Đắk Nông:

Lão sư Quảng Ngãi dành cả đời dạy võ Bình Định miễn phí cho trẻ em

(Dân trí) - Tự nhận mình là người có duyên nợ với võ thuật Bình Định nên hơn 50 năm qua, lão sư người Quảng Ngãi miệt mài phổ biến những bài võ cổ truyền này đến với thế hệ trẻ.

Chúng tôi tìm đến “lò võ” của ông Phạm Văn Luận (SN 1948, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) trong lúc thầy trò lão sư này đang tất bật chuẩn bị cho kỳ thi võ thuật sắp tới. Chỉ còn vài ngày nữa, 3 học trò của ông Luận sẽ đại diện cho võ thuật trẻ tỉnh Đắk Nông tham gia Giải trẻ và thiếu niên Võ cổ truyền toàn quốc lần thứ XVIII năm 2017 nên ai cũng hăng say, khẩn trương tập luyện hết mình.


Lão sư Phạm Văn Luận (tóc bạc) đã dành hơn 50 năm để truyền bá võ thuật cổ truyền Bình Định

Lão sư Phạm Văn Luận (tóc bạc) đã dành hơn 50 năm để truyền bá võ thuật cổ truyền Bình Định

Cuối ngày, võ đường nhỏ của ông Luận nằm trong một con hẻm vẫn ồn ào, náo nhiệt. Trước nhà, một khoảng sân rộng chừng vài ba mét vuông, tiếng thét sau mỗi đòn đánh, tiếng đao kiếm chát chúa, tiếng đấm bốc thình thịch vẫn thi nhau phát ra càng làm không khí võ đường trở lên sôi động. Sâu bên trong võ đường, hàng chục võ sinh khác cũng miệt mài tập luyện, phần lớn đều là những học sinh từ lớp 6 đến lớp 11.

Lò võ của ông Luận được thành lập từ đầu năm 1998, ban đầu chỉ là nơi ông dạy võ cho mấy đứa trẻ trong vùng. Thế rồi, năm này qua năm khác, từ một lò võ chỉ có 5, 6 học viên, ông Luận đã đào tạo được hàng trăm võ sinh cho nền võ thuật tỉnh Đắk Nông. Có thời điểm, người dân trong vùng đổ xô đưa con đến gửi gắm, lò võ này tiếp nhận đến gần 200 học viên. Điều đặc biệt, ở lò võ này ông Luận miễn phí cho tất cả học viên nhỏ tuổi, chỉ những người đã có công ăn việc làm ông mới thu 100 ngàn để xây dựng quỹ khuyến học của võ đường.


Hàng trăm võ sinh được ông Luận đào tạo miễn phí, bổ sung lực lượng cho võ thuật tỉnh Đắk Nông

Hàng trăm võ sinh được ông Luận đào tạo miễn phí, bổ sung lực lượng cho võ thuật tỉnh Đắk Nông

Mến mộ việc ông dạy võ miễn phí cho trẻ em trong vùng nên nhiều phụ huynh đã góp công, góp sức xây dựng một võ đường đủ rộng để thầy trò tập luyện. Hiện nay lõ võ này đều đặn có khoảng 50 võ sinh, chủ yếu là thiếu niên, nhi đồng và phần lớn là con cháu người Quảng Ngãi, Bình Định đang sinh sống tại địa phương tham gia học vào mỗi buổi chiều.

Sau một hồi dạy bài quyền cho “ba đệ tử”, ông Luận mới có thời gian nghỉ ngơi. Nhấp giọng bằng chén trà đặc, ông Luận bồi hồi nhớ lại: “Năm 13 tuổi, tôi được bố mẹ đưa ra Quy Nhơn học văn hóa. Hồi đó tôi mê đánh đấm nên tìm đến võ đường Nguyễn Thái Sơn để “tầm sư học võ”. Được chừng 2 năm thì tôi học xong, về Quảng Ngãi làm việc nên phải bỏ dở việc học võ. Nhưng được một thời gian, không sao quên được những bài quyền, thế võ Bình Định nên tôi tìm cách để học lại”.

