“Kỳ tích” của chàng trai khuyết tật não và tình yêu thương của những người thầy

(Dân trí) - Trong lễ tốt nghiệp của hơn 1.400 tân cử nhân trường ĐH Văn Hiến, khi cái tên cử nhân Phan Tích Thiện được xướng lên, mọi người đều xúc động với kỳ tích mà chàng trai này đã đạt được. Vượt qua những khuyết tật của bản thân, Thiện đã nhận được tấm bằng tốt nghiệp loại Khá ngành Xã hội học.

Chàng trai khuyết tật não nhận bằng đại học

Giá trị yêu thương từ những người thầy

Chứng kiến khoảnh khắc con trai nhận bằng đại học, cô Huỳnh Thị Lệ Ngọc - mẹ của Tích Thiện xúc động cho biết “Trên đường từ nhà đến dự lễ nhận bằng tốt nghiệp của Thiện, đến giờ tôi cứ nghĩ không biết thật hay mơ. Con tôi may mắn vì hành trình đạt đến đích hôm nay đều có tình thương của các thầy cô”.

“Kỳ tích” của chàng trai khuyết tật não và tình yêu thương của những người thầy - 1

Niềm vui của Phan Tích Thiện bên cạnh mẹ trong ngày nhận bằng tốt nghiệp

Người mẹ kể lại, cách đây 25 năm trong lúc đang sinh Thiện thì mình bị kiệt sức ngất đi, nên bác sĩ phải hút thai. Lúc ấy, bác sĩ đã thông báo Thiện sẽ không bình thường như bao đứa trẻ khác. Em bị bại não, động kinh cục bộ, tay chân, miệng lưỡi đều không nghe theo ý mình và thường xuyên bị co giật từng cơn...

Vừa tròn một tháng tuổi, Tích Thiện đã bước vào hành trình tập vật lý trị liệu. Nhờ điều trị tích cực, Thiện cũng hoàn thiện phần nào mặc dù cho đến hiện tại em vẫn phải dùng thuốc thường xuyên. “Lúc Thiện còn nhỏ, gia đình chỉ nghĩ con mình bị vậy thì nuôi tới đâu, hay tới đó chứ không nghĩ đến xa hơn. Rồi cũng tới tuổi đi học, rất khó khăn mới tìm được chỗ nhận Thiện vào học”, cô Ngọc tâm sự.

Gia đình đưa em xin trường này đến trường khác điều bị từ chỗi và hướng dẫn đưa vào trường khuyết tật. May sao thầy hiệu trưởng trường Tiểu học Trí Tri (quận 10, TP.HCM) thấy đồng cảm nên đồng ý cho Thiện vào học thử một năm. Vượt qua năm học thử, Thiện chính thước bước vào học như các bạn bè bình thường khác.

Còn nhớ đến năm lớp 6,  tưởng chừng bỏ cuộc khi Thiện cảm thấy chương trình quá nặng, em muốn bỏ cuộc. Nghe tin cậu học trò đặc biệt bỏ học gần một tuần, thầy hiệu trưởng Nguyễn Việt Quang hiệu trưởng THCS Đức Trí (quận 10) đã gọi em đến động viên. Hai thầy trò chia sẻ với nhau như những người bạn. Sau khi được xốc lại tinh thần, Thiện đã nỗ lực theo tiếp con đường học tập.

Cô Ngọc kể, nhờ lời động viên của thầy cô, gia đình “cứ bò từ từ rồi cũng sẽ tới” mà giờ đây Thiện đã “bò” được đến lúc nhận bằng cử nhân đại học chính quy. Đó là những năm tháng cả gia đình, nhà trường và bản thân Thiện đều cố gắng.

Đúng như lời mẹ Thiện chia sẻ, chặng đường vừa qua của Thiện đã gắn với tình yêu thương của rất nhiều thầy cô của em. Đó là cô Lan - người đầu tiên cầm tay dạy em viết chữ, là vị hiệu trưởng năm tiểu học cho em máy tính đễ em gõ chữ từ năm lớp 3, là những giáo viên chủ nhiệm…

“Kỳ tích” của chàng trai khuyết tật não và tình yêu thương của những người thầy - 2

Cô giáo cũ năm cấp 2 đến chúc mừng Thiện

Tại lễ nhận bằng, ngoài bạn bè, người thân đến chung vui còn có cô giáo Thúy Hồng, giáo viên dạy môn Công nghệ của Thiện khi cậu học cấp 2 tại Trường THCS Lạc Hồng (quận 10). Cô Hồng cho biết dù thời gian cô trò gặp nhau trên lớp không nhiều nhưng cô rất quý và luôn dõi theo cậu học trò đặc biệt này. Ngày vui của học trò cũ, cô tặng Thiện một gói quà nhỏ trong đó ghi lại những kỷ niệm của hai cô trò trước đây. Xúc động, Thiện ôm chầm cô giáo cũ mà nước mắt nhạt nhòa.

