Một nỗi niềm trăn trở

(Dân trí) - "Học sinh khiếm thị phải có quyền được tham dự các kỳ thi chớ không phải <i>có quyền được miễn thi</i>. Nếu cho họ cái “quyền được miễn thi” đó khác nào các kỳ thi “từ chối” họ, không cho họ một cơ hội thể hiện mình...". Thạc sĩ Lê Dân Bách Việt, một người khiếm thị, nêu ý kiến.

Lần đầu tiên một phòng thi đặc  biệt đã được bố trí cho một học sinh khiếm thị, em Nguyễn Hữu Ất, là một tin vui cho người khiếm thị. Tuy nhiên điều này một lần nữa cho thấy việc tạo điều kiện hòa nhập cho người khuyết tật lâu nay đã chưa được chú ý đúng mức.

Dưới đây là những ý kiến nhân sự kiện này của ông Lê Dân Bạch Việt - một người khiếm thị, Thạc sĩ Giáo dục đặc biệt, Ngành Liệu pháp định hướng di chuyển cho người khiếm thị.

“Ưu đãi” hay là “từ chối” 

Việc em Nguyễn Hữu Ất đấu tranh thành công cho “quyền được thi ĐH” của mình đã làm nức lòng mọi người khiếm thị Việt Nam. Nhưng cũng vì vậy mà tôi muốn thổ lộ niềm trăn trở canh cánh trong lòng nhiều năm nay của mình về giáo dục hòa nhập cho người khiếm thị ở ta hiện nay.

Giáo dục hòa nhập (GDHN) giải thích đơn giản có nghĩa là cho học sinh khiếm thị (HSKT) học cùng các học sinh sáng mắt tại các trường bình thường. Các em HSKT vẫn sẽ được hỗ trợ học thêm bằng nhiều cách khác nhau, nhưng quan trọng nhất là phải được học cùng các bạn bình thường. 

Mục tiêu của GDHN là tạo điều kiện để HSKT được sinh họat, học hỏi, giao lưu cùng học sinh không khuyết tật, được tham gia vào môi trường giáo dục của xã hội một cách bình thường nhất có thể.  

Điều này cũng giúp cho giáo viên và học sinh không khuyết tật có cái nhìn bình thường đối với HSKT. Tránh thiên kiến “mù mà học làm gì” hay “có tật thì có tài”. Tất cả chỉ là thiên kiến. Vì GDHN sẽ khẳng định: HSKT cũng như mọi học sinh khác, có em học giỏi cũng có em học dở, do khả năng tiếp thu và năng khiếu của mỗi học sinh khác nhau, đó là điều bình thường.

Nếu mọi giáo viên và học sinh không khuyết tật hiểu được điều bình thường đó, hiểu được sự hạn chế của HSKT và tạo mọi điều kiện hỗ trợ họ học tập, thì mục tiêu của GDHN đã hoàn thành. Nhưng nên nhớ, “hỗ trợ” chứ không phải “làm thay” hay “dễ dãi” bằng các ưu đãi quá mức. 

Thời gian qua, xã hội đã có nhiều ưu đãi cho người khiếm thị cũng như HSKT. Chúng tôi hết sức hoan nghênh. Thế nhưng, ưu đãi không phải lúc nào cũng được hoan nghênh.  

Trong vài năm vừa qua, HSKT (ít nhất là tại TPHCM) được miễn thi các kỳ thi tốt nghiệp, trong năm nay lại miễn thi THPT. Trong khi đó, HS không khuyết tật vẫn phải thi và tỉ lệ đậu chỉ là 2/3. Không thể nói chúng ta thành công với GDHN khi đầu ra của nó không phải là một kỳ thi hòa nhập để có đánh giá khách quan.  

Ngay cả trong kỳ thi tuyển sinh Đại học, vẫn có một số trường miễn thi cho HSKT và diễn đạt bằng từ “tuyển thẳng”. Tuyển thẳng là thế nào trong khi HSKT cũng như mọi học sinh khác, có em giỏi, có em dở. Theo ý tôi, đó là sự “từ chối” của các kỳ thi đối với HSKT chứ không phải là ưu đãi. Nó “từ chối” các em vì tổ chức kỳ thi riêng cho các em HSKT quá phiền phức!  

Đó là sự không công bằng cho tất cả, cả các em học sinh không khuyết tật lẫn các em HSKT. Sự bất công này sẽ dẫn đến những hệ quả rất nghiêm trọng. 

