Mẹ cho con đi bộ về nhé!

(Dân trí) - Tôi vẫn nghĩ, con gái tôi bé thế, tính tình nhút nhát chắc khó mà biết đi bộ tới trường. Thế nhưng con đã gây bất ngờ khi mẹ đến đón, con nói: “Mẹ đi về trước đi, con thích đi bộ về cơ”. Vậy là tôi phóng xe đi chầm chậm phía trước, liên tục quay lại theo dõi xem con đi bộ ra sao…

Trẻ con thời nay thật sung sướng, được bố mẹ chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận từng li từng tí. Các gia đình có điều kiện kinh tế, ít con cháu nên ông bà, bố mẹ dồn hết tình yêu cho con, cho cháu. Trẻ con chỉ việc học, chơi, không cần động tay vào việc nhà. Cha mẹ nghĩ đơn giản, chẳng cần phải lo xa chuyện dạy con việc nhà, việc chăm sóc bản thân, trẻ lớn khắc biết làm hết.

Suy nghĩ này thật sai lầm vì những đứa trẻ quen dựa dẫm luôn chờ đợi ông bà, bố mẹ phục vụ. Nhiều đứa trẻ quen được chiều chuộng, không thích lao động dù là tự chăm sóc chính bản thân mình, lo ăn uống, đi học, luôn ỷ lại vào gia đình. Bố mẹ đến lúc cáu gắt, bực tức gọi con là “gà công nghiệp”, trách mắng con vô tâm, vô cảm, lười biếng mà con vẫn khó lòng thay đổi.

Tôi nói với các con, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, trong gia đình bất cứ ai cũng phải lao động, làm việc phù hợp với độ tuổi, sức khỏe. Dạy con biết làm việc nhà, con hiểu được mẹ đã phải vất vả hàng giờ trong bếp mới có bữa cơm ngon. Tôi phân công các con làm việc nhà: Anh lớn giúp mẹ nấu cơm, đổ rác, rửa bát, gấp quần áo; em bé cất nồi cơm, quét nhà, thu dọn bàn học gọn gàng. Lúc đầu để khuyến khích con làm việc, tôi thưởng các con 1-2 nghìn mỗi ngày để các con nuôi lợn nhựa, sau đó khi con quen việc, thành nếp thì thưởng ít đi và giao phần việc đấy cho con làm.

Trẻ con giờ đi học luôn có bố mẹ đưa đón hoặc thuê xe đưa đón học sinh, trả tiền nhà xe theo tháng, đảm bảo con đến trường về nhà an toàn. Công việc tôi làm ca kíp, có những hôm không thể lựa đi đón con, phải gọi điện nhờ mấy anh chị phụ huynh có con cùng lớp con tôi đón giúp. Tôi tính, sẽ cố gắng vất vả đưa đón con thêm 1-2 năm nữa, khi nào con học lớp 4 sẽ để con đi bộ tới trường. Quãng đường từ nhà tới trường học khoảng 700 mét, phải băng qua đường sắt, phải sang đường và con đường này khá đông xe ô tô chở hàng đi qua. Để con đi bộ đi học thật không an toàn chút nào!

Trẻ con luôn quan sát mọi người xung quanh. Con nhìn thấy anh chị hàng xóm luôn đi bộ, đi xe đi học thì cũng hăm hở thử sức. Chở con đi học từ lớp 1, tôi luôn dạy con cách sang đường, nhìn trái nhìn phải quan sát không có xe ô tô, xe máy đi từ phía xa thì mới giơ tay xin đường. Con đi bộ thì phải đi trên vỉa hè, luôn đi đúng lề bên phải, nếu thấy sợ quá thì nhờ người lớn dắt qua đường.

di bo.jpg

Bé rủ bạn cùng đi bộ về nhà.

 

Tôi vẫn nghĩ, con bé thế, tính tình nhút nhát chắc khó mà biết đi bộ tới trường. Thế nhưng con đã gây bất ngờ khi mẹ đến đón, con nói: “Mẹ đi về trước đi, con thích đi bộ về cơ”. Vậy là tôi phóng xe đi chầm chậm phía trước, liên tục quay lại theo dõi xem con đi bộ ra sao. Lúc sang đường, tôi hướng dẫn con cách quan sát phương tiện đi lại, biết sang đường an toàn. Lần đi bộ đầu tiên thành công, con rất vui mừng khoe rối rít với cả nhà, khoe với các anh chị xung quanh.

Một số phụ huynh biết chuyện thì nói tôi liều quá, sao để con đi bộ khổ thân con? Con mới học lớp 2, tôi vẫn hàng ngày đưa đón con đi học và thỉnh thoảng để con đi bộ về nhà. Đi bộ lúc tan trường, con có hội bạn đi bộ cùng lớp, vừa đi vừa cười đùa rôm rả. Thỉnh thoảng, tôi đạp xe chở chiếc cặp sách cho con bớt nặng, con đi bộ về cùng mấy bạn. Những lần đi bộ tập dượt của con cùng mẹ chỉ 2-3 lần, con đã cùng bạn đi bộ rất nhanh về nhà.

Tôi có phải là người mẹ hơi liều lĩnh không khi để con đi bộ đi học sớm như thế? Thời chúng tôi còn nhỏ, tôi và tất cả bạn bè đều đi bộ đi học, bố mẹ bận đi làm tối ngày, lấy đâu thời gian mà đưa đón. Tôi chỉ muốn con biết tự lập sớm một chút, có thể linh hoạt tự đi về khi bố mẹ quá bận, không kịp đón con.

Thỉnh thoảng, tôi đến đón con, con lại thỏ thẻ: “Mẹ về trước đi, con đi bộ về với các bạn cho vui…”.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!