Hàng loạt trường học ở Phú Quốc bị dự án “nuốt chửng”:

“Không nên lấy đất trường học giao cho dự án”

(Dân trí) - Trước thực trạng có 7 điểm trường học bị thu hồi giao cho các dự án và 10 điểm trường khác đang nằm trong diện chờ giải tỏa, nhiều người dân, cán bộ trên địa bàn huyện Phú Quốc (Kiên Giang) tỏ rõ thái độ không đồng tình về sự dễ dãi của chính quyền địa phương dâng đất trường học cho các dự án.

Ông Phan Thành Lắm - khu phố 9, thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) bức xúc nói: “Tôi đã nghe câu chuyện này và nhất là mới đây, nhiều phụ huynh biết trường tiểu học Dương Đông 3 sắp bị dự án con đường tơ lụa “nuốt chửng”, đa phần các phụ huynh đều không đồng tình. Những thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,.. các địa phương này phát triển thế nào nhưng ít khi nghe chuyện lấy đất trường học giao cho dự án. Trong khi Phú Quốc mới phát triển đã có hàng loạt trường học bị giải tỏa. Tôi không hiểu, quy hoạch phát triển kiểu gì mà loại bỏ trường học?

Cơ sở vật chất của điểm trường Rạch Vẹm (thuộc trường tiểu học và THCS Gành Dầu) xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm qua nhưng không được xây mới vì dính quy hoạch
Cơ sở vật chất của điểm trường Rạch Vẹm (thuộc trường tiểu học và THCS Gành Dầu) xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm qua nhưng không được xây mới vì dính quy hoạch

Cô Nguyễn Thị Liên - nguyên Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Dương Đông 3 chia sẻ: “Ngày xưa, nhiều trường học ở Phú Quốc không có cổng trường, tường rào, rất khó trong công tác quản lý đất và tải sản nhà trường. Để bảo vệ đất trường học, tạo môi trường giáo dục riêng biệt với dân, thầy cô chúng tôi tranh thủ vận động phu huynh xây tường rào, giữ đất, giữ tài sản... Tôi còn nhớ ở trường tiểu học Dương Đông 3 để xây được hàng rào hiện hữu, phải huy động cả công an đến bảo vệ. Rồi có khi còn bị thưa kiện, sém bị lãnh đạo kỷ luật”.

Ông Nguyễn Văn Quý - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Quốc cho biết, hiện nay việc quản lý đất đai trên địa bàn huyện Phú Quốc có nhiều bất cập. Ở nhiều nơi, nhan nhản việc người dân bao chiếm đất công, phân lô xẻ nền trên đất nông nghiệp rồi lấn chiếm đất rừng, xây dựng sai phép, không phép còn tràn lan… Lãnh đạo địa phương cần chỉ đạo các việc “nóng” nêu trên cần quyết liệt hơn nữa. Tuy nhiên, vấn đề lấy đất trường học giao cho dự án, các cấp cần xem xét lại có nên không?

Ông Quý phân tích: “Trường học gắn liền với dân cư, dân có an cư mới lạc nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng dự án thu hồi đất dân rồi bố trí tái định cư đa phần không phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của người dân nên họ không vào những khu tái định cư ở nhiều lắm. Như vậy, chúng ta giải tỏa trường học, xây trường học mới kế cận khu tái định cư, không khéo không có học sinh vào học”.

Ông Quý đặt vấn đề: “Như vậy có cần thiết lấy đất trường học giao cho dự án hay không? Và nếu cần để phục vụ cho sự phát triển thì lãnh đạo các cấp phải kiên quyết với nhà đầu tư, chọn đất và xây trường mới cho các cháu có nơi có chỗ học, tránh tình trạng mất trường, học dồn, học ghép, tội nghiệp cho con cháu chúng ta”.

Trong khi đó, trường tiểu học Dương Đông 3 vừa được xây thêm 24 phòng học nữa để đạt chuẩn thì đang chờ đập bỏ vì bị đưa vào dự án con đường tơ lụa
Trong khi đó, trường tiểu học Dương Đông 3 vừa được xây thêm 24 phòng học nữa để đạt chuẩn thì đang chờ đập bỏ vì bị đưa vào dự án con đường tơ lụa

Nhưng người dân trên đảo Phú Quốc bức xúc nhất là ngôi trường tiểu học Dương Đông 2 bị lấy làm chợ, trong khi đơn vị này không bồi hoàn tiền đất để ngành giáo dục xây trường mới
Nhưng người dân trên đảo Phú Quốc bức xúc nhất là ngôi trường tiểu học Dương Đông 2 bị lấy làm chợ, trong khi đơn vị này không bồi hoàn tiền đất để ngành giáo dục xây trường mới

Liên quan vụ hàng loạt trường học ở Phú Quốc bị dự án “nuốt chửng”, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phú Quốc Ngô Rạng Đông, cho rằng: “Theo tôi được biết thì hiện nay cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn huyện Phú Quốc thua xa các huyện bạn trong tỉnh Kiên Giang nhiều lắm. Trong khi đó, nhiều điểm trường bị lấy giao cho dự án, một số trường không được đầu tư mới vì dính quy hoạch. Điều này đang gây nhiều áp lực cho các trường học ở thị trấn, vì phải học dồn, học ghép... Từ đó cho thấy, ngành giáo dục đi sau, ở thế bị động, rất khó cho ngành giáo dục. Do đó, chúng tôi mong lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Sở GD-ĐT và lãnh đạo huyện Phú Quốc cần quan tâm hơn nữa cho ngành giáo dục, nhất là chúng ta đang chuẩn bị lên đặc khu, chúng ta cần có những cán bộ có tâm, có tầm để giúp Phú Quốc phát triển. Nhưng để làm được việc này chỉ có giáo dục”.

Hôi Khuyến học huyện Phú Quốc lên tiếng về những bất cập của ngành giáo dục huyện Phú Quốc.

Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết: “Tất cả những bất cập của ngành giáo dục huyện Phú Quốc đã được đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cùng đại diện các lãnh đạo ngành chức năng, trong đó có tôi đã có chuyến thị sát thực tế mạng lưới trường học trên địa bàn huyện Phú Quốc.

Sau đó, đồng chí Mai Văn Huỳnh đã có chỉ đạo cụ thể từng việc cho từng ngành, từng đơn vị mà chủ chốt là Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc. Trong các nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ quy hoạch lại mạng lưới trường học ở Phú Quốc; kiên quyết với nhà đầu tư phải xây dựng trường học mới, địa phương mới giao đất; xem xét quỹ đất tiến hành xây thêm một trường tiểu học và THCS tại thị trấn Dương Đông… Tôi cho rằng, UBND tỉnh đã chỉ đạo cụ thể, các ngành chức năng chỉ cần phối hợp thực hiện tốt các chỉ đạo của UBND tỉnh, sẽ sớm khắc phục được những bất cập của ngành giáo dục huyện Phú Quốc hiện nay."

Nguyễn Hành