Mong ước ngành Giáo dục “lột xác” năm 2019

(Dân trí) - "Những tiêu cực, bất cập của giáo dục năm 2018 đã và đang được toàn ngành mổ xẻ, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Quan sát các động thái kịp thời và tích cực của Bộ GD&ĐT, cùng với sự đồng hành, hưởng ứng của toàn xã hội, tôi có niềm tin vào sự thành công, sự lột xác của giáo dục trong năm 2019, năm bản lề mang đậm dấu ấn đổi mới, tạo tiền đề và động lực và cả niềm tin cho giai đoạn phát triển, đổi mới tiếp theo của giáo dục."

Cử nhân Sư phạm thất nghiệp và cải thiện nhiều chính sách

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, số chưa có việc làm và dự kiến sinh viên ra trường năm 2018-2019 nhưng chưa có việc làm ngay là hơn 40.000. Con số thất nghiệp tăng lên so với năm 2017, do đó chỉ tiêu vào ngành Sư phạm năm 2018 cũng phải giảm 38% (năm 2018 là 35.590 so với năm 2017 là 56.725).

Lương giáo viên thấp, áp lực làm việc tăng cao, xin việc khó khăn dẫn đến sức hút ngành Sư phạm giảm sút. Tổng số nguyện vọng 1 Sư phạm là 43.069 chỉ tiêu, giảm 26,9% so với năm 2017.

Việc tuyển dụng giáo viên như hiện nay không những khó thu hút người tài mà còn làm cho tình trạng thất nghiệp ngày càng trầm trọng hơn.

Năm 2019, Bộ GD&ĐT siết chặt đầu vào với khối ngành sư phạm, theo đó có quy định điểm sàn và giảm chỉ tiêu đào tạo. Bên cạnh đó, Bộ đang hướng đến chủ chương bỏ miễn học phí ngành Sư phạm. Các quy định này nhằm tránh lãng phí và thu hút sinh viên giỏi.

Mong ước ngành Giáo dục “lột xác” năm 2019 - 1

Tác giả bài viết: Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán, Trương THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.

 

Ngoài ra, việc nâng chuẩn đầu vào, giảm chỉ tiêu mà thí sinh vẫn đăng ký vào Sư phạm thì các thí sinh đăng ký xét tuyển vào Sư phạm năm nay có thể chất lượng hơn, thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề hơn.

Ở tầm vĩ mô hơn, Bộ GD&ĐT cần cấp bách quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm, đảm bảo việc đào tạo đúng chỉ tiêu, đúng chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tế. Đồng thời, việc tuyển dụng phải gắn với đào tạo, tránh tình trạng như hiện nay Bộ GD&ĐT cứ đào tạo còn Bộ Nội vụ lại tuyển dụng nên chẳng ai chịu trách nhiệm để làm sao cho cung phù hợp với cầu.

Để nâng tầm chất lượng giáo dục cần cải thiện chất lượng giáo viên, cần sự toàn tâm toàn ý của các thầy cô giáo cho giáo dục. Để làm được việc đó, việc đầu tiên là cần tăng lương cho đội ngũ giáo viên.

Trong nửa nhiệm kì của mình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhiều lần đề xuất tăng lương giáo viên, tương đương với lương của sĩ quan công an, quân đội. Chúng tôi mong Bộ trưởng theo đuổi đến cùng để nguyện vọng chính đáng này thành hiện thực, đó sẽ là một trong những dấu ấn thành công trong nhiệm kì của bộ trưởng.

Từ bạo lực học đường gia tăng đến việc chấn chỉnh đạo đức nhà giáo

Một trong những "đám mây" phủ bóng lên ngành Giáo dục năm 2018 là các vụ việc giáo viên dùng bạo lực với học sinh, có ở tất cả các cấp độ từ mầm non đến THPT. Nhiều vụ việc gây nhức nhối trong ngành và gây phẫn nộ trong xã hội mà tôi không muốn nhắc lại ở đây.

Thời gian qua, ngành Giáo dục đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, các quy định đã tăng các hình thức xử phạt nhưng mới chỉ ở phần ngọn và chưa thực sự giải quyết được vấn đề.

Mong ước ngành Giáo dục “lột xác” năm 2019 - 2

Thời gian qua, ngành giáo dục đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức trong nhà trường. (Ảnh minh họa: Mỹ Hà)

 

Nhận thức được tính nghiêm trọng và cấp bách của vấn đề, Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị 1737/CT-BGD-ĐT về nâng cao đạo đức nhà giáo, ban hành công văn gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc đôn đốc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ trương giảm các đầu việc về hồ sơ sổ sách, rà soát các cuộc thi hình thức gây áp lực cho giáo viên.

Mỗi sự việc xảy ra trong ngành Giáo dục đều nhận được sự giám sát, quan tâm, đánh giá rất kịp thời từ xã hội. Đây là áp lực nhưng cũng là động lực để bạo lực học đường sớm chấm dứt, tạo môi trường sư phạm lành mạnh, tích cực.

Tiêu cực thi cử và hoàn thiện quy trình thi THPT quốc gia 2019

Những kết quả đạt được của kỳ thi THPT quốc gia 2018 là quan trọng, cần được ghi nhận. Tuy nhiên, tiêu cực, sai phạm xảy ra ở một số địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là cá biệt nhưng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, tổn thương đến đội ngũ nhà giáo và đối với những nhà quản lý giáo dục ở các địa phương, là sự cố gây chấn động trong hàng chục năm tổ chức thi và tuyển sinh.

Ngay khi phát hiện dấu hiệu tiêu cực, Bộ GD&ĐT đã tích cực vào cuộc, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, chấm thẩm định, đưa các tiêu cực ra ánh sáng và trả lại điểm thực chất cho thí sinh.

Mong ước ngành Giáo dục “lột xác” năm 2019 - 3

Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Giáo dục (Bộ GD&ĐT) thanh ra công tác chấm thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình.

 

Bên cạnh đó, Bộ cũng ráo riết rà soát lại quy trình tổ chức thi và có những cải tiến rõ rệt nhằm khắc phục những bất cập của kỳ thi năm 2018.
Theo đó, Bộ xác định rõ trách nhiệm của những người tham gia kỳ thi, tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm, tăng cường bảo mật, chú trọng công tác lựa chọn nhân sự, công tác thanh tra, giám sát tại các hội đồng thi.

Những thay đổi tích cực nêu trên làm chúng ta có sơ sở để tin vào một mùa thi 2019 trung thực, khách quan và hiệu quả.

Triển khai chương trình phổ thông mới, mong ngành Giáo dục “lột xác”

Ngày 27/12/2018, Bộ GD&ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, đáp ứng nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn.

Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đồng thời tích cực chuẩn bị các điều kiện thực hiện.

Mong ước ngành Giáo dục “lột xác” năm 2019 - 4

Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. (Ảnh minh họa: Mỹ Hà)

 

Xác định rõ yếu tố con người là quan trọng và quyết định, bộ đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.

Tôi tin là, với sự nỗ lực của ngành Giáo dục và sự đồng hành của toàn xã hội, các hạn chế, yếu kém của ngành sẽ dần được khắc phục, giáo dục năm 2019 sẽ khởi sắc, tạo tiền đề quan trọng để triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngành Giáo dục đang đứng trước cơ hội lịch sử để đổi mới căn bản và toàn diện, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và nâng tầm giáo dục nước nhà.

Trần Mạnh Tùng

(Giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội)