ông Trinh cho hay.

Bộ tạo thêm hàng rào kỹ thuật "mạnh cỡ nào" để ngừa tiêu cực thi cử?

Tác động tích cực của những điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2019

Ông cho biết, tác động của điểm mới khá rõ thực hiện ở việc sắp xếp các thí sinh tự do cùng học sinh lớp 12 làm tăng sự giám sát trong phòng thi. Điều đó không có sự lộn xộn và điểm nóng như mọi năm.

Việc tăng cường vai trò của công an và camera an ninh giám sát có tác động tích cực, cách bảo quản đề thi được bảo mật.

Tăng cường thanh kiểm tra, các trường thi đến giờ phút này yên tĩnh, không có người sử dụng phao thi. Điểm mới tiếp theo ở khâu chấm thi và điều này hy vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực.

Phần mềm chấm thi trắc nghiệm THPT quốc gia đã sẵn sàng

Vấn đề thứ hai dư luận đang quan tâm là không công bố đáp án ngay sau kì thi, kì thi phải an toàn và nghiêm túc nên phải áp dụng rất nhiều giải pháp. Thực hiện triệt để cách ly trong làm phách, có camera an ninh. Việc chấm môn tự luận sẽ chấm kiểm tra 5%.

Việc nhập kết quả chấm kết quả môn Ngữ văn phải qua hai vòng độc lập, khi hai bên đều khớp, máy mới cho phép gửi kết quả. Việc chỉnh sửa trên hệ thống sẽ bị phát hiện ngay trên hệ thống quản lý của Bộ GD&ĐT.

Việc chấm thi sẽ được mã hoá hoàn toàn để đảm bảo an toàn. Tất cả mọi biện pháp nhằm nâng cao an toàn cho kì thi.

Việc gian lận thi cử nếu có sẽ bị xử lý ra sao? Bộ GD&ĐT không dung túng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tư tưởng này đã ngấm vào các thí sinh, khi đi các địa phương, các em đều mong muốn có kì thi nghiêm túc.

Việc đình chỉ cán bộ coi thi tại Phú Thọ là xử lý ngay lập tức nhưng ngay sau đây, khi kết thúc kì thi sẽ có những giải pháp cao hơn, có thể kỉ luật ở mức cao.

Họp báo nóng thi THPT quốc gia 2019: Chưa thấy hiện tượng gian lận có tổ chức - 1

Cục trưởng Mai Văn Trinh trả lời câu hỏi phóng viên trong buổi họp báo về kỳ thi THPT quốc gia 2019

Trước câu hỏi việc thí sinh mang thiết bị ghi âm ghi hình đã phát tán đề trên mạng, vậy thời gian tới, Bộ GD&ĐT có thay đổi quy định này không? Ông Trinh cho biết, việc các thiết bị có chức năng ghi và không phát được mang vào phòng thi là kênh giám sát nhằm góp phần chống tiêu cực. Do vậy, có việc thí sinh dùng di động để truyền đề thi lên mạng xã hội.

Chúng ta sẽ xem xét thêm việc mang các thiết bị điện tử vào phòng thi trong các kì thi tiếp theo.

Việc chấm bài thi điểm cao là sẽ chấm tối thiểu 5% chứ không nhất thiết chỉ có 5%. Việc chấm thi môn Văn nếu thấy đội ngũ chấm thi không đủ, quy chế cho phép các địa phương có thể mời thêm chuyên gia.

Ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh thanh tra bộ GD&ĐT cho biết thêm: Liên quan đến việc mang thiết bị điện tử vào phòng thi, từ trước đến nay chưa bao giờ cho phép mang điện thoại di động vào phòng thi nên không nói là thay đổi quy chế hay không.

Hiện, các đoàn thanh tra đã đến nhiều địa phương và đã có các thông tin ban đầu về việc chấm thi.

Họp báo nóng thi THPT quốc gia 2019: Chưa thấy hiện tượng gian lận có tổ chức - 2

Thứ trưởng bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi họp báo về kỳ thi THPT quốc gia 2019

Cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 1980 điểm thi với 38.050 phòng thi; huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức Kỳ thi.

Tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 70,2% (năm 2018 là gần 74,3%).

Tỷ lệ thí sinh tới dự thi đạt trên 99% (môn: Ngữ văn: 99,6%; Toán 99,53%; Vật lí: 99,6%; Hóa học: 99.56%; Sinh học: 99.66%; Ngoại Ngữ: 99.59%; Lịch sử: 99,48%; Địa lí: 99,54%; GDCD: 99,6%).

