Nghị định số 99 “cởi trói” như thế nào cho các trường đại học thực hiện tự chủ?

(Dân trí) - Nghị định số 99/2019 hướng dẫn chi tiết tất cả những nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD đại học mà Chính phủ đã ban hành. Vậy Nghị định này sẽ “cởi trói” cho các trường đại học như thế nào? Nếu có vướng mắc sẽ giải quyết ra sao?

Để hiểu rõ hơn về Nghị định số 99/2019 mà Chính phủ vừa ban hành, phóng viên Dân trí đã trao đổi với Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT, Nguyễn Thị Kim Phụng đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định này.

Nghị định số 99 “cởi trói” như thế nào cho các trường đại học thực hiện tự chủ? - 1

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT

Đã tham khảo các trường quốc tế

Phóng viên: Nghị định này đã làm rõ những nội dung Luật số 34 giao cho Chính phủ hướng dẫn chưa thưa bà?

Nghị định số 99/2019 đã thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, hướng dẫn chi tiết tất cả những nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34) quy định cho Chính phủ phải hướng dẫn; gồm 11 nội dung được quy định tại các khoản 3, 4, 10, 12, 13, 15, 17, 23, 24, 28 và 34 Điều 1 của Luật này.

Trong đó, tập trung vào các nội dung: hướng dẫn về hệ thống các cơ sở GDĐH, về hội đồng trường; về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình; về hệ thống văn bằng giáo dục đại học và văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù…

Phóng viên: Điều 4, có qui định về điều kiện nâng một trường đại học thành đại học, trong đó có ghi: “có qui mô đào tạo chính qui trên 15.000 người”, “qui mô đào tạo chính qui của một trường trực thuộc phải tối thiểu 2.000 người”, cơ sở nào để ban soạn thảo đưa ra quy định này thưa bà?

Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Trước hết, căn cứ vào Luật số 34 quy định: Đại học là cơ sở GDĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

Như vậy, đại học phải đào tạo nhiều lĩnh vực, trong mỗi lĩnh vực phải có nhiều ngành… để có thể thực hiện những nghiên cứu, những nhiệm vụ liên ngành góp phần giải quyết các vấn đề thực tế của quốc gia, vùng miền. Trong đó, mỗi lĩnh vực, mỗi ngành của đại học phải thực sự đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thu hút được một lượng người học nhất định.

Để xác định con số cụ thể phải căn cứ vào thực tế của hệ thống GDĐH ở VN và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Ví dụ, ở Australia, các University đều có quy mô từ hơn 30 ngàn người học trở lên.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngoài 5 đại học đã có, cần đối chiếu thực tế phần lớn các trường trong toàn hệ thống với các kịch bản dự kiến khi dự thảo Nghị định để xác định các điều kiện trong Nghị định sao cho vừa phải đảm bảo khả thi ở Việt nam, vừa tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Phóng viên: Vì sao phải có ý kiến của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập mới được nâng từ trường đại học thành đại học?

Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Cơ quan quản lý trực tiếp là cơ quan giúp Nhà nước thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu đối với tài sản công trong các cơ sở GDĐH công lập.

Trong nhiều quy định của Luật số 34 và Nghị định số 99/2019, chủ sở hữu (đối với các trường tư) và cơ quan quản lý có thẩm quyền (đối với các trường công) được quy định song song như quyền yêu cầu, tiếp nhận trách nhiệm giải trình của các trường, cử người vào hội đồng trường, công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường…

Với vai trò đại diện cho quyền sở hữu nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng hiệu quả các tài sản công tại các cơ sở GDĐH công lập như hiện nay thì không thể phủ nhận vai trò của cơ quan quản lý trực tiếp trong việc đầu tư, phát triển trường từ trường đại học thành đại học.

Cơ cu thành viên hội đồng trường chủ yếu do nhà trường quyết định

Phóng viên: Điều 7 về thành lập hội đồng trường là nội dung rất quan trọng và có ghi: “thống nhất về số lượng, cơ cấu thành viên hội đồng trường với đại diện cơ quan quản lý trực tiếp và các thành viên đương nhiên khác của hội đồng trường”....

