Góp ý Dự thảo Nghị định Luật giáo dục GD đại học:

Một cổ "3 tròng" thì sao gọi là tự chủ?

(Dân trí) - Với các cơ sở giáo dục có Hội đồng trường chưa đủ năng lực thì làm thế nào, cứ một cổ 3 tròng (tròng Hội đồng trường, tròng Bộ chủ quản, tròng Bộ GD&ĐT) như thế đến bao giờ? Nếu vậy thì sao gọi là tự chủ?

Đó là ý kiến của GS.TS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp góp ý về Dự thảo Nghị định qui định chi tiết và hướng dẫn và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục GD đại học (Luật số 34) mà Bộ GD&ĐT đang trưng cầu ý kiến để Nghị định (NĐ) có thể được chính thức được ban hành muộn nhất là ngày 1/7/2019, khi Luật số 34 có hiệu lực pháp lý.

Dự thảo chưa có sự đột phá

GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, NĐ có nhiệm vụ quan trọng là qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật số 34, nên phải đảm bảo rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu để ai cũng có thể chấp hành và thực hiện đúng; vì thế Nghị định phải giảm tối đa sự mập mờ, bất định của cụm từ “theo qui định”, nhất là trong khi hệ thống pháp luật của chúng ta còn chưa hoàn chỉnh, chồng chéo, có khi còn cản phá và phủ định lẫn nhau.

Các qui định mập mờ chỉ tạo thêm kẽ hở cho sự tồn tại của cơ chế xin cho, cơ chế cấp phép, không thể là hành lang pháp lý tin cậy cho nền giáo dục tử tế và thiện lương; vì ở đó đã có sẵn mầm mống và sự dung dưỡng cho những điều sai trái,  “theo qui định’ càng nhiều thì càng ít tự chủ, càng ít chỗ cho các đột phá.

Bên cạnh đó, ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, cũng như tinh thần của Nghị quyết TƯ 6 còn chưa được cụ thể hóa đầy đủ trong Dự thảo.

Ví dụ, “Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng … đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện…” (Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đăng báo Nhân dân ngày 01/10/2018).

Hay như quy định, “đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành (với cơ sở giáo dục tự chủ được hiểu là Hiệu trưởng) tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới;

Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập”, hoặc “Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả”… (trong NQTW6) chưa được “quán triệt sâu sắc và nhận thức đầy đủ”, thậm chí còn chưa thấy các định hướng mang tính đột phá ấy của Đảng được thể hiện trong Dự thảo.

Dự thảo vẫn chưa xác định rõ mối quan hệ giữa Nhà nước và Nhà trường và mối quan hệ trong nội bộ CSGD (Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu) để thực thi tự chủ đại học. Cũng có thể là, vấn đề phức tạp và nhạy cảm này sẽ được đề cập đến ở NĐ về tự chủ đại học.

Thêm nữa, NĐ chỉ "qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều" của Luật số 34, được hiểu là, các điều còn lại sẽ do các NĐ hay Thông tư khác ‘qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành’? Nếu vậy, các NĐ và Thông tư này có được công bố trước ngày 01/7/2019 không? hay là Luật lại phải chờ?

Một cổ  3 tròng thì sao gọi là tự chủ? - 1

Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp GS.TS Trần Đức Viên. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Làm rõ mối quan hệ giữa trường đại học với nhà nước

Hội đồng trường  (HĐT) là vấn đề mà nhiều người quan tâm và góp ý cho dự thảo. Được biết, GS hiện nay là Chủ tịch HĐT của Học viện Nông nghiệp, vậy theo GS, khi xây dựng trường đại học tự chủ, bỏ cơ chế bộ chủ quản thì mối quan hệ giữa trường đại học với nhà nước sẽ thực hiện như thế nào?

Xây dựng ĐH tự chủ là hình thức chuyển biến cả về chất và lượng trong mối quan hệ giữa Chính phủ với cơ sở giáo dục (CSGD) ĐH và thay đổi mối quan hệ bên trong từng CSGD, thông qua việc Chính phủ hỗ trợ và cho phép các trường đại học thay đổi hoàn toàn hệ thống cấu trúc và quản trị của họ.

