Mầm non "ngoại" chưa hẳn đã chuẩn

Với tư tưởng sính ngoại, ngày nay các bậc phụ huynh có con em đang ở độ tuổi mẫu giáo đã đua nhau gửi vào các trường mầm non tư thục với lời quảng cáo đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, với đội ngũ giáo viên nước ngoài.

Liệu đây đã là sự lựa chọn đúng đắn và tìm được hướng đi tốt nhất cho thế hệ trẻ?

Hệ thống giáo dục mầm non ở nước ta trong vài năm trở lại đây đã có những bước phát triển nhanh chóng về số lượng. Đặc biệt là tại các TP lớn như Hà Nội và TPHCM. Trong đó đáng kể nhất là hệ thống trường mầm non tư thục.

Tính riêng tại quận Đống Đa, Hà Nội có tới trên dưới 30 trường mầm non thì trong đó trường mầm non thuộc hệ tư thục chiếm tới 10 trường. Hệ thống trường mầm non tư thục ra đời đã san sẻ được khá lớn gánh nặng về mối lo đưa trẻ ở độ tuổi mầm non tới trường.

Song, kể từ khi hệ thống trường mầm non tư thục xuất hiện tồn tại song song với hệ thống trường mầm non công lập thì đây cũng là lúc nảy sinh nhiều vấn đề lệch lạc trong toàn bộ hệ thống trường mầm non của cả nước. Như học phí giữa các trường không đồng nhất, giáo án giảng dạy không theo khuôn mẫu nhất định và chất lượng của đội ngũ giáo viên thì không ai có thể khẳng định đã đảm bảo.

Học phí cao chót vót

Trong khi các trường mầm non công lập vẫn giữ mức học phí khoảng 200 ngàn đồng trở lại với mỗi em trong một tháng, thậm chí có những trường vẫn đang dừng ở mức thu 50 ngàn đồng trên mỗi em cho một tháng như Trường Mầm non Sơn Ca tại 22 Sơn Tây, Hà Nội thì đối với các trường mầm non thuộc hệ tư thục, mức học phí có thể cao gấp nhiều lần.

Tại Trường Mầm non Sao Mai, trên đường Vạn Bảo, mức học phí ở đây không chỉ thu cao mà còn được tính bằng USD, mỗi học sinh 350 USD/tháng. Còn tại Trường Mầm non Gấu Bông, nằm trên đường Phạm Huy Thông thì mỗi tháng học phí cho mỗi bé lên tới 3 triệu đồng. Tại Trường Mầm non tư thục quốc tế Kinderworld thuộc quận Hai Bà Trưng, học phí ở đây đã không được tính theo từng tháng mà sẽ thu trọn gói cả năm.

Theo như bản nội dung chương trình học cũng như học phí và các dịch vụ ngoài khác thì học phí trọn gói cho một năm học học chương trình quốc tế là 6.000 USD, tương đương với 96 triệu đồng, còn chương trình lớp địa phương là 3.360 USD, tương đương với 54 triệu đồng.

Sở dĩ cùng nằm trong hệ thống giáo dục mầm non của cả nước mà lại tồn tại những chêch lệch khá lớn về khoản học phí giữa các trường, bởi theo quan điểm của các trường tư thục thì họ là những đơn vị đi theo các chương trình giảng dạy của quốc tế: lối đào tạo mở, có đội ngũ giáo viên nước ngoài, do vậy mức học phí là do họ hoàn toàn quyết định. Thật không sai khi nói rằng những trường mầm non trên chỉ dành cho con nhà giàu.

Chất lượng đào tạo đã chuẩn?

Trong chương trình dạy và học tại các trường mầm non, Vụ Giáo dục Mầm non đưa ra yêu cầu không được đưa chương trình tiếng Anh vào trong giáo án giảng dạy thì hiện nay phần lớn các trường mầm non tư thục quảng cáo với chất lượng quốc tế và lối đào tạo mở lại đang lấy tiếng Anh và giáo viên người nước ngoài làm điểm nhấn trong chương trình giảng dạy của trường mình để thu hút các bậc phụ huynh đăng ký cho trẻ vào học.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhường, giảng viên khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì: "Đây chính là những tác động chưa cần thiết, mặc dù chúng ta đã hội nhập song giữa văn hóa Á Đông và văn hóa phương Tây vẫn còn nhiều khác biệt do đó rất dễ gây lên những xáo trộn cũng như xung đột giữa các luồng văn hóa trong trẻ nhỏ".

Đối với các cháu nhỏ tại Trường Mầm non Sao Mai thì ở đây không còn là chuyện các cháu có được học tiếng Anh hay không mà có lẽ với mỗi cháu tại đây sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp đã trở thành vấn đề bắt buộc.

Trong cùng một lớp học nhưng các cháu thuộc rất nhiều các quốc tịch khác nhau, trong đó nhiều nhất là quốc tịch Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản. Việc trong một lớp học có quá nhiều các cháu thuộc các quốc tịch khác nhau cùng được học tập và sinh hoạt chung của một chương trình giảng dạy thì quả là không khỏi bất ngờ khi các bậc phu huynh than phiền phong cách của các cháu đã thay đổi hẳn.

Trong vài năm trở lại đây, hệ thống giáo dục mầm non của nước ta đã phát triển với tốc độ khá mạnh. Nhưng để hệ thống này đi vào hoạt động có hiệu quả hơn nữa có lẽ Vụ Giáo dục mầm non cần có những chế tài nhất định trong việc đào tạo những đội ngũ giáo viên mầm non hội đủ văn hóa mô phạm của người Việt.

Thật không sai khi Tiến sĩ xã hội học Nguyễn Thị Nhường nói: "Văn hóa ứng xử là một trong những điều kiện để xây dựng nên con người văn hóa. Ở giai đoạn này, cha mẹ cần quan tâm, đầu tư nhiều nhất vào văn hoá ứng xử, thay vì ý nghĩ nhất thiết phải đưa con em mình vào các trường điểm với phương pháp giảng dạy quốc tế".

Theo Quốc Hưng
Công An Nhân Dân