Tại chỗ này, Nghị định này không nhắc đến tình huống và giải pháp cho tình huống “đại diện cơ quan quản lý trực tiếp không nhất trí với đa số về số lượng, cơ cấu thành viên hội đồng trường” và vì thế, có thể dẫn đến kịch bản kết quả bầu hội đồng trường không được cơ quan quản lý trực tiếp phê chuẩn, thì lúc đó sẽ xử lý thế nào?

Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Việc tập thể lãnh đạo thống nhất về số lượng, cơ cấu thành viên hội đồng trường với đại diện cơ quan quản lý trực tiếp và các thành viên đương nhiên khác của hội đồng trường chỉ đặt ra nếu quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học chưa quy định.

Luật số 34 đã quy định quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học phải quy định về số lượng, cơ cấu thành viên hội đồng trường; mà quy chế này do hiệu trưởng tổ chức xây dựng và trình hội đồng trường ban hành sau khi lấy ý kiến của của các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong trường.

Như vậy, số lượng, cơ cấu thành viên hội đồng trường chủ yếu do nhà trường quyết định.

Quy định trên chỉ dự phòng trong trường hợp bầu hội đồng trường nhiệm kỳ đầu tiên theo Luật số 34, có trường chưa sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy chế tổ chức và hoạt động thì vẫn có cơ chế để thực hiện chứ không phải chờ ban hành quy chế mới.

Hơn nữa, Luật số 34 cũng đã quy định khá rõ về số lượng, cơ cấu thành viên hội đồng trường ở mức tối thiểu; đó là cơ sở để các bên thống nhất ở mức cao hơn hoặc thực hiện theo Luật khi không thể thống nhất.

Nếu hội đồng trường đã được bầu theo đúng quy định thì cơ quan quản lý trực tiếp có trách nhiệm công nhận; nếu không công nhận thì cơ quan quản lý phải giải trình lý do không công nhận.

Nếu không có lý do luật định thì cũng không có lý do để cơ quan quản lý trực tiếp không công nhận hội đồng trường.

Nghị định 99 sẽ "lỗi thời" nếu liệt kê cụ thể

Phóng viên: Cũng tại Điều 7, qui định thủ tục quyết định nhân sự hiệu trưởng có nội dung “phù hợp với qui định của Đảng và pháp luật có liên quan”. Tình trạng cứ nói chung chung là “theo qui định của Đảng và pháp luật có liên quan”, mà không nói rõ là qui định nào?

Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Luật số 34 đã quy định thủ tục hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng trường đại học phải đặt trong quy trình bổ nhiệm nhân sự của trường.

Trong đó, trước hết là các quy định của pháp luật về bổ nhiệm nhân sự đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị chuyên trách của nhà trường sẽ phải nắm được ở từng thời điểm, liên quan đến bổ nhiệm nhân sự hiệu trưởng là quy định nào.

 Nghị định số 99/2019 không thể liệt kê ra những quy định nào chi phối vấn đề này bởi một số quy định liên quan (VD như Nghị định số 41/2012/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập) cũng đang được sửa đổi, bổ sung nên nếu liệt kê trong Nghị định 99 này sẽ làm cho nó mau bị “lỗi thời”.

Theo quy định hiện hành thì các cơ sở GDĐH đều phải có đơn vị phụ trách về công tác pháp chế theo dõi những quy định mà nhà trường phải tuân thủ trong các hoạt động nên không nên lo lắng về việc các trường không rõ quy định nào.

Phóng viên: Trong Nghị định có quy định (điều 10), trong 3 năm gần nhất, cơ sở GDĐH công bố trung bình mỗi năm từ 100 bài báo trở lên và đạt tỷ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu công bố mỗi năm từ 0,3 bài trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định danh mục tạp chí khoa học có uy tín làm cơ sở công nhận tiêu chí này”. Vì sao Ban soạn thảo, không  bổ sung thêm Bộ khoa học công nghệ vì Bộ này đang quản lý hoạt động khoa học-công nghệ trong toàn quốc, trong đó có hoạt động khoa học-công nghệ của các trường đại học?

Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Bộ GDĐT được Chính phủ giao nhiệm vụ này vì Bộ GDĐT là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về GDĐH.

