Nghệ An: Nhiều băn khoăn khi đưa bài thi tổ hợp vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10

(Dân trí) - Ngoài 2 môn bắt buộc là Toán, Văn, môn thi thứ ba của kì thi tuyển sinh lớp 10 tại Nghệ An là môn tổ hợp, theo hình thức trắc nghiệm. Thông tin này nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh và giáo viên.

Đổi mới tổ chức thi

Bắt đầu từ năm học 2017 - 2018, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Nghệ An, ngoài 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, môn thứ ba sẽ là môn tổ hợp, theo hình thức trắc nghiệm. Đây được xem là quyết tâm của ngành giáo dục Nghệ An trong đổi mới tổ chức các kỳ thi, phù hợp với đổi mới dạy học, đánh giá học sinh thời gian qua và tiệm cận, chuẩn bị cho việc triển khai chương trình phổ thông mới trong thời gian sắp tới.

Dự kiến, bài thi tổ hợp sẽ thi trong thời gian 90 phút, số lượng 50 câu gồm 3 môn thành phần: Ngoại ngữ (20 câu hỏi), 1 trong số các môn Khoa học tự nhiên (15 câu hỏi), và 1 trong số các môn Khoa học xã hội (15 câu hỏi). Ngoại trừ môn Ngoại ngữ, 2 môn thành phần còn lại của bài thi tổ hợp sẽ được chọn bằng hình thức bốc thăm và dự kiến sẽ công bố vào trung tuần tháng 4/2018.

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2017-2018 ở điểm thi Trường THPT Thanh Chương (Nghệ An)
Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2017-2018 ở điểm thi Trường THPT Thanh Chương (Nghệ An)

Tránh học lệch, phát triển toàn diện học sinh

Theo NGƯT Phạm Huy Đức (TP Vinh), môn tổ hợp với hình thức thi trắc nghiệm là một chủ trương đúng. Thực tế lâu nay, một số trường chú trọng dạy và học những môn có tổ chức thi và xem nhẹ các môn văn hóa còn lại. Cách dạy và học này ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển toàn diện của học sinh.

“Cá nhân tôi thấy đổi mới hình thức thi là điều cần thiết nhưng vấn đề đặt ra là tổ chức thi như thế nào? Thực tế, ngay ở kỳ thi THPT Quốc gia, chúng ta gọi là bài thi tổ hợp nhưng bản chất là thi nhiều môn trong một bài thi. Chính vì lẽ đó, đặt trong trường hợp các em học sinh đang ở độ tuổi THCS, ngành giáo dục phải tính toán kỹ càng, tránh tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh”, nhà giáo Phạm Huy Đức phát biểu.

Bằng việc đưa bài thi tổ hợp vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, ngành giáo dục Nghệ An kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề học lệch, xem nhẹ một số môn không nằm trong các môn thi và hướng tới đào tạo học sinh theo hướng phát triển toàn diện
Bằng việc đưa bài thi tổ hợp vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, ngành giáo dục Nghệ An kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề học lệch, xem nhẹ một số môn không nằm trong các môn thi và hướng tới đào tạo học sinh theo hướng phát triển toàn diện

Cô giáo Lê Thị Oanh (Trường THCS Diễn Hồng, Diễn Châu Nghệ An) cũng cho rằng, môn Ngoại ngữ thường phù hợp với học sinh tại thành phố, thị xã, nơi có điều kiện học và rèn luyện môn học này tốt hơn. Do vậy, dùng bài thi chung để lấy điểm xét tuyển cho các em học sinh “vùng trũng” ngoại ngữ là thiệt thòi cho các em.

“Từ thực tế này, tôi nghĩ rằng, nếu triển khai môn tổ hợp sẽ công bằng cho tất cả các học sinh, công bằng cho các vùng miền và việc đánh giá học sinh sẽ khách quan hơn”, cô Oanh cho biết.

