Nam sinh thuộc hộ nghèo đạt 27,25 điểm thi khối C

(Dân trí) - Đó là Nguyễn Hồng Sơn là học sinh Trường THPT Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Sơn đạt 27,25 ba môn khối C, trong đó Ngữ văn đạt 9,25 điểm; Lịch sử đạt 8,0 điểm; Địa lí đạt 10 điểm.

Đây là thành quả xứng đáng cho tài năng và sự cố gắng miệt mài không ngừng nghỉ của Sơn trong những năm tháng qua.


Nguyễn Hồng Sơn và cô giáo của mình

Nguyễn Hồng Sơn và cô giáo của mình

Theo chia sẻ của cô giáo chủ nhiệm, Sơn sinh ra và lớn lên tại xã Văn Lang, một xã nghèo của huyện Hạ Hòa. Con đường đến trường từ Văn Lang đến Xuân Áng khoảng 10km, mỗi ngày 4 lượt đi về bằng xe đạp cũng khá vất vả. Lên lớp 12, bố mẹ mua cho Sơn chiếc xe đạp điện để tiện cho việc đi lại học tập của em khi lịch học ngày một dày hơn.

Bố mẹ Sơn đều làm nông nghiệp; mẹ bị bệnh, sức khỏe yếu; kinh tế gia đình khó khăn, nhiều năm gia đình em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Nhà có 2 chị em, chị gái Sơn đã phải bỏ dở con đường học hành. Sơn là cậu bé sống nội tâm, trầm tính và rất tình cảm.

Ngoài giờ học trên lớp, Sơn và bố mẹ là những lao động chính trong gia đình, vừa lo việc nhà, vừa lo việc đồng áng. Hiểu được hoàn cảnh của gia đình, Sơn luôn nung nấu ý chí phải học thật giỏi để thoát nghèo, thoát khổ.

Suốt 3 năm THPT, Sơn đều là học sinh giỏi toàn diện với số điểm cao. Năm học 2017 - 2028, Sơn đạt giải Nhì trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Ngữ văn.

Chia sẻ kinh nghiệm học của mình, Sơn cho rằng điều quan trọng đầu tiên là phải có thái độ học tập nghiêm túc, chăm chú nghe giảng; nắm thật vững kiến thức trong sách giáo khoa, đặc biệt là phải có kĩ năng làm bài và chăm chỉ luyện tập.

Riêng môn Ngữ văn phải chịu khó viết mới có thể tăng tốc độ viết, viết nhanh mới có thể viết hết những ý muốn triển khai, không để bài dang dở; không được học tủ vì không thể phó mặc kì thi quan trọng nhất của cuộc đời cho chuyện may rủi…

Đặc biệt, Sơn đã học môn Ngữ văn rất hiệu quả với “phương pháp mảnh ghép” của riêng em. Em nói rất khó để dồn hết cảm xúc và bút lực khi mỗi ngày phải viết một đề văn, ngồi 3 tiếng đồng hồ, trong khi còn phải học những môn khác. Em đã tập viết từng phần riêng rẽ: mở bài, kết bài, giới thiệu tác giả, tổng kết nghệ thuật… viết cho đúng rồi tập viết cho hay. Phương pháp này giúp em rất nhiều trong việc áp dụng vào các dạng đề văn khác nhau.

Đợt xét tuyển đại học năm nay, Sơn đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Sĩ quan Chính trị. Phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng với bản lĩnh và sự chăm chỉ học tập và rèn luyện của một học sinh vượt khó, tin tưởng rằng Sơn sẽ đạt được mơ ước của mình, trở thành một cán bộ sỹ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, đem tài năng và sức lực của mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiến Tu