Trên cơ sở đó, đại học tự chủ có thể tự quyết và chịu trách nhiệm giải trình về hầu hết các vấn đề liên quan đến sự phát triển của CSGD, không phải xin phép ai “cấp phép” để CSGD thực hiện mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi mà CSGD đã cam kết và đang theo đuổi.

Nhà nước, xã hội giám sát các hoạt động và sự vận hành của CSGD qua các chỉ số KPIs (Key Performance Indicators –chỉ số kết quả đầu ra) mà CSGD đã cam kết hoặc do Nhà nước giao/đặt hàng, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào quá trình hoạt động của CSGD theo cách "cầm tay chỉ việc".

Tự chủ được thể hiện ở hai cấp độ: giữa trường đại học với Nhà nước, và trong nội bộ trường đại học.

Về mối quan hệ giữa Nhà nước và nhà trường, theo tôi có mấy vấn đề cần làm rõ: Việc Bộ GD&ĐT nhận nhiệm vụ thống nhất thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học là phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, để tránh việc bộ GD&ĐT mặc nhiên trở thành “bộ quản lý” của tất cả các trường đại học, nhất là sau khi bỏ cơ chế bộ chủ quản, thì việc phân công, phân cấp, phân quyền thế nào giữa bộ GD&ĐT với các bộ ngành liên quan khác, với địa phương và CSGD;

Xuất phát từ mục đích quản lý, năng lực điều hành, hiệu quả quản trị hệ thống, điều kiện cụ thể của từng bộ ngành, địa phương và của từng CSGD;  tạo ‘sân chơi’ bình đẳng cho các CSGD ĐH hướng tới văn hóa chất lượng, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ xã hội. Mối quan hệ này rất cần được phân định rõ ràng.

Ví dụ như trong các mối quan hệ này CSGD được làm những gì và không được làm những gì, Bộ GD&ĐT cần và phải làm những gì và không được làm những gì; với các bộ ngành liên quan khác và địa phương cũng vậy.

Tại sao Đại học Quốc gia có quyền tự chủ cao?

Một trong những “điểm nghẽn” trong thời gian qua được các trường đại học và dư luận xã hội quan tâm nhiều là vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, và mối quan hệ giữa 3 thiết chế lãnh đạo, quản trị, quản lý trường đại học là Đảng ủy (ĐU), Hội đồng trường (HĐT) và Ban Giám hiệu (BGH). Ý kiến ông thế nào về quy định này?

Do các trường đại học tự chủ trên thế giới không có Đảng ủy nên họ không gặp vấn đề này, vì vậy NĐ rất cần phải hướng dẫn/qui định cụ thể các quyền quản trị/quản lý của 3 thiết chế lãnh đạo, quyền lực và điều hành đồng tồn tại trong một CSGD.

Về vấn đề này có lẽ nên vận dụng các nguyên tắc đã được áp dụng khi giải quyết các mối quan hệ giữa Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ ở tầm quốc gia.  

Ở đây cũng cần làm rõ qui định “chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường đại học” (Điểm b Khoản 4 Điều 16), nghĩa là không được làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng phòng Ban, Khoa, Viện… trực thuộc các trường ĐH.

Vậy tại sao ở ĐHQG và ĐH vùng, các đại học được coi là rường cột của hệ thống giáo dục & đào tạo quốc dân, thì một người lại có thể đồng thời đảm nhiệm cả 3 chức vụ (BTĐU, GĐ, Chủ tịch HĐĐH); nghĩa là, một người được nắm cùng lúc cả 3 nhiệm vụ vừa quản trị vừa quản lý vừa giám sát, "vừa đá bóng vừa thổi còi”, còn các trường đại học bình thường khác thì lại bị cấm?

Lưu ý là, Dự thảo NĐ về tự chủ đại học được xây dựng trên cơ sở Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 qui định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, theo Điều 7 của NĐ này thì quyền tự chủ của các CSGDĐH được phân ra 3 mức tùy thuộc vào mức độ tự chủ tài chính: CSGDĐH đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư có mức tự chủ cao nhất (Mức 1), CSGDĐH do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư thì có mức tự chủ thấp nhất (Mức 3).