Thứ nhất, các phương tiện truyền thông, mọi người xung quanh chăm chăm ca ngợi các em HSKT là vượt qua nỗi đau, vươn tới tương lai… Đó chỉ là những lời có cánh khiến các em HSKT tạo tâm lý chủ quan, tự cao trong một số em, làm thui chột khả năng phấn đấu của các em. 

Thứ hai, các em học sinh đồng trang lứa sẽ bất bình với sự ưu đãi quá mức đó dành cho HSKT. Các em sẽ chuyển dần từ tâm lý thông cảm sang sự khinh thường khả năng thực tế của HSKT. Vì cái từ “tuyển thẳng” ấy thực ra chỉ là sự “ưu đãi” do “cái tật” của các em mà thôi. 

Cả hai điều đó đã phá vỡ mục tiêu của GDHN. Vậy có nên chăng, chúng ta hãy xem xét lại các “ưu đãi” trái lý ấy của GDHN ở Việt Nam ta hiện nay? 

“Từ chối” = lũy thừa “nỗi đau” 

Trong những năm học tập ở Hoa Kỳ, tôi chưa bao giờ được miễn thi. Các kỳ thi của tôi đều có đề thi bằng chữ Braille và được tăng thời gian làm bài. Kể cả học bổng IFP mà tôi đạt được cũng phải vượt qua kỳ thi tuyển như bao nhiêu người khác. Vậy tại sao chúng ta không làm như vậy? 

Lại có trường hợp HSKT được tuyển thẳng vào Đại học, nhưng khi tốt nghiệp trường lại không cấp bằng mà chỉ có một giấy chứng nhận hoàn thành khóa học Đại học. Lý do đơn giản vì các em không có điểm đầu vào. Vậy “tuyển thẳng” các em làm gì? Học bao năm trời cũng chẳng có cái bằng thì em tiến thân làm sao? Việc học có ý nghĩa gì với các em? Xin hãy để các em được học thực chất và được thi thực chất. 

Tôi không đánh đồng tất cả. Vì vẫn có rất nhiều trường tổ chức cho các HSKT thi cử rất đàng hoàng. Nhưng điều đó lại thể hiện chúng ta chưa có một quy chế chung cho HSKT, đó chỉ là tùy cái tâm và “tầm” của lãnh đạo mỗi trường. Nên chăng hãy xác lập một cơ chế chung cho HSKT? 

Tất cả chúng ta đều phải trưởng thành qua những thử thách. Lẽ ra phải tạo điều kiện cho HS khuyết tật nói chung, HSKT nói riêng được thử thách mình qua các kỳ thi mới phải lẽ. Đó cũng là cách để các em thể hiện năng lực của mình, các em sẽ không phải xấu hổ vì những gì mình có được. 

Chúng ta cũng có thể ưu đãi cho các em trong các kỳ thi bằng các cách như: tăng giờ làm bài; đề thi cùng nội dung nhưng thay đổi hình thức câu hỏi, hình thức thể hiện; thay đổi cách thi… Có thể là nó sẽ phiền phức nhưng sẽ công bằng.  

Đừng vì phiền phức hay vì thành tích của ngành GDHN mà miễn thi cho tất cả các em HSKT. Cả xã hội đang hỗ trợ các em HSKT, các em kém may mắn vươn lên, ngành giáo dục cũng nên góp một tay. Cả xã hội đang quyết tâm xóa bỏ bệnh thành tích, GDHN cũng nên như vậy. Xin đừng dùng nỗi đau của HSKT để lập thành tích mà nên bàn bạc để có chính sách công bằng đúng đắn, tạo điều kiện cho người khiếm thị được phát huy hết khả năng của mình và đóng góp cho xã hội. 

Qua trao đổi với các bạn khiếm thị như anh Đinh Thanh Tùng - chủ tịch HNM tỉnh Hải Dương, Ủy viên BCH Hội Người mù Việt Nam, em Trần Thị Minh Tuyết là học sinh cũ của trường Nguyễn Đình Chiểu TPHCM và vài người khiếm thị khác đều không thích được miễn thi. Vâng, HSKT phải có quyền được tham dự các kỳ thi chớ không phải “có quyền được miễn thi”. 

Nếu cho họ cái “quyền được miễn thi” đó khác nào các kỳ thi “từ chối” họ, không cho họ một cơ hội thể hiện mình. Xin mọi người hãy xét lại, “từ chối” như thế này = lũy thừa “nỗi đau” của chúng tôi! 

Tùng Nguyên (ghi)