Sau một thời gian dài gắn bó với võ cổ truyền Bình Định, ông Luận trở thành một võ sĩ có tiếng ở quê nhà và là huấn luyện viên võ thuật của Trung tâm Thể dục Thể thao Quảng Ngãi cho đến năm 1994, ông rời quê và Đắk Nông lập nghiệp. Ngày ấy, hành trang của ông chẳng có gì khác ngoài “đặc sản” tinh hoa võ thuật Bình Định.

Vừa đặt chân đến Kiến Đức, ông Luận đã nghĩ đến việc thành lập một lò võ để phát triển võ cổ truyền. Lão sư này cho biết: “Lò võ của tôi dạy võ cổ truyền chính tông Bình Định, sau này có kết hợp thêm môn boxing. Điều mà một người dạy võ phải truyền tải cho học viên khi dạy là phải làm sao cho học viên hiểu được võ đạo. Học võ không chỉ là rèn luyện sức khỏe mà còn là dạy con người ta đạo lý, lẽ sống ở đời”.


Ông Luận đang hướng dẫn Âu Dương Phong bài quyền, chuẩn bị cho giải đấu toàn quốc

Ông Luận đang hướng dẫn Âu Dương Phong bài quyền, chuẩn bị cho giải đấu toàn quốc

Chỉ một thời gian, lò võ của ông đã bổ sung cho tỉnh Đắk Nông những gương mặt triển vọng, vận động viên đẳng cấp quốc gia như: Nguyễn Đức Lâm, vô địch boxing toàn quốc suốt 3 năm liền 2008-2010; Đặng Minh Dương, huy chương bạc giải võ cổ truyền toàn quốc và Boxing toàn quốc...

Sau 10 năm theo học võ, anh Trần Văn Hùng (thị trấn Kiến Đức) đã trở thành một huấn luyện viên võ thuật, là “người nối nghiệp” võ học Bình Định của ông Luận. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành võ cổ truyền Trường Đại học Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh, trở thành một huấn luyện viên võ thuật, anh Hùng đã xin về địa phương làm việc và từng bước kế tục võ đường.

Võ sư trẻ tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã có nóng tính lại hiếu chiến nên tìm đến thầy để học võ. Nhưng không ngờ, chính nhờ võ mà tôi bỏ được sự nóng nảy, bất chấp ấy. Theo học thầy từ ngày còn nhỏ, thầy không chỉ dạy chúng tôi võ học mà còn dạy chúng tôi các đối nhân, tính nhẫn nại, kiên trì và đặc biệt là tình thần nhân văn của võ”.

Là một trong ba thành viên trẻ địa diện cho võ thuật tỉnh Đắk Nông tham dự giải võ thuật cổ truyền toàn quốc năm nay, em Âu Dương Phong (16 tuổi) cho biết: “Em bén duyên cùng lớp học võ từ năm 13 tuổi, ban đầu do bố mẹ bắt ép đi học để cải thiện sức khỏe, nhưng càng học càng mê. Hơn hai năm theo học, năm nay em đã lên đai xanh và vinh dự được tỉnh Đắk Nông cử đi thi giải võ thuật cổ truyền toàn quốc”.

Ông Phan Thanh Cơ, Giám đốc Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Đắk Nông cho biết: “Từ những lớp học võ đơn giản của ông Luận, nhiều võ sinh có tố chất, có tài năng đã được giới thiệu cho ngành Thể thao của tỉnh Đắk Nông và được gọi lên Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu của tỉnh để tập luyện, tham gia đội tuyển của tỉnh. Trong số này, đã không ít võ sinh mang về những tấm huy chương quý giá cho thể thao tỉnh nhà".

Dương Phong - H’Dơng