Muốn bảo vệ tương lai của con trẻ, trước tiên hãy cho chúng sự an toàn

(Dân trí) - Tai nạn giao thông (TNGT) luôn để lại hậu quả nghiêm trọng trong mỗi gia đình cũng như xã hội. Không chỉ gây thiệt hại tính mạng, thương tích cho người bị nạn mà TNGT còn là nỗi đau, sự ám ảnh đối với những người còn sống. Điều đáng nói, người lớn đang vô tình gián tiếp dạy con trẻ những hành vi sai khi tham gia giao thông.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, trong thời gian qua tuy số vụ và người chết, bị ảnh hưởng do tai nạn giao thông ở người lớn có giảm nhưng đáng buồn là tỷ lệ trẻ em bị tai nạn giao thông và thương vong lại không giảm, thậm chí còn tăng.

Ông Hùng cũng cho hay, mỗi năm trên thế giới có trên 350.000 trẻ tử vong do tai nạn giao thông (TNGT). Tại Việt Nam, con số này là gần 2.000 trẻ mỗi năm.

Tại Hà Nội, tỷ lệ thiệt mạng do tai nạn, trong đó có TNGT của học sinh cấp trung học phổ thông tại Hà Nội ở mức 7,39/100.000 học sinh. Con số này cao hơn nhiều so với một số nước trong khu vực châu Á (cao gấp 1,25 lần so với Campuchia; 2,73 lần Nhật Bản và 1,84 lần Hàn Quốc).

Theo các chuyên gia, số trẻ tử vong do tai nạn giao thông tăng có phần do ý thức, thái độ của các bậc phụ huynh. Hằng ngày, chúng ta vẫn thấy nhan nhản những cảnh tượng mất ATGT đặc biệt là trước cổng trường. Dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng vẫn có không ít phụ huynh đậu xe dưới lòng đường chờ con tan trường, không đội mũ bảo hiểm cho trẻ, chở nhiều trẻ cùng lúc, cho trẻ ngồi trên xe gắn máy với tư thế không an toàn, ngang nhiên đi ngược chiều, vượt đèn đỏ…

Muốn bảo vệ tương lai của con trẻ, trước tiên hãy cho chúng sự an toàn - Ảnh 1.

Người lớn chưa noi gương khi tham gia giao thông có những tác động không tốt đối với con trẻ.

Trong khi đó, những người làm công tác giáo dục phân tích: Hàng ngày chính bản thân bố mẹ, người thân các em đang làm gương xấu hàng ngày “tô đen” vào ý thức các em bằng chính các hành vi vi phạm. Trong khi giảng bài, giáo viên luôn yêu cầu học sinh phải biết nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông. Sự tương phản này có thể khiến hành vi của các em bị lệch lạc khi tham gia giao thông.

Rớt nước mắt từ các thông điệp gửi gắm học sinh

Xác định, giới trẻ là đối tượng chính tham gia giao thông và có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, do vậy, sau 3 năm liên tiếp thực hiện các nghiên cứu về ATGT, Hiệp hội Các nhà sản xuất Xe máy Việt Nam mong muốn đưa ra một hình thức mới, hợp xu hướng thời đại và dễ dàng tiếp cận giới trẻ hơn, từ đó lan tỏa mạnh mẽ và tác động trực tiếp đến nhận thức, hành vi của toàn bộ cộng đồng người tham gia giao thông.

Xuất phát từ ý tưởng đó, VAMM chính thức phát động dự án ATGT mới năm 2018 – Cuộc làm phim ATGT “Tôi biết. Tôi thay đổi” nhằm ghi lại và đề cao những cách hành xử văn minh khi tham gia giao thông thông qua lăng kính của giới trẻ, góp phần xây dựng một môi trường giao thông lành mạnh và tốt đẹp hơn.

Mặc dù cuộc thi chỉ kéo dài hơn một tháng nhưng sức thu hút của nó đã khiến nhiều người phải bất ngờ. Có đến 103 sản phẩm video gửi dự thi với sự đầu tư công phu cũng như những lời thông điệp gửi gắm đầy ý nghĩa.

Mặc dù cuộc thi chỉ kéo dài hơn một tháng nhưng sức thu hút của nó đã khiến nhiều người phải bất ngờ.

Chẳng hạn như, “Bạn có biết rằng, chỉ cần một phút vội vã, chủ quan của người lớn là đã có thể cướp đi cả tương lai của con trẻ. Chúng ta - có thể là những người bố, người mẹ luôn nỗ lực để dành cho con cái những điều tốt đẹp nhất. Nhưng, nếu chúng ta không thể mang đến cho con sự an toàn khi tham gia giao thông thì không thể xứng đáng là những người bố, người mẹ có trách nhiệm.” - đây là thông điệp của tác phẩm mang tên “Vì con” của tác giả Red Light Team.

“Vì con” khắc họa lại câu chuyện một người bố trong một lần nổi nóng với cô con gái yêu thương của mình khi biết bài thi của con về chủ đề an toàn giao thông bị điểm kém và sau đó vô tình phát hiện cuốn sổ nhật ký của con. Thông qua sổ nhật ký này người bố mới biết nổi sợ hãi của con mình mỗi khi ngồi sau xe trên quãng đường đến trường. Chính vì những ký ức không tốt đẹp khi thấy bố tham gia giao thông mà cô con gái đã bỏ trống phần bài làm. Trước những dòng nhật ký của cô con gái người bố đã quyết định thay đổi…

Thông điệp Tác phẩm “Vì con” của tác giả Red Light Team khiến nhiều người cần phải nhìn nhận lại bản thân mình.

 

Câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ trong cuộc sống nhưng tác phẩm “Vì con” lại đón nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng khi có hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ. Đây cũng là sản phẩm giành giải nhất của cuộc thi “Tôi biết. Tôi thay đổi”.

Muốn bảo vệ tương lai của con trẻ, trước tiên hãy cho chúng sự an toàn - Ảnh 4.

Hình ảnh trong tác phẩm “Vì con” khiến nhiều người phải nhìn nhận lại mình.

Theo thống kê của Ban tổ chức, đã có hơn 4,5 triệu lượt tìm kiếm đến cuộc thi, hơn 20 triệu lượt hiển thị, hơn 300.000 người tương tác với các sản phẩm, hơn 1,8 triệu view. Đặc biệt, đối tượng tham gia cuộc thi là học sinh cấp 2 – cấp 3 ở nhiều tỉnh thành; Sinh viên ở các trường Đại học lớn; Đội làm phim nghiệm dư đến chuyên nghiệp. Thậm chí có cả sự tham gia của các diễn viên điện ảnh lớn.

Các tác phẩm khai thác nhiều vấn đề về thực trạng giao thông hiện nay và cách thay đổi như không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; Không vượt đèn đỏ, dù chỉ 1 giây; Sự tác động của người lớn đối với thế hệ trẻ tương lai đối với những việc làm tốt đẹp cho xã hội; Sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn để đảm bảo an toàn; Không tham gia đua xe hay phóng nhanh, vượt ẩu khi tham gia giao thông; Không sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông…

Theo đánh giá của giới chuyên môn, cuộc thi đạt được mục đích về việc truyền tải thông điệp về tham gia giao thông an toàn tới những thí sinh tham gia và những người xem. Thành công của cuộc thi chính là những thước phim được truyền tải đa dạng hóa thông điệp tích cực và được xã hội đón nhận và đánh giá cao.

H. Nguyễn