Cô Oanh cũng cho rằng, Sở GD&ĐT cần sớm hướng dẫn cụ thể trong chương trình nhiệm vụ năm học; giới hạn nội dung trọng tâm, phạm vi kiến thức để công tác ôn tập, dạy học, có hiệu quả; công bố mẫu đề minh họa theo cấu trúc đề thi chính thức để giáo viên và học sinh làm quen với hình thức thi mới này.

Giảm tải hay tạo áp lực?

So với các bạn trong lớp, em Đặng Thị Thơ (lớp 9, Trường THCS Trung Thành, Yên Thành, Nghệ An) được giáo viên đánh giá học khá môn Tiếng Anh. Tuy nhiên, để giành được một suất vào trường cấp ba top đầu của huyện, Thơ không tự tin mình sẽ vượt qua các bạn ở thị trấn, nơi có điều kiện học ngoại ngữ tốt hơn.

“Bài thi tổ hợp bằng hình thức trắc nghiệm sẽ giúp chúng em dễ “gỡ điểm” hơn so với thi môn Tiếng Anh. Nhưng thi tổ hợp, đồng nghĩa với học ôn nhiều môn thi cùng một lúc. Thay vì ôn luyện 3 môn như trước, chúng em phải ôn cả 5 môn nên em khá lo lắng trước thông tin này”, Thơ cho hay.

Tuy nhiên, việc đưa bài thi tổ hợp với nội dung nhiều môn học vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 khiến các phụ huynh cũng như học sinh khá lo lắng vì khối lượng kiến thức thi khá rộng (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, việc đưa bài thi tổ hợp với nội dung nhiều môn học vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 khiến các phụ huynh cũng như học sinh khá lo lắng vì khối lượng kiến thức thi khá rộng (ảnh minh họa)

Trước thông tin con gái phải thi môn tổ hợp kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT sắp tới, chị Hoàng Thị Luyên (mẹ của Thơ) cũng hơi băn khoăn. “Đồng ý là thi tổ hợp buộc các cháu phải học nghiêm túc tất cả các môn, không thể học lệch được nhưng việc thay đổi đột ngột như thế này, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh chưa hình dung được, chưa chuẩn bị được tâm lý liệu có đáp ứng yêu cầu của kỳ thi không?”, chị Luyên đặt câu hỏi.

Nhiều phụ huynh cũng tỏ ra băn khoăn trước thông tin sẽ thi môn tổ hợp trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT. Việc tổ chức theo hình thức này đang biến các em thành “chuột bạch” và đi ngược với chủ trương giảm áp lực thi cử như Bộ GD&ĐT đã đề ra.

Để “theo kịp” hình thức thi mới này, đòi hỏi giáo viên cũng phải làm quen với cách dạy, cách ra đề kiểm tra, các ôn tập… để học sinh đáp ứng được yêu cầu của môn thi tổ hợp. Điều này cũng khiến giáo viên phải chịu áp lực không nhỏ, liệu có đủ tâm trí, thời gian để hoàn thành tốt việc dạy học từng môn thành phần trong tổ hợp không?

Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Việc thực hiện kỳ thi nhằm hướng tới giáo dục toàn diện và kiểm tra kiến thức học sinh một cách tổng thể, để học sinh có một động lực để học, tìm tòi và phát huy khả năng của mình. Bên cạnh đó, việc tổ chức thi với môn thi tổ hợp bằng hình thức trắc nghiệm cũng tiệm cận với chương trình giáo dục tổng thể mà Chính phủ đã phê duyệt và gần hơn với kỳ thi THPT Quốc gia.

Theo kế hoạch, đến cuối tháng 9 này, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ đưa ra phương án cuối cùng trên cơ sở lắng nghe ý kiến của phụ huynh, giáo viên, các chuyên gia để điều chỉnh phù hợp, không tạo sự hoang mang, áp lực cho phụ huynh, học sinh

Hoàng Lam