Bạn đọc viết:

“Mẹ ơi, mua quà cho cô giáo…”

(Dân trí) - Hôm mới đây lúc tôi đón con tan trường, con gái chạy ào vào lòng mẹ thủ thỉ: “Mẹ ơi, mua quà cho cô giáo!”. Tôi giật mình, mọi người xung quanh nghe được cũng bắt đầu xầm xì to nhỏ. Nào là “cô giáo đòi quà rồi”, “sắp đến mùa thu hoạch mà”, “có quà cho cô không là mệt nghe”…

Những lời xầm xì vang lên bên tai tôi không dứt. Và dường như không hề có một lời bình phẩm nào tích cực dành cho những người thầy vẫn đang ngày ngày dạy dỗ con trẻ.

Tôi đưa con đến bên ghế đá dưới tán cây và dò hỏi con về việc “mua quà cho cô giáo”. Bé con ngây thơ kể về những bài học trong sách đạo đức và lời dặn dò của thầy giáo dạy kỹ năng sống về lòng biết ơn thầy cô giáo.

Lễ Tết đang đến. Trong ba ngày Tết có “Mồng ba Tết thầy” thiêng liêng, ý nghĩa. Mấy hôm nay, truyền hình liên tục gợi nhắc về Tết, về những món quà bày tỏ lòng tri ân đối với bố mẹ, thầy cô. Những tiết chào cờ ở trường cũng phát động phong trào thi đua học tốt chào mừng ngày hội lớn của dân tộc. Vậy nên, trong lòng con trẻ cũng rộn ràng, háo hức vô cùng.

Con gái tôi học lớp 1. Tâm hồn các con ngây thơ và trong sáng vô ngần. Bọn trẻ bắt đầu nhận biết và dần dà làm quen với những lễ nghĩa, phép tắc với thầy cô, bố mẹ, anh em, bạn bè… Những hạt giống tâm hồn đầu tiên của các con cần được vun xới và ươm mầm để phát triển tốt tươi, xanh ngát.

Lòng biết ơn thầy cô giáo là một trong những bài học lễ nghĩa thuở ban đầu ấy. Lời tri ân của các con cần được nuôi dưỡng và tưới tắm bằng dòng nước ngọt mát của tình yêu thương, lòng tôn kính và sự lễ phép…

Con trẻ đang học bài học về lòng biết ơn và đang thực hành bài học về lòng biết ơn. Vậy nên đối với việc các con nhắc nhở bố mẹ “mua quà cho cô giáo”, tôi nghĩ quá đỗi bình thường. Một món quà nhỏ, có khi là xấp vải áo dài, chai dầu gội, bộ tách trà… giá trị nhỏ những ý nghĩa lớn. Món quà ấy cũng có thể là bó hoa tươi thay lời chúc mừng, lời cảm ơn. Món quà ấy đôi khi là mấy tấm thiệp con con tự tay bọn trẻ cắt dán, trang trí và nắn nót viết lại càng đáng quý hơn.

Con trẻ trong sáng vô ngần trong cách thể hiện lòng biết ơn thầy cô. Chỉ có người lớn chúng ta mới “mượn cớ” tặng quà thầy cô để nuôi dưỡng ý định nhờ vả về điểm số, thành tích. Chỉ có người lớn mới mạnh tay chi tiền mua quà hòng lấy lòng thầy cô mong con trẻ được ưu ái hơn. Chỉ có người lớn mới đút lót phong bao, phong bì rồi chính mình phán “thầy cô đòi quà!”.

Đáng buồn thay khi ý nghĩ và lời nói vô ý, vô tâm, vô tình của người lớn đã và sẽ gieo vào lòng con trẻ những gợn sóng lăn tăn, những gam màu xám xịt về hình ảnh người thầy. Sự tôn kính thầy cô phai nhạt, lòng mến yêu giảm sút và lời tri ân bị méo mó trong con trẻ sẽ nguy hại vô cùng!

Khi thấy một đứa trẻ nhắn nhủ “Bố/mẹ ơi, mua quà cho cô giáo…”, xin đừng vội quy kết “Cô nhắc quà, đòi quà!”…

Khi trao gói quà cho con đến tặng thầy cô, xin đừng nói với theo “Mùa thu hoạch của giáo viên đến rồi!”…

Khi con mình chuẩn bị món quà có phần sơ sài, dung dị so với bạn bè, xin đừng vội lo âu “Chẳng biết nó có bị phân biệt đối xử không?”…

Đừng vô tình nhồi nhét vào đầu óc non nớt của các con những ý nghĩ méo mó, những hình ảnh xấu xí về lòng biết ơn thầy cô! 

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!