Nỗ lực không ngừng

Năm 2015, Thiện bước chân vào đại học với nhiều cảm xúc khó tả cùng những giọt nước mắt vì hạnh phúc. Tại phòng tuyển sinh của nhà trường, Thiện đã òa khóc và khóc rất lâu khi nghe thầy giáo cho biết: “Con về chuẩn bị làm thủ tục nhập học”. Với thành quả này, em đã không phụ lòng của gia đình, thầy cô và bạn bè từng giúp em.

“Kỳ tích” của chàng trai khuyết tật não và tình yêu thương của những người thầy - 3

Vượt qua khuyết tật, Tích Thiện đã tốt nghiệp đại học.

“Khi học lớp 12, em nói mãi mới được một câu, viết mãi mới được một dòng, chắc không thể tiếp tục học lên nữa. Nhưng từ thầy hiệu trưởng đến cô giáo chủ nhiệm đều khuyến khích em học tiếp”, Thiện cho biết.

Thiện cho biết, việc lựa chọn ngành Xã hội học là nhờ tư vấn của cô giáo dạy văn năm lớp 12. Nhưng càng học Thiện càng thấy lựa chọn ấy là đúng. “Ngành công tác xã hội giúp mình xác định được phương thức làm công tác xã hội căn cơ. Muốn đi theo hướng ấy, mình cần phải trang bị cho bản thân càng nhiều kiến thức và kỹ năng càng tốt. Do đó, mình phải học lên nữa mới để giúp đỡ mọi người”, Tích Thiện bộc bạch đứt quãng.

Từ một người “nói mãi mới được một câu”, bước vào giảng đường đại học, Thiện phải tập dần để có thể thuyết trình. Còn nhớ, học kỳ 1 năm nhất, lần đầu tiên Thiện thuyết trình trước lớp với hơn 100 sinh viên. Lúc đó, khi đang thuyết trình, Thiện run kinh khủng, không kiểm soát được hô hấp, nghe hơi thở còn nhiều hơn lời nói. Khi kết thúc 15 phút thuyết trình thì bạn bè khóc, vỗ tay rất nhiều và khích lệ Thiện.

Từ khởi đầu đó, Thiện quyết định tham gia câu lạc bộ kỹ năng của trường để rèn luyện khả năng nói chuyện trước đám đông. Để có thể nói to, rõ chữ, về nhà Thiện thường tự đóng cửa phòng rồi hét thật to để học cách lấy hơi vùng bụng. Từng chút một, Thiện tập đánh lưỡi, phát âm và điều khiển cơ miệng của mình.

Nói về cậu sinh viên đặc biệt của mình, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thủy, Trưởng bộ môn Xã hội học trường ĐH Văn Hiến, cho biết: "Thay vì thi thì phần kết thúc các học phần của Thiện sẽ phải làm tiểu luận thay thế. Tôi khá bất ngờ về khả năng tư duy, diễn đạt ngôn ngữ của Thiện. Nói không rõ, viết chữ và đánh máy rất chậm nhưng Thiện tư duy sâu sắc, nhiều ý tưởng và trình bày vấn đề mạch lạc. Đặc biệt, em có tính kỷ luật cao, chưa bao giờ quá hạn bất cứ tiểu luận nào".

Nhờ nỗ lực không ngừng ấy, Phan Tích Thiện hoàn thành xuất sắc chương trình học ĐH của mình với kết quả xếp loại Khá. Đó là thành tích mà nhiều sinh viên bình thường khác cũng không dễ dàng đạt được. Hành trình của Thiện vẫn tiếp tục, em ước ao được đi làm bằng chính năng lực và sự phù hợp với điều kiện của bản thân mình. Mong sao, điều chàng tân cử nhân đặc biệt mong muốn sẽ thành hiện thực trong tương lai.

Lê Phương