Ngẫm nghĩ cùng các ý tưởng về giáo dục

(Dân trí) - Với gần 250 chủ đề con, <a href=" http://diendan.edu.net.vn/forums/240/ShowForum.aspx">“Đề xuất ý tưởng mới”</a> - một topic không quá ồn ào của Diễn đàn Giáo dục (edu.net.vn) luôn gắn liền với những sự kiện “nóng” như thi kèm thi hộ, cải thiện chất lượng SGK, giải pháp dạy thêm học thêm... Tuy có nhiều ý tưởng khó có thể triển khai nhưng đều mang tâm huyết của các thành viên với nền giáo dục nước nhà.

Những ý tưởng… dễ thương

 

Với suy nghĩ đơn giản, sinh viên đã lớn, không nhất thiết phải quản giáo, thành viên trungkien5a đã đưa ra ý tưởng “Loại bỏ điểm danh ở Đại học”.

 

Theo trungkien5a thì việc điểm danh không thể biến một sinh viên lười thành một sinh viên chăm chỉ được. Vì đi học mà động cơ chính là vì điểm danh thì sinh viên làm sao có thể chăm chú nghe giảng hay chuẩn bị bài trước khi lên lớp, về nhà chắc cũng không đọc lại bài giảng.


Ở trình độ đại học mà còn lười, không xác định việc học hay làm quan trọng hơn, vậy thì những sinh viên đó nếu nương tay thì khi ra trường chỉ là các sản phẩm cử nhân kém chất lượng.

 

Cũng với ý tưởng giản đơn như trungkien5a thành viên handoichangbiettrachai không ngần ngại đưa ra quan điểm khai giảng năm học mới không nhất thiết là ngày 5/9 và đưa ra ý tưởng “Thay đổi ngày khai giảng với những lập luận cho rằng có quá phiền toái khi cứ “rập khuôn” lấy ngày 5/9 hằng năm làm ngày khai trường.

 

“Mấy thầy cô đi dạy không biết sao chứ, cái lịch báo giảng của tôi nó cứ lộn xộn do cái ngày 5 tháng 9. Chuyện là ở chỗ ngày dạy đầu tiên bắt đầu vào giữa tuần nên các bài học giữa các lớp không đều nhau, lớp nhanh lớp chậm. Vậy sao mình không chọn ngày thứ 2 của tuần đầu tiên trong tháng 9 để khai niên học mới cho đỡ lộn xộn nhỉ? Đôi khi ngày 5/9 có năm lại rơi đúng ngày chủ nhật mà mình vẫn chào cờ khai giảng bình thường mới khổ chứ?”

 

Với ý tưởng “Nên có một cuộc thi cho NV2” thành viên thanhth hi vọng có thể giải quyết được tình trạng nguyện vọng ảo và sinh viên đến “trú tạm” ở các trường ĐH, CĐ rồi năm sau thi lại.

 

“Để tránh NV2 là NV ảo thì ta nên tổ chức một cuộc thi cho những học sinh đạt từ điểm sàn trở lên. Tất các thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên dược đánh số báo danh từ 1 đến hết và chỉ khi đến gần đến ngày thi thì mới đăng kí tên trường NV2. Kì thi sẽ được tổ chức như kì thi ĐH. Có như vậy thì sẽ không còn NV ảo các trường cũng không lo hoc sinh chỉ đến chú chân ở các trường 1 năm rồi lại đi mất”.

 

Ý tưởng có khả năng triển khai nhất

 

Mặc dù Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân vừa mới thông báo Bộ đang có lộ trình bỏ kì thi ĐH, CĐ vào năm 2009 nhưng với ý tưởng “Thi Tú tài bằng trắc nghiệm và có thể bỏ thi tuyển sinh đại học” của thành viên nguyenhoang.hue đã được post lên diễn đàn vào ngày 13/1/2005 đã cho thấy sự khả thi của ý tưởng này.

 

Nguyenhoang.hue đã đưa ra quan điểm: “Học sinh và phụ huynh mong muốn có được một kỳ thi công bằng, đánh giá đúng kết quả, năng lực học tập của học sinh đối với Tú tài hay tuyển sinh đại học. Những năm qua việc thi cử gặp nhiều phức tạp, dư luận xã hội cũng lắm. Tại sao ta không làm như thế này?”

