Thanh Hóa:

Nghị lực của cậu học trò mồ côi nơi vùng biên

(Dân trí) -Mồ côi bố mẹ từ khi còn nhỏ, cuộc sống vốn khó khăn vất vả, nhưng với nghị lực vượt khó, em Hơ Văn Pó (sinh năm 1996, học sinh lớp 12B, Trường THPT Mường Lát, Thanh Hóa) không quản ngại khó khăn vất vả, sống tự lập một mình trên hành trình tìm con chữ.

Lần đầu gặp cậu học sinh nơi vùng biên, ấn tượng đầu tiên của tôi về Pó là dáng người cao gầy, trò chuyện hơi nhút nhát. Sau những phút làm quen, Pó mới trò chuyện cởi mở hơn.

Pó là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Ở huyện vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa), cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, nhà Pó cũng vậy, nằm ở mãi bản Cơm, xã Pù Nhi, cuộc sống quanh năm chủ yếu chỉ dựa vào cây ngô, cây sắn.

Nhà Pó có 5 anh chị em, nhưng không anh chị nào được đi học, phần vì gia đình quá nghèo, phần vì nếu các anh chị đi học thì sẽ không có ai đi làm nương, làm rẫy. Riêng Pó là con út, nên các anh các chị xin cho bố mẹ cho Pó được đi học, kiếm con chữ về còn mở mang với bản với làng.

Năm lên 9 tuổi, mẹ Pó bị bệnh qua đời, chẳng lâu sau đó, năm 2009, bố em cũng rời bỏ anh em Pó mà đi. Hiện các anh chị đã lập gia đình, Pó về ở cùng với anh trai thứ 2. Thương em út còn nhỏ đã mồ côi, lại thích đi học, nên các anh em trong gia đình, mặc dù nghèo khó những vẫn cố gắng lo cho Pó đi học tiếp.

Năm vào cấp 3, để được đến trường, Pó phải đi bộ hơn 17km, thấy trường mới xây dựng chỗ nội trú, nên Pó xin vào ở. Ý thức được bản thân phải cố gắng học hành, cũng như tự lập trong cuộc sống nên Pó luôn gắng hết sức mình.

Nhà anh trai thứ 2 của Pó, có một cậu con trai cũng bằng tuổi Pó, lúc xuống học cấp 3, hai chú cháu Pó đều đi học, nhưng sau đấy vì điều kiện không cho phép, nên phải bỏ học ở nhà làm nương rẫy. Thấy gia đình anh chị khó khăn, Pó cũng có ý định bỏ học về quê làm nương giúp anh chị, nhưng anh chị nhất quyết không cho Pó bỏ học, bảo phải cố gắng học hành thật tốt.

Xuống học ở trường cấp 3, vì xa nhà, điều kiện khó khăn, mỗi tuần Pó thường về nhà một lần, mỗi lần em mang 12 bát gạo theo, một ít măng khô, cùng với vài ba chục nghìn đồng. Không phụ lòng của anh chị em trong nhà, từ khi học cấp 2 cho đến cấp 3, năm nào Pó cũng đạt học sinh tiến tiến xuất sắc của trường.
 Buổi Pó thường tập trung cho việc học hành.
Em Hơ Văn Pó bên góc học tập.

Để có thêm tiền sinh hoạt và mua đồ dùng học tập, cứ mỗi khi xuống trường, một buổi đi học, một buổi Pó lại tranh thủ xin đi làm thuê. Lúc thì Pó xin đi xúc cát cho xe tải, mỗi một buổi như vậy cũng được khoảng 40 nghìn đồng. Nếu không có ai xe chở cát, Pó lại lên rừng kiếm củi về bán hoặc đi làm thuê cho nhà thu mua phế liệu.

Có những hôm, đang kiếm củi trên rừng trời mưa to như trút nước, một mình em trong khu rừng tối om, nhưng vẫn cố gắng xuống núi để mang củi đi bán lấy tiền mua đồ ăn.

Pó cho biết: “Hôm trước đi làm thuê, góp mãi mua được cái máy tính casio với một bạn nữa đóng chung tiền mua sách học. Nếu không đi làm thì không có tiền mua sách vở. Nhà anh chị khó khăn lắm, phải đi làm thuê mới có tiền”.

Bữa cơm của cậu học trò nghèo, cũng như bao đám bạn học chung trường, sang nhất chỉ là bữa cơm có tý nước mắm, một ít măng rừng, nếu hôm nào nước sông Mã xuống cạn thì đi nhặt ít rêu về đồ lên ăn.

Khi được hỏi về ước mơ sau này, Pó cho biết, nếu thi vào đại học, thì em sẽ thi vào Học viện An ninh hoặc Hải quân, chứ nếu thi vào các trường khác thì nhà em sẽ không có điều kiện kinh tế để nuôi em ăn học.

Trong các môn học thì Pó học được các môn về khối A nhất. Muốn đi thi ĐH là một chuyện, nhưng em cũng đang trăn trở suy nghĩ sẽ lấy đâu ra kinh phí đi thi. Những ngày đầu năm học mới, chưa phải học thêm, nên Pó tranh thủ đi kiếm thêm việc làm, ai thuê gì em cũng làm, miễn là có tiền để em tích góp, dành dụm thực hiện ước mơ sau này.

Đức Văn