Không thể khắc phục hậu quả thí sinh "mất chỗ oan" do gian lận điểm thi

(Dân trí) - Trả lời báo chí về việc khắc phục hậu quả thí sinh ở một số tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La gian lận “chiếm chỗ”, làm mất oan cơ hội của nhiều học sinh đủ điểm xứng đáng trúng tuyển, đại diện Bộ GD&ĐT nhấn mạnh không thế khắc phục hậu quả, nếu khắc phục sẽ tạo “hiệu ứng domino” gây xáo trộn vô cùng lớn.

Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 11/5 của Bộ GD&ĐT, trả lời câu hỏi của phóng viên: Hàng trăm thí sinh mất cơ hội vào đại học yêu thích do những thí sinh gian lận điểm thi năm 2018 chiếm chỗ, vậy bây giờ đảm bảo quyền lợi của họ như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, nếu nói đến xử lý vi phạm thì đặt ra 2 khâu là: Xử lý vi phạm và khắc phục hậu quả của vi phạm đó.

Câu hỏi trên đặt ra là ở vế khắc phục hậu quả. Đối với khắc phục hậu quả, chúng ta cũng chỉ đặt ra việc khắc phục đối với những hậu quả có thể khắc phục được, hay nói cách khác là đảm bảo tính khả thi chứ không phải mọi hậu quả của vi phạm đều có thể khắc phục được. Sau đó mới xác định khắc phục thế nào, trách nhiệm thuộc về ai.

Về mặt lý thuyết, có suy luận rằng, một số thí sinh gian lận từng nhập học các trường đã chiếm chỗ của những thí sinh khác (hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình có 94 thí sinh nhập học và hiện nay có 82 thí sinh đã bị hủy kết quả trúng tuyển) đáng lẽ được tuyển. Bây giờ, thí sinh gian lận bị hủy kết quả thì có bù các thí sinh khác xứng đáng đỗ được không?

Bà Phụng tiếp tục: "Con số này là quá nhỏ so với số những thí sinh trúng tuyển khác mà không nhập học hàng năm. Nếu nói về tính chất sự việc thì 2 việc này như nhau.

Chẳng hạn năm 2018, có hơn 22.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. 22.000 thí sinh trúng tuyển mà không nhập học này cũng chiếm chỗ của những thí sinh khác - nếu họ không đăng ký thì những thí sinh khác sẽ được nhập học”.

Không thể khắc phục hậu quả thí sinh mất chỗ oan do gian lận điểm thi - 1
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trả lời báo chí.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, với 82 thí sinh được nâng điểm ở Sơn La và Hòa Bình bị hủy kết quả, nếu giải quyết theo hướng những thí sinh có điểm tiệm cận (vòng 2) được vào học thế chỗ thì sẽ phải tiếp tục giải quyết cho 82 thí sinh ở các nguyện vọng thấp hơn. Điều này sẽ diễn ra như chuỗi “hiệu ứng domino” với tất cả các nguyện vọng của thí sinh. Vậy chúng ta có giải quyết “hiệu ứng domino” được cho tất cả thí sinh hay không?

“Năm ngoái, các thí sinh đăng ký từ 1 đến 48 nguyện vọng. Nếu giải quyết như vậy thì sẽ gây xáo trộn toàn bộ hệ thống. Và đến lúc đó lại đặt ra tiếp vấn đề 22.000 thí sinh trúng tuyển không nhập học thì giải quyết quyền lợi cho các thí sinh khác muốn nhập học vào 22.00 chỉ tiêu đó”.

Do đó, Bộ GD&ĐT xếp hậu quả "chiếm chỗ" do gian lận thi cử vào diện nhóm những hậu quả không có khả năng khắc phục.

"Nói cách khác không có khả năng khắc phục đến cùng mà mọi sự khắc phục đều hợp lý. Chúng ta không thể giải quyết tất cả domino đó!"

Ở một góc độ nào đó, câu hỏi đặt ra về quyền lợi của thí sinh mất chỗ oan vì gian lận thi cử là có lý, nhưng đó là việc không thể giải quyết được đến cùng một cách hợp lý cho tất cả các thí sinh liên quan ở vòng 1, vòng 2 cho đến vòng n”, bà Phụng nói.

Việc này đặt ra không tính có khả thi, không giải quyết được và gây hoang mang dư luận cũng không mang lại điều tốt đẹp cho hệ thống. Hướng giải quyết đã đưa ra là tối ưu nhất, chúng ta khoanh vùng lại những hậu quả trực tiếp liên quan đến vi phạm. Không phải mọi hậu quả gián tiếp đều có khả năng giải quyết.

Lệ Thu