Theo đó, các Đại học Quốc gia và Đại học vùng phải có mức tự chủ thấp nhất, do vẫn được tiền thuế của dân ‘nuôi’; nhưng trong Dự thảo NĐ thì lại qui định “Đại học Quốc gia có quyền tự chủ cao” (Khoản 2 Điều 8), và “được Nhà nước ưu tiên đầu tư” (Khoản 1 Điều 8).

Phải chăng Dự thảo NĐ đã đi ngược lại với tinh thần của NĐ16. Nếu không thì, cơ sở khoa học và thực tiễn của qui định này là gì?

Thiết nghĩ, hoặc là phải coi ‘tiêu chí’ tự chủ qui định theo NĐ 16 là "không giống ai", bắt trường đại học phải lo chạy ăn hơn là dồn tâm lực để thực hiện thiên chức đổi mới sáng tạo; hoặc là phải có hướng dẫn cụ thể để Chính phủ và các CSGD thực hiện tốt nhất Khoản 2 Điều 12 “phân bổ ngân sách và nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, binh đẳng, hiệu quả”, không còn tình trạnh chiếu trên chiếu dưới, con để con nuôi trong "làng" đại học.

Vậy thực tế vấn đề này ở các trường hiện nay như thế nào thưa GS?

Thực tế cho thấy, Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐT lại kiêm luôn cả hiệu trưởng khiến quyền lực của hiệu trưởng càng lớn và dễ dẫn đến tình trạng thiếu dân chủ, các quyết nghị của HĐT mang tính cá nhân, HĐT trên thực tế là hội đồng của hiệu trưởng.

Hiệu trưởng vẫn có thể tha hồ "tự tung tự tác" mà không vấp phải một "phản biện" nào, một sự ‘cân đối quyền lực’ hay giám sát quyền lực nào.

Mặt khác, Đảng ủy đại diện cho tổ chức Đảng trong trường, còn HĐT là đại diện của chủ sở hữu cộng đồng thuộc phạm vi rộng lớn hơn bên ngoài nhà trường (tất nhiên Nhà nước vẫn là chủ sở hữu lớn nhất và quan trọng nhất) và như vậy, mô hình Bí thư kiêm chủ tịch HĐT sẽ làm mất đi tính đại diện cộng đồng của HĐT.

Vì vậy, nếu Bí thư kiêm chủ tịch HĐT, thì các quyết nghị của hội đồng cũng sẽ mang tính cục bộ vì quyền lợi của CSGD nhiều hơn, rất khó tránh khỏi thiên vị, sẽ làm cho tính độc lập tương đối của HĐT với Đảng ủy và HT giảm đi. Do đó, tính "tự chủ” cũng sẽ bị suy giảm, và thậm chí là bị triệt tiêu.

Như vậy, để Nghị định quy định rõ hơn vấn đề này, theo ông phải làm thế nào?

Vấn đề quan trọng là, Ban soạn thảo NĐ cần đưa ra được cơ sở khoa học và thực tiễn (chứng minh được). Với các ĐHQG và ĐH vùng, một người nắm giữ cả 3 chức vụ tốt hơn, tiến bộ hơn, phù hợp hơn với thực tiễn VN, phù hợp với xu hướng quản trị đại học của các nước phát triển.

Với các trường đại học khác (không thuộc ĐGQG và ĐHV) thì không được làm như thế, vì sẽ làm thụt lùi tiến trình tự chủ đại học, sẽ làm GDĐH Việt Nam lạc lõng và lạc hậu nữa với quá trình hội nhập quốc tế về GDĐH, làm giảm chất lượng đào tạo, NCKH, dịch vụ xã hội, và hội nhập quốc tế của các trường đại học này...

Tương tự như vậy, về vấn đề tự chủ cao của Đại học Quốc gia đi kèm với tự chủ tài chính thấp và được "ưu tiên đầu tư" cao là hoàn toàn phù hợp với tinh thần của NĐ 16 cũng vậy, đơn giản là đưa ra được các cơ sở khoa học tường minh và thuyết phục, để giáo giới và xã hội phải "tâm phục khẩu phục".

