ĐH Y dược TPHCM:

Hủy bằng tốt nghiệp của bác sĩ được Sở Y tế xin đặc cách

(Dân trí) - Thanh tra Bộ GD-ĐT đã công bố kết luận thanh tra công tác tuyển sinh, đào tạo của trường ĐH Y dược TP.HCM trong đó trường không xử lý buộc thôi học đối với các trường hợp đã hết thời gian tối đa cho phép học theo quy định. Đặc biệt có trường hợp của ông N.V.C. học quá thời gian nhưng được Sở Y tế Đồng Tháp xin đặc cách tốt nghiệp.

Trong kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT nêu rõ nhà trường không ban hành kịp thời các quyết định xử lý vi phạm, buộc thôi học đối với các trường hợp đã hết thời gian tối đa được phép học, vi phạm quy chế đào tạo ở các thời kỳ. Tiếp nhận đào tạo, xét tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cho các trường hợp đã hết thời gian tối đa được phép học không đúng quy định. Xét tốt nghiệp cho N.V.C. khi không đủ điều kiện tốt nghiệp và có tổng thời gian kể từ khi trúng tuyển đến khi xét vớt tốt nghiệp lên tới 27 năm.

Văn bản của Sở Y tế Đồng Tháp xin đặc cách cho ông N.V.C. được tốt nghiệp.
Văn bản của Sở Y tế Đồng Tháp xin đặc cách cho ông N.V.C. được tốt nghiệp.

Theo đó, Thanh tra Bộ yêu cầu nhà trường hủy bỏ kết quả tốt nghiệp và bằng tốt nghiệp của N.V.C. (đã được công nhận tốt nghiệp và cấp bằng), cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình theo quy định.

Đồng thời yêu cầu nhà trường rà soát các trường hợp vượt quá thời gian tối đa được phép học của khoa y, các trường hợp đã bị buộc thôi học và các trường hợp phát sinh khác (nếu có) để xử lý theo hướng: đối với trường hợp đã cấp bằng nếu có thời gian học tập, thi tốt nghiệp vượt quá thời hạn và không đủ điều kiện xét tốt nghiệp, công nhận tốt nghiệp theo quy định thì hủy bỏ kết quả tốt nghiệp và thu hồi văn bằng đã cấp.

Đối với các trường hợp còn thời gian học tập hoặc còn thời gian được thi tốt nghiệp theo quy định thì xem xét cho phép sinh viên tiếp tục học hoặc thi tốt nghiệp...

Được biết, ông N.V.C. (sinh năm 1965 tại Cao Lãnh, Đồng Tháp) trúng tuyển ngành y đa khoa năm 1987, đến năm 1996, khi hết thời gian học tập tối đa theo quy định, sinh viên này không đủ điều kiện tốt nghiệp nhưng trường không có quyết định buộc thôi học.

Đến năm 2008, ông C. xin học lại năm thứ 6. Xét theo quy chế đào tạo thì ông C. đã bị xóa tên trong danh sách sinh viên của trường nhưng Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp lại có văn bản gửi Trường ĐH Y Dược TP.HCM xin cho ông C. được vào học tiếp năm thứ 6 với lý do sinh viên này có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở vùng sâu thường xuyên bị lũ lụt nên phần nào bị ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Ông C. được trường ĐH Y Dược TP.HCM xét cho vào học chương trình năm thứ 6. Sinh viên C. tiếp tục theo học chương trình năm cuối tại lớp Y2003, nhưng phải mất gần sáu năm, đến năm 2014, ông C. mới hoàn thành chương trình và dự thi tốt nghiệp. Ở lần thi tốt nghiệp này, ông C. lại bị vướng môn lý thuyết nội tổng hợp trong số sáu môn thi tốt nghiệp.

Ngày 30/7/2014, sinh viên C. thi môn lý thuyết nội tổng hợp chỉ được 3 điểm, đến ngày 23/10/2014, ông C. thi lại môn này, được 4 điểm, không đủ điểm đậu tốt nghiệp. Ngày 6/11/2014, ông C. gửi đơn xin cứu xét đậu vớt tốt nghiệp lên Trường ĐH Y Dược TP.HCM.

Điều đáng nói là trước đó, ngày 18/3/2013, Sở Y tế Đồng Tháp đã có văn bản đề nghị trường ĐH Y Dược xem xét cho sinh viên C. đậu tốt nghiệp để về phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các xã vùng sâu vùng xa biên giới. Đến cuối tháng 11/2014, ông C. được nằm trong danh sách công nhận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa hệ chính quy năm 2014 (lần 2) cho 14 sinh viên.

Hà Minh