Mới học chữ hơn 3 tháng, trẻ lớp 1 đã toát mồ hôi ôn đề cương hàng trang A4

(Dân trí) - Để chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ, không ít học sinh lớp 1 đã phải ôn đề cương nhiều trang dài, hay có nơi còn tổ chức cho học sinh thi thử. Không chỉ học sinh "đuối" mà cha mẹ cũng "bở hơi tai" kèm con học.

Đang trong giai đoạn con ôn tập thi học kỳ 1, chị Kim Ngân, có con học lớp 1 tại quận 8, TPHCM cho biết, rút kinh nghiệm đứa sau, chắc chắn chị sẽ cho con học trước. Những ngày qua, hai mẹ con chị "bơi" trong bài vở của đứa bé mới hơn 6 tuổi. 

Mới học chữ hơn 3 tháng, trẻ lớp 1 đã toát mồ hôi ôn đề cương hàng trang A4 - 1
Mới học chữ hơn 3 tháng, trẻ lớp 1 đã toát mồ hôi ôn đề cương hàng trang A4 - 2

Một phần trong bài ôn của học trò lớp 1 nơi trường con chị Ngân theo học 

Chị Ngân nói, một đứa bé chỉ bắt đầu bập bẹ học chữ tính ra đến nay chỉ mới hơn 3 tháng nhưng đề cương ôn hai môn Toán và Tiếng Việt là 4 trang A4 kín đặc chữ, người lớn đọc còn ngợp. 

Người mẹ liệt kê sơ sơ, môn Tiếng Việt chỉ riêng phần đọc vần và đọc âm là nguyên một trang; nối hai cụm từ thành một câu gồm ba phần, mỗi phần 4 câu là 12 câu. 

Con chị chưa phân biệt được R với S, rồi Nh với Ngh, Ng... học đến đâu là cháu khổ sở đến đó. Mẹ thương con nhưng cũng có lúc phải bực mình, gõ đầu con. Chưa kể, còn bài kiểm tra Toán, Tiếng Anh. 

Giai đoạn con ôn tập học kỳ 1, chị Thanh Nhàn, có con cũng vừa vào lớp 1, đã lý giải được phần nào vì sao nhiều người phải cho con học chữ trước khi vào lớp 1. 

Bản thân chị không hối hận vì không cho con học trước nhưng thừa nhận, bây giờ phải ôn tập dày đặc, tối phải kèm con đến khuya, rất mệt cho cả mẹ và con. 

Chị còn không dám để chồng kèm con học vì bố nóng tính, kèm là quát con ầm ĩ, có khi còn đánh con hay xé vở con. 

Con không quá khó khăn đối với việc ôn tập vì cháu đọc viết, cộng trừ khá trôi chảy nhưng chị anh Nguyễn Văn Trung, con học lớp 1 ở quận Bình Thạnh, TPHCM ngỡ ngàng và phải bật cười với cách con được chỉ dẫn ôn tập. 

Giáo viên in nhiều bài tập về đọc viết, bài toán làm sẵn hết rồi yêu cầu học sinh về làm đi làm lại cho thành thạo những bài đó. Vì kiểm tra sẽ chỉ ra trong những câu này. 

"Nói chung là các con học như một cái máy. Cô đưa bài ra, chép, làm bài rồi đọc cho thuộc là xong, không cần suy nghĩ, thể hiện cá nhân gì hết", anh nói. 

Cách ôn tập "cứ thuộc bài cô cho" như anh Trung nói không chỉ xảy ra với học sinh lớp 1. Nhiều lớp lớn hơn, học sinh được cô giáo giao từng đề cương các đề làm văn, các bài tập ngữ pháp, bài Toán..., học sinh chỉ cần học thuộc thật kỹ trước. 

Mới học chữ hơn 3 tháng, trẻ lớp 1 đã toát mồ hôi ôn đề cương hàng trang A4 - 3

Nhiều nơi, học sinh tiểu học được ôn tập theo kiểu chép và học thuộc lòng. (Ảnh minh họa)

Chị Nguyên Hạnh, có con học lớp 3 tại Trường tiểu học B., quận Thủ Đức, TPHCM cho biết, cô cho đề cương cả tập dày về các con làm, rồi cô sửa, sau đó con học thuộc. Hôm kia, trường con chị còn cho học sinh thi thử, chấm điểm, xem em nào nắm chưa kỹ thì thúc bố mẹ về ôn tập để kiểm tra chính thức.

Như môn tiếng Việt, nhiều nơi giáo viên thường giao 3 - 5 đề làm văn, các em làm theo khung cô đưa ra, sau đó cô sửa lại cho hoàn chỉnh và học sinh về học thuộc. Đến ngày kiểm tra, kiểu gì cũng trúng một trong các đề được giao. 

Rồi các môn khác khác như Lịch sử, Khoa học cũng như vậy, học sinh cứ học thuộc lòng theo chủ đề cô đưa ra. 

Mà lỡ như đề không trúng y phóc hay không "theo khuôn" giáo viên hướng dẫn, hay đề chỉ cần hỏi lái đi một chút là nhiều học sinh lúng túng, chới với.

Tại một quận TPHCM, từng xảy ra việc nhiều học sinh lớp 5 không làm được hoặc làm sai đề làm văn kiểm tra học kỳ: "Tả trường em sau buổi học”. Rất nhiều em tả giờ ra chơi. 

Lý do là giáo viên đã "ôn tủ" cho các em học thuộc lòng bài tả cảnh trường học giờ ra chơi. Khi đề thay đổi đi một chút, các em không nhận được được yêu cầu của đề.

"Học không phải động não nhưng lại rất vất vả", một phụ huynh có con học lớp 3 ở Thủ Đức nhận xét về việc ôn tập, học tập hiện nay của các em. 

Được biết, theo kế hoạch của Sở GD-ĐT TPHCM, các trường tổ chức kiểm tra học kỳ từ ngày 9 đến ngày 21/12, đảm bảo hình thức, nội dung kiểm tra theo đúng chương trình, kế hoạch dạy học, đảm bảo phù hợp giữa thời gian làm bài và nội dung kiểm tra…

Hoài Nam