Nghề kiếm tiền rất nhàn của sinh viên Ấn

(Dân trí) - Mùa hè này nhiều sinh viên ở TP New Delhi (Ấn Độ) có một cách kiếm tiền rất nhàn nhã, chỉ cần có khả năng giao tiếp tốt. Mặc những chiếc áo thun có in tên trường, họ dạo quanh khuôn viên trường để cung cấp thông tin các khóa học cho thí sinh…

Nghề kiếm tiền rất nhàn của sinh viên Ấn - 1
Một học sinh đang điền vào đơn đăng ký học trường Đại học Delhi với sự giúp đỡ của mẹ. (Ảnh: Tribune India)
Mới đây, nhiều trường đại học và cơ sở đào tạo tư thục ở thành phố New Delhi (Ấn Độ) trong đó có trường ĐH Delhi đã thuê sinh viên cho các chiến dịch marketing của trường ngay trong khuôn viên trường. Nhiệm vụ của các SV này là mặc những chiếc áo thun hấp dẫn có in tên trường và thuyết phục các SV tương lai về ngôi trường họ sắp học. 

Các trường tổ chức chiến dịch marketing kiểu này với mục đích chính là thu thập thông tin về các SV tương lai. Các trường tuyển SV làm nhân viên marketing thường chú trọng đến kỹ năng giao tiếp của các ứng viên. Vào cuối mỗi ngày, các nhân viên marketing không chuyên này chuyển thông tin về các khóa học mà thí sinh quan tâm cho nhà trường để nhà trường lưu làm dữ liệu tham khảo. 

Các SV được thuê làm marketing kiểu này được trả từ 200-650 rupi/ngày, tức là họ sẽ kiếm được khoảng 3.000-10.000 rupi (tương đương 1,1 đến 3,7 triệu đồng Việt Nam) trong đợt làm thêm kéo dài nửa tháng.  

Japneet Kaur, sinh viên trường CĐ Vocational Studies hiện làm marketing cho Học viện Hàng không Avalon, cho biết công việc mới này mang lại khoản thu nhập khá hời. Hết đợt làm thêm, Kaur sẽ bỏ túi khoảng 8.000 rupi (3 triệu đồng). 

Còn Anubhav Auditto, làm marketing cho trường ĐH Sharda, hồ hởi tiết lộ về khoản thu nhập 5.000 rupi (1,8 triệu đồng) "ngon lành" của mình.  

Khi được hỏi, những học sinh đi đăng ký học các trường CĐ, ĐH ở New Delhi cho biết họ có những cảm giác khác nhau về chiến dịch marketing "cây nhà lá vườn" của các trường. 

Prateek Aggarwal, 17 tuổi, cho rằng đây là một cách tốt để giới thiệu các cơ hội học tập cho những học sinh còn bỡ ngỡ về thông tin nhà trường cũng như các khóa học. Còn Simran Malhotra, 18 tuổi, thì cho rằng chiến dịch marketing kiểu này thực sự là một mối phiền toái. 

 
Xuân Vũ
Theo Hindustantimes