Suy cho cùng, chính sách, qui định hay một quyết định nào đó đều cần phải được hoạch định dựa trên một CSKH biện chứng, với các bằng chứng khoa học thuyết phục, không nên và không thể dựa vào ý muốn chủ quan của một ai đó.

Cũng cần quy định cụ thể quyền lợi, chế độ, trách nhiệm cho các thành viên Hội đồng để cơ sở dễ thực hiện, nếu cứ để tùy thuộc vào ‘hảo tâm’ của CSGD như hiện nay thì nghe có vẻ tùy tiện.

Một cổ  3 tròng thì sao gọi là tự chủ? - 2

Một cổ 3 tròng thì sao gọi là tự chủ?

Theo Khoản 1 của dự thảo Nghị định thì Hội đồng trường "thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”. Chủ sở hữu ở đây được hiểu là nhà nước, vì với các trường công, dù có nhiều chủ sở hữu, thì nhà nước vẫn là chủ sở hữu lớn nhất, có vai trò quyết định trong việc phát triển của một CSGD. Nếu vậy có thể coi HĐT là cơ quan quyền lực, thay mặt nhà nước để quản trị trực tiếp trường đại học được không?  

Nếu vậy, thay vì vừa phải báo cáo HĐT vừa báo cáo Bộ chủ quản và Bộ GD&ĐT, Hiệu trưởng chỉ việc báo cáo và xin ý kiến HĐT.

Với các CSGD có HĐT đầy đủ năng lực thì như vậy, với các CSGD có HĐT chưa đủ năng lực thì làm thế nào, cứ một cổ 3 tròng (tròng HĐT, tròng Bộ chủ quản, tròng Bộ GD&ĐT) như thế đến bao giờ? Nếu vậy thì sao gọi là tự chủ?

Làm thế nào để biết HĐT có đủ năng lực hay chưa đủ năng lực, thưa GS?

Chính vì vậy, NĐ phải làm rõ được, thể chế hóa cụ thể và chi tiết được vai trò vừa là "Quốc hội” vừa là "Chủ tịch nước” của HĐT trong một CSGD.

Tôi thấy, trong khoản 2, điều 16,  HĐT được giao rất nhiều quyền, mà toàn là quyền lớn, Nghị định cần chỉ ra cho các CSGD cách thức họ thực hiện các quyền ấy như thế nào.

Ví dụ, HĐT trước khi quyết định các vấn đề to lớn, có phải xin ý kiến Đảng ủy không; hay thực hiện các quyền ấy theo sự chỉ đạo của Đảng ủy?.

Cụ thể là vấn đề qui trình bổ nhiệm nhân sự có nhiều bước, nhưng còn 2 bước trong các qui định hiện hành chưa rõ, rất cần được NĐ hướng dẫn: HĐT họp bỏ phiếu trước rồi trình Đảng ủy bỏ phiếu "phê chuẩn", hay Đảng ủy họp bỏ phiếu trước, đưa ra HĐT để thảo luận và bỏ phiếu "thông qua"?

HĐT là cơ quan quyền lực, đại diện cho chủ sở hữu, ở các CSGD công lập là đại diện cho nhà nước và các chủ thể khác, quản trị trực tiếp trường đại học.

Đồng thời, đây còn là thiết chế thể hiện quyền dân chủ của CSGD, họ thể hiện cái quyền dân chủ ấy trong công tác nhân sự ở chỗ HĐT cần có số dư để thảo luận và lựa chọn, trong khi nguyên tắc Đảng lại chỉ giới thiệu một ứng viên cho một vị trí lãnh đạo, quản lý.

Vậy qui trình bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo quản lý của CSGD thực hiện như thế nào?, cũng như quyền quyết định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động... do CSGD xác định hay là vẫn phải theo các qui định hiện hành khác của Luật Lao động, Luật Viên chức, Luật cán bộ, công chức...? Nếu vậy, thì cũng không còn gì là tự chủ.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Hồng Hạnh