Các bộ khác, trong đó có Bộ KHCN là cơ quan phối hợp với Bộ GDĐT thực hiện quản lý nhà nước về GDĐH trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Mỗi việc chỉ nên có 1 đầu mối quản lý để rõ ràng về quyền và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Trong trường hợp xem xét tiêu chí để công nhận cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu thì giao cho Bộ GDĐT là phù hợp với chức năng nhiệm vụ đã được phân công trong các cơ quan thuộc Chính phủ. Điều đó cũng không loại trừ vai trò phối hợp của cơ quan quản lý ngành/lĩnh vực là Bộ KHCN trong quá trình thực hiện.

Bằng bác sĩ, kỹ sư sẽ khác bằng cử nhân

Phóng viên: Với quy định về văn bằng chứng chỉ thì  những chương trình đào tạo đại học kéo dài 5 - 6 năm, các trường hợp tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, kiến trúc sư…sẽ có trình độ tương đương bậc 7 của người có bằng thạc sĩ có phải vậy không thưa bà?

Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Nghị định 99 đã đưa ra quy định có tính nguyên tắc (tại khoản 2 điều 14): căn cứ quy định về điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác trong chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH theo quy định của Bộ GD-ĐT, người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù được xếp vào bậc tương ứng trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Vì vậy, xác định văn bằng nào nằm ở bậc 6 hay bậc 7, thì phải xem xét đồng thời các tiêu chuẩn được quy định nêu trên chứ không chỉ dựa vào khối lượng học tập, không quy đơn giản tính từ số tín chỉ hay số năm học ra trình độ được đào tạo.

Trong năm 2020, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư quy định chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của GDĐH. Chuẩn chương trình này sẽ bao gồm chuẩn đầu vào, chuẩn khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn GV, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác (ví dụ như chuẩn về phát triển chương trình, chuẩn điều kiện thực hiện chương trình, kiểm tra đánh giá)...

Mỗi trình độ đều có chuẩn riêng, những chuẩn này không phải đợi đến khi ban hành thông tư mới có hay chưa bao giờ có, mà thực tế, các chuẩn cơ bản đã có rồi nhưng chưa được tập hợp đầy đủ trong một văn bản. Ví dụ chuẩn đầu vào, chuẩn khổi lượng học tập, chuẩn đầu ra đã có trong Khung trình độ quốc gia, chuẩn giảng viên có trong Luật GDĐH...

Khi Bộ GDĐT ban hành thông tư nêu trên sẽ quy định cụ thể, chi tiết hơn và phải phù hợp với các văn bản có hiệu lực cao hơn nêu trên. Bác sĩ, kỹ sư dược sĩ, kiến trúc sư… có được coi là tương đương thạc sĩ hay không thì phải căn cứ vào thực tế chương trình đào tạo chuyên sâu nêu trên và chuẩn chương trình của trình độ ThS.

Nhưng chắc chắn một điều, bằng bác sĩ, kỹ sư theo đúng chuẩn tại Nghị định này sẽ khác với bằng cử nhân.

Quyền tự chủ sẽ được quy định đồng bộ

Phóng viên: Theo bà, Nghị định này đã thực sự cởi trói được bao nhiêu phần trăm cho các đại học trên con đường tự chủ bởi hiện nay, bởi nhiều ý kiến cho rằng, để triển khai thực thi hiệu quả Luật này sẽ khó vì vướng nhiều luật khác, ví dụ như quy định của Bộ Tài chính, vậy lúc đó cơ quan quản lý Bộ GD&ĐT có giúp đỡ, tháo gỡ cho các trường?

 Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Nghị định số 99/2019 đã hướng dẫn chi tiết những vấn đề mà Luật số 34 quy định Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn, đặc biệt là thực hiện chủ trương mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH.

Những nội dung hướng dẫn chi tiết về quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn của các trường ĐH đã được thể hiện khá rõ trong Nghị định.

Những vấn đề liên quan đến nhân sự, tài chính, các trường thực hiện theo những quy định chung của Luật số 34, Nghị định này và các quy định hiện hành. Nghị định 99/2019 cũng mở rộng quy định cho cơ sở GDĐH công lập có quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng không được làm tăng số lượng người làm việc hưởng lương, mức lương, phụ cấp từ quỹ lương do ngân sách nhà nước cấp.

Trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành các nghị định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH công lập sẽ được quy định đồng bộ.

Xin trân trọng cám ơn bà!

Hồng Hạnh (thực hiện)