Làng khoa bảng bên dòng Phồn Giang

(Dân trí) - Ngôi làng cổ nằm bên dòng Phồn Giang, một trong những vùng đất có bề dày truyền thống về tinh thần hiếu học và đỗ đạt ở mảnh đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt.

Đó là làng Cổ Bôn (hay còn gọi là Kẻ Bôn), thuộc xã Đông Thanh (Đông Sơn, Thanh Hóa), được các nhà khảo cổ học khẳng định là một trong những ngôi làng cổ ở xứ Thanh. Làng có lịch sử hình thành từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn, bao gồm 4 làng (Tứ Bôn): Phúc Triền, Ngọc Tích, Kim Bôi và Quỳnh Đôi.

co bon

Làng Cổ Bôn là một trong những ngôi làng giàu truyền thống hiếu học bậc nhất xứ Thanh (Ảnh: Lê Tình).

Theo các cụ cao niên trong làng, ở vùng đất Cổ Bôn, việc học hành đã được nhân dân đặc biệt coi trọng từ bao đời nay và nó đã trở thành truyền thống của mỗi gia đình, dòng họ.

Không phải ngẫu nhiên mà xưa nay, dân gian vẫn lưu truyền câu nói nổi tiếng “Đông Sơn Tứ Bôn, Hoằng Hóa Lưỡng Bột”. Là một làng quê thuần nông, nhưng có lẽ nổi tiếng hơn cả vẫn là tinh thần hiếu học được gắn với những danh hiệu cao quý như: “Làng hiếu học”, “làng khoa bảng”...

Và truyền thống đó đã trở thành những giai điệu trong lời ru con từ những ngày còn nằm trong nôi của các mẹ, các chị: “Em là con gái Kẻ Bôn/ Đi bán trầu miếng, nuôi chồng đi thi/ Ba năm chồng đỗ kinh kỳ/ Chàng đi ngựa tía, thiếp đi võng đào”.

Cũng bởi thế, người phụ nữ nơi đây có truyền thống tảo tần, cáng đáng cả việc đồng áng cũng như nuôi chồng, nuôi con thành tài. Cũng từ ngôi làng nơi vùng quê này, đã sản sinh ra những ông nghè, ông tổng và những vị đại khoa được lưu danh bảng vàng.

Theo cuốn “Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa” do tác giả Trần Văn Thịnh chủ biên (Nhà Xuất bản Thanh Hóa - 1995), thời Phong kiến, làng Cổ Bôn có tới 7 người đỗ Tiến sĩ, đã được triều đình cho tạc bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Truyền thống khoa bảng của làng Cổ Bôn được hun đúc từ nhiều nhiều gia đình, dòng họ có người đỗ đạt cao. Nổi danh nhất vẫn là dòng họ Nguyễn, trong đó tiêu biểu nhất là ông Nguyễn Văn Nghi.

Dưới thời vua Lê Trung Tông, ông đỗ nhất Giáp chế khoa, được phong tặng là Tuyên Lực Công Thần. Ông là thầy dạy của 2 vị vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông. Sau khi mất, ông được vua Lê phong là Phúc Thần.

co bon
co bon

Đền thờ Nguyễn Văn Nghi, một trong những người đỗ đạt cao của vùng đất Cổ Bôn.

Con trai Nguyễn Văn Nghi là Nguyễn Khải - người thông minh, mưu lược, được phong đến Binh bộ Thượng thư và là bậc Quốc lão tham gia triều chính. Cháu nội Nguyễn Văn Nghi là Nguyễn Văn Lễ, đỗ Hoàng Giáp khoa Nhâm Dần (1602), đời vua Lê Kính Tông, ông làm tới chức Hàn Lâm viện hiệu lý tước nam.

Bên cạnh dòng họ Nguyễn, trong thời kỳ Phong kiến, làng Cổ Bôn còn nhiều dòng họ sản sinh ra biết bao nhân kiệt qua các triều đại, như: Họ Thiều, họ Cao, họ Lê Khả, họ Lưu, họ La... với những người nổi danh tài giỏi, hay chữ, như: Thiều Sỹ Lâm, Cao Cử, Lê Khả Trù, Lê Khả Trinh, Lưu Ngạn Quang...

Ông La Đức Quang, Chủ tịch Hội cựu Giáo chức xã Đông Thanh, chia sẻ: Từ bao đời nay, trong tâm thức của người dân nơi đây, tiêu chí để đánh giá một người được xem là thành đạt phải đỗ đại học, có việc làm, có địa vị xã hội.

Truyền thống đó luôn được các thế hệ con cháu trong làng nuôi dưỡng, hun đúc từ bé với ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên. Các dòng họ trong làng còn biên soạn, bổ sung gia phả; xây dựng, thực hiện, hương ước, quy ước, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ học tập của con cháu; lập ban khuyến học - khuyến tài của làng, dòng họ và lập tủ sách dòng họ, tạo điều kiện cho con cháu được học hành, mở mang tri thức.

Ngày nay, nhiều gia đình, dòng họ ở làng Cổ Bôn đều có người đỗ đạt cao, công tác tại các trường đại học, các học viện nghiên cứu ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Theo thống kê chưa đầy đủ của bà Trần Thị Bình, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Đông Thanh, nếu tính từ năm 1975 đến nay, làng Cổ Bôn có khoảng 50 người được phong học hàm, học vị Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ và hàng trăm cử nhân.

Hàng năm, ở làng Cổ Bôn có khoảng 2/3 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên tổng số học sinh dự thi. Có những gia đình có 8 người đều là cử nhân, điển hình như gia đình ông La Văn Mùi. Thậm chí, có gia đình có 3 người là Tiến sĩ như gia đình ông giáo Tài. Còn có gia đình 2 anh em đều là Tiến sĩ (La Vân Trường, La Hữu Phúc).

Góp phần vào sự học ngày một đi lên của vùng đất Cổ Bôn, không thể không nhắc đến những người con nơi đây sau khi đỗ đạt, thành danh đều nhớ về cội nguồn, dành sự quan tâm đến phong trào khuyến học, khuyến tài của quê hương.

co bon
Làng Cổ Bôn nằm bên dòng Phồn Giang êm đềm.

Về phía chính quyền địa phương hàng năm thường phối hợp với các dòng họ tổ chức lễ vinh danh cho Tiến sĩ, Thạc sĩ, các cháu đỗ đại học và có thành tích học tập xuất sắc.

Cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành, các đơn vị, tổ chức thì nhiệm vụ giáo dục trở thành ý thức, trách nhiệm của toàn dân. Các thành viên trong làng đều tự giác học tập thường xuyên dưới nhiều hình thức và tham gia tích cực vào phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Như dòng Phồn Giang, truyền thống hiếu học ở làng Cổ Bôn vẫn tiếp nối như mạch nguồn chảy mãi. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước ghi tên mình lên bảng vàng truyền thống hiếu học của quê hương...

Duy Tuyên

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục