Kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng có hiện tượng “bao đậu”

(Dân trí) - Theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện nay các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học hiện trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, làm rất hình thức. Thậm chí có trung tâm kiểm định còn bày cho các trường cách đạt chuẩn như kiểu “bao đậu”.

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng có hiện tượng “bao đậu” - 1

Hội nghị về thực hiện chính sách, pháp luật đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức với sự tham dự của đông đảo chuyên gia

Ông Nghĩa đã chia sẻ những băn khoăn này tại hội nghị về thực hiện chính sách, pháp luật đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức vào ngày 3/9.

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa cho biết: “Chúng tôi cũng đã từng tâm tư và chia sẻ với lãnh đạo Bộ GD-ĐT rằng công tác đảm báo chất lượng bên trong mình chưa bằng ai thì lại làm luôn phần đánh giá kiểm định chất lượng bên ngoài. Chúng tôi đi kiểm định các trường, cấp chương trình thì thấy rất đau lòng về công tác đảm bảo chất lượng bên trong. Các trường thì nhiều thầy cô đều không rành, không hiểu, không làm được về chuẩn đầu ra. Điều này là gay go vì dù chi tiết nhỏ nhưng công tác đảm bảo chất lượng bên trong rất quan trọng lại chưa biết mà cứ chạy theo các mục tiêu khác”.

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng có hiện tượng “bao đậu” - 2

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa nêu lên nhiều vấn đề về kiểm định chất lượng ĐH hiện nay

Do đó, ông Nghĩa đề nghị song song với công tác đảm bảo chất lượng bên ngoài thì nhanh chóng có một mạng lưới lớn để quán triệt hiểu biết về đảm bảo chất lượng bên trong. Tất nhiên điều này không phải dễ dàng có được bởi để xây dựng văn hóa chất lượng không thể chỉ một hai năm mà là một quá trình lâu và vất vả.

Quay lại vấn đề đánh giá kiểm định theo quy định hay theo nguyên tắc, ông Nghĩa nhìn nhận: “Nếu chúng ta giao quyền tự chủ mà không giám sát thì sẽ rất nguy hiểm. Tôi rất lo giáo dục cũng không thoát được cái gọi là văn hoá phong bì. Đi kiểm định mà có văn hoá này thì chết rồi”. PGS.TS Hội Nghĩa cũng nói gay gắt rằng, trong các trung tâm kiểm định trong cả nước chỉ một trung tâm chủ động đánh rớt 1 trường và 4 chương trình không đạt, còn các trung tâm còn lại cứ đi kiểm định đều đạt hết. Nếu đánh giá kiểm định như vậy thì gay thật, xã hội sẽ đánh giá việc kiểm định như thế nào?”.

Cũng theo ông Nghĩa, các trung tâm kiểm định hiện trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, làm rất hình thức. “Thậm chí có nhiều trường cho biết có trung tâm đến kiểm định thấy trường thiếu minh chứng còn bày cho cách đạt, như vậy là “bao đậu mất rồi”. Nghe vậy chúng tôi rất buồn vì trung tâm kiểm định là sứ giả của chất lượng, giúp cho các trường đạt chất lượng chứ không phải là mách cho trường thoát “cửa” kiểm định”.

Do đó, theo ông Nghĩa, Bộ GD-ĐT phải đầu tư hơn nhiều vào các công tác đảm bảo chất lượng bên trong cho tốt.  Mạng lưới các trung tâm kiểm định phải dựng lại, đánh giá lại chất lượng sao cho tốt và không nên mở rộng quy mô. Trong bối cảnh hiện nay thì nên từ từ, củng cố chất lượng cho tốt chứ không nên mở rộng các trung tâm.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Nghĩa, “nhiều kiểm định viên chê các trường không biết chuẩn đầu ra, không có kỹ năng thái độ nhưng thực tế chính kiểm định viên cũng không có. Kiểm định viên chương trình của Bộ là dạy kiến thức, dạy một chút xíu kỹ năng và không dạy gì về đạo đức. Trong khi đó, ở Thái Lan họ dạy rất kỹ về đạo đức và quy định rất ngặt, đề nghị Bộ GD-ĐT phải có chương trình thật tốt”.

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa kiến nghị, các cấp trong đó Bộ GD-ĐT có kế hoạch 5 năm tới như thế nào, rà soát ra sao, chấn chỉnh để theo đúng chuẩn như quốc tế đã làm.

Tương tự, TS Ngô Văn Thuyên, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng đặt vấn đề cần phải có sự độc lập tuyệt đối của các trung tâm kiểm định.

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng có hiện tượng “bao đậu” - 3

Nhiều chuyên gia về kiểm định thẳng thắn góp ý

“Làm sao không có chuyện các trường rỉ tai nhau nên chọn trung tâm này mà không phải trung tâm khác. Tại sao một trường chấp nhận mời trung tâm ở xa tới dù tốn chi phí nhiều hơn, chắc hẳn phải có lý do nào đó. Ví dụ trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM mời ĐH Quốc gia TP.HCM đánh giá cũng không yên tâm lắm vì cạnh tranh nhau. Nếu mình khôgn độc lập mà đi nhận xét thì sẽ rất là khó”, ông Thuyên nêu.

Còn theo PGS.TS Lê Quang Minh, một chuyên gia về kiểm định chất lượng của ĐHQG TP.HCM nêu ý kiến: “Không nên mở thêm các trung tâm kiểm định và không nền đào tạo thêm kiểm định viên. Nên thành lập thêm một trung tâm kiểm định để kiểm tra các trung tâm kiểm định.”

Ông Minh cho rằng, thực tế đến nay đã có khoảng 50% các trường ĐH đã kiểm định, 96% đạt chuẩn kiểm định. Theo ông, đã đến lúc đặt vấn đề này ra, đánh giá lại công tác kiểm định chất lượng cho đầy đủ. “Cái khó nhất ở đây, chính là sự nóng vội của chính chúng ta. Chúng ta thật sự là choáng với kết quả đã công bố. Nếu làm không tốt coi chừng chúng ta đang hướng học sinh, phụ huynh vào những trường có chất lượng không thật”, ông Minh nói.

Lê Phương