“Lệch pha” giữa doanh nghiệp và trường đào tạo đến vài chục năm

(Dân trí) - Các trường tư thục và quốc tế thông thường cập nhật nội dung đào tạo 2-3 năm một lần, trường công lập thì chậm hơn và thậm chí có trường đến vài chục năm vẫn còn dạy chương trình cũ. Hệ lụy là sinh viên ra trường thất nghiệp còn doanh nghiệp "đau đầu" vì thiếu hụt nhân sự.

Đại diện các doanh nghiệp chỉ ra bất cập này tại hội nghị sơ kết công tác hợp tác doanh nghiệp diễn ra mới đây tại Trường ĐH Tài chính-Marketing. Đồng thời, các đơn vị tuyển dụng cũng đã bày tỏ thẳng thắn những khuyết điểm từ phía trường học và chính cả doạnh nghiệp trong mối quan hệ giữa hai bên.

“Lệch pha” giữa doanh nghiệp và trường đào tạo đến vài chục năm - 1

Đại diện một doanh nghiệp chia sẻ với phía trường đại học những vấn đề liên quan đào tạo để làm sao đáp ứng nhu cầu tuyển dụng

Doanh nghiệp “chê” trường công dạy chương trình cũ đến vài chục năm

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Giám đốc phụ trách khối đào tạo tập đoàn Imperial, đã chỉ ra sự lệch pha giữa người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo. Theo bà Loan, doanh nghiệp thì thay đổi cách vận hành, công nghệ, mô hình và cơ cấu tổ chức liên tục nhằm theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế. Từ sự thay đổi này kéo theo sự thay đổi về nhu cầu sử dụng người lao động với các điều kiện tuyển dụng khắt khe hơn, thêm nhiều tiêu chuẩn mới. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo thì rất lâu mới thay đổi nội dung đào tạo.

“Lệch pha” giữa doanh nghiệp và trường đào tạo đến vài chục năm - 2

Sinh viên học trải nghiệm tại doanh nghiệp

“Các trường tư thục và quốc tế thông thường cập nhật nội dung đào tạo 2-3 năm một lần, trường công lập thì chậm hơn và thậm chí có trường đến vài chục năm vẫn còn dạy chương trình cũ. Điều này chứng minh cho sự lệch pha giữa người sử dụng lao động và tổ chức đào tạo”, bà Loan nói.

Hệ lụy của sự lệch pha này, theo bà Loan là các doanh nghiệp vẫn kêu gào, khóc lóc thiếu nhân sự chất lượng cao để làm việc. Trong khi các trường vẫn cho ra trường hàng chục ngàn sinh viên và trong số đó nhiều người thất nghiệp.

Từ câu chuyện trên, bà Nguyễn Thị Hồng Loan cho rằng hai phía cần có tiếng nói chung, và mô hình đưa sinh viên đến học tập tại doanh nghiệp là một giải pháp tốt. Bà Loan cho biết, việc phục vụ cho khách sạn từ 4 sao trở lên có những yêu cầu rất khác về ngoại ngữ, trình độ và các kỹ năng khác so với các khách sạn nhỏ hơn.

“Chúng tôi dạy cho sinh viên từ việc cùng một chai rượu rót vào 5 ly khác nhau thì có vị khác nhau, rồi cách bày trí đón tiếp quan khách, vua chúa, hoàng tộc… Đây là những điều mà khách sạn 5 sao có thể dạy nhưng trường ĐH không bao giờ dạy được cho các em trước khi bước vào nghề nghiệp tương lai”, bà Loan nói.

Vị đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng cần có sự chủ động tham gia hỗ trợ các trường. Bà Loan cho biết một số khách sạn than không thể tuyển dụng được nhân sự nhưng chưa bao giờ tự hỏi mình đã giúp được gì cho trường ĐH trong quá trình đào tạo.

“Chúng ta hãy góp một tay vào việc soạn thảo, thẩm định chương trình, kiến nghị những nội dung mà dạy ra xã hội có thể sử dụng được, không cần phải đào tạo lại”, bà Loan kiến nghị.

Có mặt trong hội nghị, một doanh nghiệp khác nhìn nhận, sự lệch pha giữa hai phía còn có một nguyên nhân quan trọng là bản thân doanh nghiệp không có kỹ năng tuyển dụng. “Không phải công ty nào cũng có bộ phận tuyển dụng chuyên nghiệp, khi gửi đơn đặt hàng với các công ty kết nối không thể tuyển được người do sự mất cân xứng giữa yêu cầu công việc và lương bổng”, người này phân tích.

Cần thay đổi nhận thức từ giảng viên

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Trưởng khoa Marketing Trường ĐH Tài chính-Marketing, kiến nghị cần thay đổi nhận thức về hợp tác với doanh nghiệp từ từng giảng viên. Ông nói hiện có những người chưa thực sự thấy tầm quan trọng và coi nhẹ phần này. Gần đây trường đã có quy định giảng dạy chương trình chất lượng cao phải có nghiên cứu kết hợp với doanh nghiệp.

“Lệch pha” giữa doanh nghiệp và trường đào tạo đến vài chục năm - 3

Sinh viên trao đổi với nhà tuyển dụng

Tuy nhiên, theo ông Trường, cần tính tới xem việc kết nối doanh nghiệp trong công việc cũng là một tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên trong năm học.

Đại diện cho đơn vị đào tạo, ông Trần Minh Tùng, Trưởng khoa Công nghệ thông tin trường ĐH Tài chính-Marketing, cho biết hiện khoa này đang có hợp đồng đào tạo với hơn 10 doanh nghiệp. Trong đó, chương trình đào tạo đã được gửi đến doanh nghiệp để góp ý, cứ mỗi 2 năm sẽ tiến hành điều chỉnh bổ sung chương trình. Tất nhiên không phải tất cả các yêu cầu của doanh nghiệp đều có thể điều chỉnh ngay lập tức.

Lê Phương