Không để học sinh quên bài, 26 trường THCS ở Nha Trang ôn tập qua mạng

(Dân trí) - Nhằm không để học sinh bị "quên” kiến thức, 26 trường THCS tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) đang triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh trong thời gian nghỉ học tránh dịch Covid-19.

Vừa dạy vừa giám sát, kiểm tra

Phòng GD&ĐT TP Nha Trang cho biết, 26 trường THCS trên địa bàn đang dạy học trực tuyến các môn cho học sinh, trong đó tập trung vào 3 môn chính là Văn, Toán và tiếng Anh. Nội dung dạy học trực tuyến là nhằm củng cố, ôn tập lại kiến thức cũ.

Trước đó, Phòng GD&ĐT TP Nha Trang đã phối hợp với nhà mạng tập huấn kỹ thuật vận hành mạng, các phần mềm liên quan đến việc dạy học trực tuyến cho ban giám hiệu các trường THCS. Kế đến, các trường THCS tập huấn cho giáo viên và xây dựng kế hoạch các khóa học, ôn tập trực tuyến cho học sinh trong thời gian nghỉ học ở trường.

Nhằm giám sát việc dạy học trực tuyến kể trên, Phòng GD&ĐT TP Nha Trang vừa kết thúc đợt 1 (16-20/3) kiểm tra thực tế 10 trường THCS trên địa bàn, bao gồm: THCS Trần Quốc Toản, THCS Yersin, THCS Nguyễn Đình Chiểu, THCS Lương Thế Vinh, THCS Nguyễn Viết Xuân, THCS Mai Xuân Thưởng, THCS Lê Thanh Liêm, THCS Trần Hưng Đạo, THCS Trưng Vương và THCS Phan Sào Nam.

Không để học sinh quên bài, 26 trường THCS ở Nha Trang ôn tập qua mạng - 1

Học sinh ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) đi học trong mùa dịch Covid-19

Theo kế hoạch, Phòng GD&ĐT TP Nha Trang sẽ kiểm tra đợt 2 (30/3-3/4) đối với 10 trường THCS khác, gồm: THCS Trần Nhật Duật, THCS Lam Sơn, THCS Bùi Thị Xuân, THCS Lương Định Của, THCS Nguyễn Công Trứ, THCS Cao Thắng, THCS Cao Bá Quát, THCS Nguyễn Khuyến, THCS Lý Thường Kiệt và THCS Lý Thái Tổ.

“Phòng GD&ĐT TP Nha Trang đã chỉ đạo các trường yêu cầu tổ chuyên môn lên nội dung cần ôn tập và trình ban giám hiệu nhà trường duyệt trước khi ôn tập trực tuyến cho học sinh. Việc dạy học này có nhiều hình thức, như dạy học trên phần mềm do nhà mạng cung cấp, hoặc Classroom, chuyển giao bài cho học sinh qua Zalo, Facebook”, Phòng GD&ĐT cho hay.

Nhiều trở ngại cho học sinh vùng ven, gia đình khó khăn

Theo tìm hiểu, hiện nay học sinh lớp 9 và lớp 12 tại Khánh Hòa có thuận lợi hơn là đang được ôn tập kiến thức thông qua chương trình dạy học trên truyền hình (tivi) do Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa phối hợp với đài truyền hình địa phương thực hiện, phát sóng từ thứ 2-7 hàng tuần.

Nhiều phụ huynh học sinh các lớp 6, 7, 8 tại TP Nha Trang cho biết, cũng mong muốn ngành giáo dục ôn tập cho các lớp này qua truyền hình như đang triển khai cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Bà Nguyễn Thị Kh. (50 tuổi), phụ huynh một học sinh lớp 8 cho biết, do gia đình không có máy tính nên việc học qua mạng của con bà gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

“Mong muốn của phụ huynh ở khu phố tôi là mong sao cho các cháu được học qua tivi. Như con tôi, gia đình chưa có máy tính xách tay, cháu chỉ học trực tuyến qua một điện thoại rất nhỏ. Việc tiếp cận bài học là thông qua tài liệu trên mạng là không đồng đều. Đối với học sinh khá, giỏi thì không sao, còn học sinh trung bình thì rất khó”, bà Kh. nói.

Theo nhiều phụ huynh, trong điều kiện hiện nay, dù rất muốn thuê gia sư để dạy kèm cho con nhưng tình hình dịch bệnh kéo dài nên họ cũng chưa yên tâm.

Không để học sinh quên bài, 26 trường THCS ở Nha Trang ôn tập qua mạng - 2

Một học sinh THCS ở TP Nha Trang ôn bài trên điện thoại thông qua phần mềm học trực tuyến

Em N.K., một học sinh lớp 8 tại Nha Trang cho biết, từ ngày dạy học trực tuyến, em lên mạng theo địa chỉ giáo viên hướng dẫn để xem tài liệu. “Em chủ yếu ôn tập lại kiến thức học kỳ 1 cho 5 môn Toán, Văn, Lý, Hóa và Tiếng Anh. Trên lớp cũng lập ra một nhóm riêng của lớp nhưng thường các bạn ít khi trao đổi, nhắn tin trên đó, chủ yếu hay nhắn tin riêng với nhau.

Trong lớp cũng nhiều bạn không sử dụng Facebook hay Zalo nên không đưa vào nhóm lớp được. Trong lớp hơn 40 bạn nhưng được hơn 20 bạn trong nhóm”, em N.K. nói.

Thầy T., lãnh đạo một trường THCS ở vùng ven Nha Trang cho biết: trường của thầy có nhiều học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo, kinh tế gia đình khó khăn. “Trường tôi chưa tới 10% học sinh có máy tính ở nhà, 20% chưa có điện thoại thông minh. Dù rất khó khăn nhưng nhà trường đã in tài liệu chuyển xuống cho học sinh, đưa bài học lên trang web nhà trường để cho học sinh ôn tập. Ngoài ra, do thiếu điều kiện, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của học sinh cũng hạn chế”, thầy T. nói.

Theo một đại diện Phòng GD&ĐT TP Nha Trang, sau khi kết thúc đợt 2 kiểm tra thực tế các trường về ôn tập trực tuyến sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá lại hiệu quả, rút kinh nghiệm trong việc triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh.

Viết Hảo