Cô giáo kể chuyện:

“Nếu không thi cấp 3, em bỏ luôn môn Văn cô ạ”

(Dân trí) - Tôi sững sờ khi nghe một trò lớp 9 tâm sự: "Cô ơi, giá không thi tuyển 10, em bỏ luôn môn Văn ấy. Học Văn chán lắm cô. Mỗi tuần 5 tiết lận. Giờ nào em cũng phải nghe nhiều và ghi mỏi hết cả tay". Có lẽ đây là lời tâm sự rất thật của học sinh...

Những ngày này, học sinh khối 9 đang chạy nước rút với lịch trình ôn thi. Khoảng hơn tuần nữa là các em bắt đầu thi học kì 2. Sau đó các em sẽ bước vào kì thi tuyển sinh lớp 10. Nhiều em tỏ ra lo lắng, căng thẳng cho các kì thi sắp tới. Các em nháo nhào ôn thi với mong muốn đậu được trường như ý.

Tôi là một giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn 9. Cuối năm học, không chỉ các em học sinh vất vả mà chúng tôi - những người trực tiếp giảng dạy các em cũng bộn bề với những lo âu. Làm sao để các em vượt qua các kì thi. Làm sao để các em đạt kết quả cao. Đó chính là những băn khoăn, trăn trở của những người thầy, người cô.

Để ôn luyện cho các em, chúng tôi phải củng cố lại hầu hết các kiến thức đã học từ đầu năm. Sau đó sẽ giải đề để đánh giá sức học của từng em. Tuy nhiên, càng ôn tôi càng sợ cho cách học Văn của trò bây giờ. Các kiến thức căn bản mà các em cũng không nhớ. Nhiều bài tập dạng thông thường mà có em còn lúng túng khi làm bài. Riêng phần nghị luận văn học mới đáng sợ. Học trò bây giờ không biết phân tích tác phẩm truyện cũng như đoạn thơ, bài thơ. Sự cảm thụ văn học ở các em quá yếu. Mỗi khi cô cho làm bài thì trò phải mang văn mẫu ra tham khảo. Các em cứ phải đọc trước rồi mới bắt chước viết theo được.

Ngày nào ôn, các em cũng nhờ cô chỉ cho cách làm bài sao để đạt điểm cao. Hình như bây giờ học sinh học Văn là để thi chứ không phải là để hiểu. Các em chỉ cần làm sao vượt qua được các kì thi là được. Ở cấp 1, mỗi khi thi thầy cô thường giới hạn trước cho vài đề. Sau đó các em học thuộc rồi đi thi. Sang cấp 2 cũng vậy, nhiều giáo viên sợ không đạt chỉ tiêu cũng làm theo cách ấy. Mỗi khi kiểm tra cô giới hạn trước vài đề. Thế là các em đọc văn mẫu hoặc lên mạng tham khảo. Thành thử đọc Văn của học sinh bây giờ cứ na ná như nhau. Các em không có những ý tưởng của riêng mình. Bài viết thường khô khan, không cảm xúc.

Bữa trước, tôi đã từng sững sờ khi nghe một trò lớp 9 tâm sự như này: "Cô ơi, giá không thi tuyển 10, em bỏ luôn môn Văn ấy. Học Văn chán lắm cô. Mỗi tuần 5 tiết lận. Giờ nào em cũng phải nghe nhiều và ghi mỏi hết cả tay". Có lẽ đây là lời tâm sự rất thật của học sinh. Nếu môn Văn không bắt buộc trong kì thi tuyển sinh lớp 10 thì nhiều em cũng chẳng thèm ngó tới thật. Nghe mà thật xót xa.

Suy cho cùng, xã hội bây giờ là như vậy, người ta chuộng khối Tự nhiên hơn. Các môn Tự nhiên luôn được xem trọng. Hầu hết các gia đình đều đầu tư cho con học môn Tự nhiên. Học giỏi Tự nhiên cũng được ngưỡng mộ hơn. Chưa kể giỏi Tự nhiên ra trường cũng dễ xin việc hơn. Còn giỏi Xã hội thì sao chứ. Các em có đậu đại học ra trường cũng khó xin việc. Mà có xin được việc thì cũng khó kiếm được nhiều tiền. Thành thử trò bây giờ không thiết tha học Văn.

Bản thân là một giáo viên Ngữ văn nên tôi hiểu tâm trạng của học sinh. Các em bây giờ rất thực tế. Ngay khi còn là học sinh đã tính toán xem học môn nào để mai này dễ xin việc và kiếm được nhiều tiền. Trong quá trình học thì trò còn xem phần nào thi mới học. Ví dụ phần văn bản hành chính công vụ không thi bao giờ nên trò ít ngó tới. Các tiết học các em không thèm nghe. Thành thử, nhiều học sinh lớp 9 bây giờ không viết nổi một lá đơn hoàn chỉnh.

Vì học lệch, học tủ môn Văn như vậy nên đến mùa thi trò bắt đầu lo lắng. Các em rất sợ mình không đạt điểm cao. Nhiều em bắt đầu chữa cháy bằng cách học thuộc Văn mẫu. Các em không cần kiến thực thật, miễn sao vượt qua các kì thi là được...

Một mùa thi nữa lại về. Chỉ mong sao xã hội thay đổi cách nghĩ về môn Văn. Mong sao các trò đừng học Văn một cách miễn cưỡng, gượng ép.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!