Nghệ An: Tổ chức bắt thăm, ngăn “chạy lớp”, “chọn cô”

(Dân trí) - Để khắc phục tình trạng “chạy lớp”, “chọn cô”, từ năm học này, các trường trên địa bàn Nghệ An sẽ tổ chức bắt thăm lớp và giáo viên chủ nhiệm thay vì phân công như trước. Việc bắt thăm lớp sẽ thực hiện với học sinh lớp 1, sau đó sẽ bắt thăm giáo viên chủ nhiệm ở tất cả các khối tiểu học.

Từ ngày 1/8, các trường tiểu học trên địa bàn TP Vinh sẽ tổ chức nhận hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1. Tuy nhiên, cách đây nửa tháng, vợ chồng anh Đ.M.H. (phường Hưng Dũng, TP Vinh) đã nhờ người hỏi xem trường con gái anh chuẩn bị vào học có cô giáo nào dạy giỏi để “tác động” xin cho con vào lớp của cô giáo đó. Gọi là "tác động" nhưng khoản chi phí anh H. dự kiến cũng lên tới dăm ba triệu đồng.

Nghệ An: Tổ chức bắt thăm, ngăn “chạy lớp”, “chọn cô” - 1

Việc bắt thăm chọn lớp hay phân công giáo viên chủ nhiệm sẽ giải quyết được tình trạng "chạy lớp", "chọn cô" diễn ra âm thầm lâu nay (ảnh minh họa).

“Giáo viên dạy giỏi thì con mình dễ tiếp thu hơn, học cũng giỏi hơn. Nếu lớp lộn xộn, sự tiếp thu của các cháu không đồng đều mà cô giáo lại không giỏi thì làm sao con mình giỏi được”, anh H. nói.

Tuy nhiên, ý định ban đầu của vị phụ huynh này sớm “phá sản” khi Phòng GD&ĐT thành phố Vinh ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh năm học 2019 - 2020. Trong đó quy định rõ: đối với các trường tiểu học sẽ tổ chức cho học sinh lớp 1 bắt thăm lớp. Sau đó, các trường sẽ tổ chức bắt thăm giáo viên chủ nhiệm cho các lớp ở tất cả các khối.

Ông Nguyễn Hồng Hoa, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, chủ trương bắt thăm lớp, bắt thăm giáo viên chủ nhiệm sẽ được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Thay đổi này không chỉ nhằm thực hiện đổi mới phương thức tuyển sinh mà còn để đảm bảo công bằng, khách quan cho tất cả học sinh. Đồng thời, tránh tình trạng “chọn trường, chọn lớp” từng diễn ra ở một số địa phương trong những năm qua, gây dư luận xấu và bức xúc trong phụ huynh.

Mặc dù đây là năm đầu tiên TP Vinh có chủ trương bắt thăm phân lớp, phân giáo viên chủ nhiệm nhưng trước áp lực tuyển sinh quá lớn, hình thức này đã được Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 thực hiện suốt 5 năm qua. Phương án này đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo phụ huynh và giáo viên.

Nghệ An: Tổ chức bắt thăm, ngăn “chạy lớp”, “chọn cô” - 2
Đây là năm đầu tiên phương án này được triển khai ở tất cả các trường tiểu học trong toàn tỉnh.

“Thứ nhất, sẽ giảm áp lực cho hiệu trưởng trong mùa tuyển sinh, tránh phải xử lý các mối quan hệ. Bên cạnh đó, cũng sẽ tạo động lực cho giáo viên phấn đấu. Nhiều giáo viên lâu nay không có cơ hội dạy lớp “chọn” họ phải tự vươn lên để đáp ứng được yêu cầu của nhà trường và phụ huynh. Ngược lại, những giáo viên được “ưu tiên” nhờ có năng lực tốt hơn thì tránh được tình trạng công thần, chủ quan”, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 nói.

Tuy nhiên, theo bà Vân, việc triển khai chủ trương bắt thăm phân lớp, phân giáo viên chủ nhiệm cũng cần phải linh hoạt, đặc biệt là đối với các em học sinh học hòa nhập. Với những học sinh bị thiểu năng, khuyết tật… nhà trường sẽ ưu tiên để phân giáo viên phù hợp nhằm đảm bảo sự phát triển tư duy, kỹ năng tốt nhất cho các cháu.

Cùng với việc bắt thăm phân lớp đối với học sinh lớp 1 và bắt thăm phân công giáo viên chủ nhiệm các lớp bậc tiểu học, Nghệ An sẽ tổ chức bắt thăm giáo viên chủ nhiệm lớp 6. Việc phân lớp 6 sẽ thực hiện trên cơ sở năng lực của học sinh, thể hiện qua quá trình học tập những năm tiểu học và khảo sát cuối năm. Sau khi phân lớp xong, các trường sẽ bố trí giáo viên chủ nhiệm theo hình thức bắt thăm.

“Thấy nhiều phụ huynh khác có con vào lớp 1 bàn bạc xem “chạy” cho con vào lớp cô nào dạy tốt, dạy giỏi khiến tôi cũng hoang mang. Cô giáo giỏi, tất nhiên là tốt cho học sinh nhưng mà cứ “chạy” 1 suất 3-5 triệu như họ nói để con được học lớp chọn, cô giỏi thì tôi thấy bất công với các cháu khác. Tôi thấy chủ trương này của ngành giáo dục là hợp lý, tạo được sự công bằng cho các cháu. Tuy nhiên, tôi cũng phân vân bởi nếu không làm quyết liệt, sẽ xảy ra các trường hợp “mua thăm” khiến chủ trương này mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu”, chị Nguyễn Thanh Huyền (trú xã Nghi Kim, TP Vinh) băn khoăn.

Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh, bà Hoàng Thị Phương Thảo - Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh khẳng định: “Tất cả những tiêu chí bố trí lớp, phân công chủ nhiệm, cách thức bốc thăm như thế nào đều được công khai để cho tất cả phụ huynh, học sinh và giáo viên trong trường được biết. Trong quá trình triển khai đều có sự giám sát của phụ huynh học sinh cũng như tất cả các đoàn thể trong nhà trường. Chúng tôi cũng kỳ vọng, sự thay đổi này sẽ giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực, tạo được sự minh bạch trong công tác tuyển sinh năm học này”.

Hoàng Lam