Thừa nhận một số sai sót

Đánh giá về kì thi năm nay, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các điểm thi trong cả nước. Không còn hiện tượng phao thi ở các điểm thi.

Một số hiện tượng vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Toàn quốc có 06 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi (trong đó 72 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 03 thí sinh bị cảnh cáo, 04 thí sinh bị khiển trách).

Tuy nhiên, cũng còn một số sai sót xảy ra ở một số Hội đồng thi do lỗi của cán bộ coi thi, in sao đề thi như việc phát nhầm đề thi cho thí sinh, in thiếu đề thi dẫn đến thí sinh phải làm bài thi muộn giờ so với quy định.

Hội đồng thi đã xử lý bù thời gian làm bài để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.Công tác đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển được tiến hành tại các địa phương đảm bảo đúng tiến độ, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh; các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện đã được Bộ GDĐT hướng dẫn các sở GDĐT, các trường THPT giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Cơ sở dữ liệu đăng ký dự thi đảm bảo chính xác, đầy đủ và bảo mật tốt.

Các điểm thi tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở nên đã tạo tâm thế thoải mái cho thí sinh, đồng thời không gây áp lực cho giao thông đi lại ở các thành phố lớn.

Đề thi gốc được bàn giao cho các Hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời và đảm bảo tính bảo mật cao. Các Sở GDĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác in sao đề thi tại địa phương.

Họp báo nóng thi THPT quốc gia 2019: Chưa thấy hiện tượng gian lận có tổ chức - 3

Buổi họp báo về kỳ thi THPT quốc gia 2019 thu hút đông đảo phóng viên báo chí.

Tăng cường hạ tầng, tránh nghẽn mạng

Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục, đề thi năm nay bám sát chương trình, phát huy năng lực sáng tạo của thí sinh khi làm bài thi, đồng thời có độ phân hóa hợp lý, đáp ứng được hai mục đích chính của kỳ thi. 

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi.

Triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh đảm bảo đúng quy chế, trong đó tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT của các thí sinh.

Chỉ đạo các trường ĐH, CĐ: Chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại các địa phương theo đúng quy trình theo Quy chế đã ban hành, đảm bảo chính xác, an toàn và đúng tiến độ.

Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau Kỳ thi: cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường và kịp thời hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp các thông tin liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác xét tuyển; vận hành tốt các phần mềm tuyển sinh; xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế của đơn vị. 

Họp báo nóng thi THPT quốc gia 2019: Chưa thấy hiện tượng gian lận có tổ chức - 4

Lãnh đạo bộ GD&ĐT khẳng định cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Không cung cấp đáp án ngay sau kì thi

Trước đó, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được Bộ xác định là nhiệm vụ quan trọng. Đây không chỉ là công việc chuyên môn của ngành mà còn là nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm với xã hội.

Sau bê bối gian lận thi cử năm 2018, năm nay, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ có một số điều chỉnh về kỹ thuật, quy trình để đảm bảo kỳ thi diễn ra khách quan, an toàn, công bằng, nghiêm túc, phòng ngừa và phát hiện các tiêu cực có thể xảy ra.

Trong đó, một số thay đổi như: ĐH, CĐ phối hợp làm thi theo nguyên tắc các trường ĐH, CĐ thuộc địa phương không làm thi ở địa phương mình; thí sinh tự do, GDTX thi chung với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT…

Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức công tác chấm thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì; đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi.

Trả lời PV Dân trí trước đó, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, điểm khác biệt của năm nay, Bộ GD&ĐT không công bố đáp án ngay sau khi kết thúc kì thi mà sẽ cân nhắc để công bố vào một thời điểm hợp lý và thích hợp.

Việc lo ngại các hội đồng chấm lỏng chấm chặt ở môn thi tự luận, ông Trinh cho rằng, đặc điểm của chấm tự luận ít nhiều ảnh hưởng chủ quan của người chấm, khác với chấm thi trắc nghiệm trên máy.

Do đó, không riêng Việt Nam mà ở các nước trên thế giới, việc chấm thi tự luận được tiến hành kèm theo các giải pháp nhằm đảm bảo tính khách quan và độ tin cậy.

Mỹ Hà