“Ngán” học sinh đỗ lớp 10 xong là chuyển trường

(Dân trí) - Thi xong lớp 10, theo học một thời gian là không ít học sinh phổ thông ở TPHCM tìm cách "nhảy" sang trường khác. "Chiêu thức" này không chỉ gây xáo trộn ở trường học mà còn "lấy" mất cơ hội học tập của những học sinh khác.

Vào rồi tìm đường... ra đi 

Những năm gần đây, trong hồ sơ tuyển sinh lớp 10 của nhiều trường THPT ở TPHCM có kèm theo bản cam kết không chuyển trường cho con trong 3 năm học ở trường dành cho phụ huynh. Yêu cầu này từng gây phản ứng từ phía phụ huynh khi họ cho rằng mình bị gây khó dễ trong việc chuyển trường cho con. 

“Ngán” học sinh đỗ lớp 10 xong là chuyển trường - 1

Học sinh ở TPHCM trong kỳ thi vào lớp 10 các năm trước

Như Trường THPT Thạnh Lộc, Q.12, Trường THPT Gò Vấp..., khi phụ huynh nộp hồ sơ nhập học lớp 10, nhà trường phát bản cam kết cho phụ huynh không chuyển trường cho con trong những năm học phổ thông tại trường.

Lý giải về cam kết này, lãnh đạo các trường cho biết, nhằm ngăn thực trạng học sinh (HS) vào học một thời gian là các em chuyển trường, không tôn trọng quá trình đào tạo của trường. Điều này ảnh hưởng đến sĩ số và kế hoạch đào tạo của trường. Có những trường, sau một học kỳ là... "rớt" hàng loạt HS với lý do xin chuyển trường. 

Nhà trường đưa ra cam kết này với mục đích mong muốn phụ huynh và HS hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng, nghiêm túc quyết định trước khi vào học ở trường. 

Thực trạng "vào học rồi... nhảy" thường diễn ra ở nhiều trường vùng ven, những trường có điểm đầu vào lớp 10 thấp. Cả HS ở các quận huyện trung tâm, đăng ký nguyện vọng vào trường vùng xa, có điểm đầu vào thấp để "chắc ăn" một suất ở lớp 10 công lập, sau đó làm hồ sơ để chuyển trường. 

Hiệu trưởng một Trường THPT ở Bình Chánh cho hay, ngoài vài lý do bất khả kháng thì việc chuyển trường của nhiều HS nằm trong "kế hoạch dài hơi" của gia đình. Các em đăng ký vào một trường đầu vào thấp, có thể là xa nhà để đảo bảo việc đỗ. Sau một thời gian thì... xin sang trường khác. 

"Đây cũng là cũng một hình thức "chạy trường". Làm mất cơ hội học tập của người khác và xáo trộn kế hoạch của nhà trường", ông nói. 

Chạy trường, "lấn" chỗ học 

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM xác nhận, nhiều năm qua đều xảy tình trạng HS ở các quận trung tâm "đá sân" vào các trường vùng ven, ngoại thành xa nhà ảnh hưởng đến việc đi lại trong học tập cũng như công tác tuyển sinh. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, đây là một vấn đề Sở đề cập rất nhiều với các Phòng GD-ĐT và hiệu trưởng các trường THCS trong việc tư vấn không để HS đăng ký nguyện vọng vào những trường quá xa gây khó khăn trong việc đi lại. 

“Ngán” học sinh đỗ lớp 10 xong là chuyển trường - 2

TPHCM đang thực hiện mọi cách để "ngăn" học sinh đăng ký vào lớp 10 không đúng nguyện vọng, điều kiện học tập (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, ông Hiếu nhấn mạnh việc HS chọn sai nguyện vọng còn ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng HS và suất học của HS trên địa bàn quận huyện khác. Các em "lấn" sang các khu vực khác cũng đồng nghĩa với việc HS tại địa bàn đó mất cơ hội để đậu, theo học trường gần nhà. 

Trong hướng dẫn thi tuyển lớp 10 năm học 2019 - 2020 mới đây của Sở GD-ĐT TPHCM đã "bôi đậm" yêu cầu các quận huyện, các trường rà soát số liệu nguyện vọng đã đăng ký của HS trên địa bàn. Đặc biệt, đối với những trường hợp HS đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 THPT xa nơi cư trú, Hiệu trưởng Trường THCS tư vấn riêng với phụ huynh HS, đề nghị phụ huynh chứng minh điều kiện đảm bảo cho HS học tập tại trường đã đăng ký theo nguyện vọng, cam kết không thay đổi nguyện vọng khi đã trúng tuyển.

Năm học này, TPHCM có khoảng 105.000 HS lớp 9 nhưng chỉ có khoảng 70.000 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập. 35.000 HS sẽ mất chỗ học ở lớp 10 công lập dự báo đây là một kỳ thi rất căng thẳng của HS thành phố. Và cũng dự báo có nhiều chiêu "tận dụng" kẽ hở, lách luật. 

Theo một hiệu trưởng ở Bình Chánh, cuộc thi căng như vậy nhưng chưa thể ngăn triệt để tình trạng các em thi vào trường đầu vào thấp không đúng nguyện vọng, sau "nhảy" sang trường đầu vào cao.

Theo ông, cần có quy định về chuyển trường để ngăn kẽ hở này. Cần quy định HS chỉ được tiếp nhận ở những ngôi trường có mức điểm đầu vào tương đương hoặc cùng lắm chỉ cao hơn 1 - 2 điểm thì mới có thể ngăn được việc "thi ngoại thành rồi "chạy" về gần". 

Hoài Nam