Người đi qua những ngôi trường “nổi tiếng”...

(Dân trí) - Đối mặt với thực tế, “mềm mại” trong công tác quản lý sẽ làm cho chất lượng nền giáo dục đi lên. Đây chính là phương châm của cô giáo Trần Thị Kim Liên, người có nhiều thành tích trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy ở những ngôi trường “nổi tiếng”.

Ký ức không thể quên…

Vì được sự tín nhiệm của cấp trên nên cô giáo Kim Liên (hiện đang Hiệu trưởng trường THCS Đống Đa, Hà Nội) luôn bị điều động đi xây dựng những đơn vị trường học lúc khó khăn nhất.

Đó là khi nhập hai trường Kim Liên với Đống Đa giáo viên chưa hòa hợp, các tập thể lớn thường có mâu thuẫn cục bộ cần phải xây dựng nếp làm việc mới. Hay như đi xây dựng trường chuyên của quận - trường chuyên Nguyễn Trường Tộ - khi chưa có một bộ bàn ghế, mọi thứ phải bắt tay từ đầu. Và gian nan hơn cả đó là được điều động đến đơn vị khó khăn nhất quận - trường THCS Huy Văn để vực lên.

Ký ức đáng nhớ nhất của cô giáo Kim Liên trong suốt hơn 30 năm làm công tác giảng dạy cũng như quản lý đó chính là ngôi trường THCS thân thương Huy Văn năm nào.

Tháng 8/2000, cô giáo Kim Liên được điều động về làm Hiệu trưởng trường THCS Huy Văn, một ngôi trường khó khăn nhất quận Đống Đa, luôn xếp hạng thứ 16/17 trường trong quận. Với đặc điểm trường được sát nhập từ hai trường Văn Chương và Huy Văn nên nề nếp phong cách cũng như nhiều vấn đề khó khăn nảy sinh.

“Khi chứng kiến cảnh học sinh đến rồi lại đi, giáo viên thừa, cơ sở vật chất của trường thiếu thốn, nhiều học sinh không chịu đóng học phí… tôi đã biết sẽ rất khó khăn khi “vực” ngôi trường này lên. Nhưng nhờ sự quyết tâm của tập thể cũng như tinh thần đoàn kết của phụ huynh, học sinh mà chỉ cần 5 tháng chúng tôi đã có thể thay đổi bộ mặt ngôi trường”, cô Liên tâm sự.

“Sở dĩ lúc đó tôi quyết tâm làm như vậy vì thiết nghĩ chỉ có một ngôi trường khang trang, một đội ngũ giáo viên nhiệt huyết thì mới có thể kéo các em quay lại trường và hào hứng học tập”. Chỉ với phương châm đơn giản nhưng hiệu quả: “Đoàn kết là sức mạnh!”, 5 tháng sau cô giáo Kim Liên đã làm được điều “thần kỳ” đó là kéo học sinh quay trở lại học.

Cô chia sẻ: “Lúc đầu niềm mơ ước của thầy cô là phấn đấu 25 học sinh/lớp và học sinh trung bình đến học là tốt lắm rồi. Nhưng sau khi chúng tôi xây dựng được trường chuẩn thì số học sinh đến học tăng lên 45 học sinh/lớp và sau này là 55 học sinh/lớp. Và điều hạnh phúc nhất là trường đã được các em học sinh giỏi chọn làm nơi học tập”.

Giờ trường THCS Huy Văn đã phát triển vượt lên đạt danh hiệu thi đua trường tiên tiến xuất sắc của quận và của thành phố, trường chuẩn Quốc gia, chuẩn quản lý quốc tế.

Và những ước mơ giản dị…

Trong suốt 34 năm công tác thì có đến 28 năm cô giáo Kim Liên là chiến sĩ thi đua, lao động giỏi, giáo viên giỏi thành phố, 15 năm là quản lý giỏi.

Với những thành tích đ,ó cô đã được nhận Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương vì sự nghiệp xây dựng công đoàn, Huy chương vì thế hệ trẻ…

Trước những cống hiến to lớn của cô, Phòng GD-ĐT quận Đống Đa đã có yêu cầu cô làm hồ sơ để đề nghị tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Tuy nhiên do thời gian quá gấp rút nên cô giáo Kim Liên đã không kịp hoàn tất hồ sơ để có cơ hội nhận được phần thưởng cao quý từ Đảng và cơ quan Nhà nước dành cho đội ngũ nhà giáo.

Khi được chúng tôi chia sẻ, cô giáo Kim Liên chỉ cười tâm sự: “Đối với một người giáo viên thì sự trưởng thành của học trò, sự quý trọng của đồng nghiệp và phụ huynh mới là phần thưởng cao quý. Tôi luôn thấy hạnh phúc khi mình được nhiều bậc phụ huynh gọi là nhà giáo của… nhân dân”.

Trong suốt thời gian làm quản lý thì một trong những điều mà cô giáo Kim Liên trăn trở không nguôi đó là làm thế nào để xã hội hiểu ngành giáo dục một cách đúng đắn.

“Tôi có cơ hội được đi học hỏi ở các nước bạn thì thấy ngành giáo dục nước mình không yếu kém, đội ngũ giáo viên của mình luôn có tiềm lực. Nếu chúng ta đánh thức được những tiềm lực đó thì chắc chắn nền giáo dục nước nhà sẽ có sự thay đổi đáng kể. Để thực hiện được điều đó chúng ta cần sự đồng thuận của toàn xã hội”, cô giáo Kim Liên bộc bạch.

Bên cạnh đó, một niềm mơ ước nho nhỏ của cô Kim Liên đó là làm sao có thể đưa bộ môn bơi lội vào trường học. Đã từng có ý định cho học sinh trường THCS Đống Đa tiếp cận với bộ môn bơi lội nhưng do nhiều yếu tố khách quan cô đành phải gác lại…

“Nếu ngay từ cấp THCS các em đã biết bơi thì chắc chắn sẽ hạn chế được những hình ảnh thương tâm sau những đợt mưa lũ. Có lẽ đến lúc ngành giáo dục cũng cần phải quan tâm đến điều này”, cô Kim Liên chia sẻ quan điểm.

Nguyễn Hùng