 

Để làm được điều này thành viên nguyenhoang.hue đã đưa ra giải pháp ý tưởng: “Về thi Tú tài: Tất cả các môn đều thi trắc nghiệm. Bộ dành sức lực tập trung ra đề thi cho tốt, các Sở GD-ĐT và trường phổ thông tổ chức coi thi cho nghiêm túc, khoa học. Chấm thi thì dùng máy, bảo đảm chính xác, khách quan. Đề thi có thể ra nhiều câu, trải khắp chương trình học, đánh giá được những kiến thức tối thiểu của chương trình phổ thông mà học sinh phải nắm được để đạt điểm trung bình.

 

Về thi đại học: Dành cho các trường đại học tự tổ chức. Trường nào, ngành nào mang tính đặc thù hoặc nhiều học sinh chọn thì tổ chức thi để tuyển các em giỏi. Các môn thi có thể do trường tự chọn kết hợp với kết quả thi phổ thông.

 

Ví dụ, đối với trường ĐH Bách khoa có thể yêu cầu tốt nghiệp phổ thông loại khá trở lên, điểm toán, lý, hóa phải từ 7 điểm trở lên mới được nộp hồ sơ dự thi. Trường ĐH Y  Hà Nôi yêu cầu tương tự…

 

Các trường khác có thể không cần thi mà chỉ cần xét tuyển. Ví dụ vào ngành Báo chí chỉ cần kết quả phổ thông trung bình nhưng môn Văn phải 8 điểm trở lên, có thể yêu cầu làm một bài kiểm tra về nhận định tình hình xã hội trong nước, thế giới; Ngành Sư phạm Toán yêu cầu môn toán, lý phải 8 điểm trở lên, đồng thời tổ chức thi vấn đáp để kiểm tra thể hình, cách diễn đạt ngôn ngữ và phải làm một bài luận nhận định về ý thức nghề nghiệp, tình hình giáo dục của đất nước…”

 

Ý tưởng gây tranh cãi

 

Hiện nay giáo viên biên soạn giáo án bằng viết tay đã gây mất nhiều thời gian và mỗi năm phải làm đi làm lại..., đây cũng là nguyên nhân xuất hiện ý tưởng “Soạn giáo án bằng đánh máy”. Với việc giáo án đánh máy dễ dàng thay đổi khi có sai sót, giáo viên có thể sử dụng lại... tưởng chừng sẽ được nhiều người ủng hộ. Song với những lập luận trái chiều như: giáo án đánh máy dễ copy, tạo điều kiện cho những giáo viên thiếu “năng lực” nương dựa… đã không ít ý kiến gay gắt xung quanh ý tưởng này.

 

Tôi là một giáo viên của một tỉnh ở ĐBSCL. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên công nghệ thông tin nhưng Bộ Giáo dục chưa có văn bản nào cho phép sử dụng máy tính để soạn giáo án… - Thành viên gvyeutinhoc, người đưa ra ý tưởng biên soạn giáo án bằng đánh máy tâm sự.

 

“Xin hỏi thành viên gvyeutinhoc, khi đi dạy bác có mang giáo án không? Có sử dụng giáo án không? Có bám sát nội dung trong giáo án không? Và giáo án của bác do bác nghĩ ra hay cũng đi chép lại của các bậc tiền bối?” - Đây là những câu hỏi của thành viên muoiba xung quanh ý tưởng sử dụng giáo án đánh máy khi boăn khoăn hiện tượng copy giáo án xảy ra.

 

Bên cạnh đó, có những người vừa đồng tình vừa kèm theo những nỗi âu lo: “Dù viết bằng tay hay đánh máy thì cũng như nhau thôi vì chẳng giáo viên nào vừa dạy vừa nhìn giáo án (viết trên giấy) cả. Quan trọng là chúng ta dùng máy vi tính (bao gồm các phần mềm ứng dụng cần thiết) vào các nội dung nào của bài giảng để tạo hiệu quả tốt nhất cho sự tiếp thu của học sinh và thuận lợi cho sự cập nhật của mình. Một điều nữa là nhà trường có phương tiện cho mình giảng dạy khi dùng máy vi tính hay không?


Việc nhà trường không đồng ý soạn giáo án bằng máy vi tính, theo tôi nghĩ quan điểm này sớm muộn gì cũng phải từ bỏ. Tôi xin mạnh dạn góp ý với bạn rằng nếu có điều kiện bạn cứ soạn giáo án bằng máy tính, soạn theo cách của mình và soạn cho học sinh của mình học” - Thành viên Mai_Hoa đề xuất.

 

***

Như vậy, cho dù những ý tưởng có thể thành hiện thực hoặc không nhưng nếu ai cũng tâm huyết nêu ra những ý tưởng của mình và những người làm công tác quản lý giáo dục chịu khó lắng nghe và phân tích những vấn đề đó thì nó cũng là tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà.

 

Nguyễn Hùng