Bạn đọc viết:

Người lớn càng kỳ vọng, áp lực học tập của con trẻ càng lớn

(Dân trí) - Gần đây, cô bạn tôi thường phàn nàn về việc học tập của con. Từ ngày cậu con trai lên lớp 6, tối nào chị cũng phải kèm con học bài. Năm học mới chưa bao lâu nhưng đã thấy rõ áp lực học tập của con quá lớn, nếu so sánh với thời gian học tiểu học thì khác nhau “một trời một vực”.

Theo đó, khi con còn học tiểu học thì buổi tối con chỉ phải ôn bài một lúc là được nghỉ ngơi, vui chơi. Nhưng từ khi con chuyển cấp, toàn bộ thời gian buổi tối phải dành cho việc học bài, làm bài tập về nhà và chuẩn bị bài cho buổi học ngày hôm sau.

Cô bạn tôi chia sẻ rằng, nếu để con tự học bài thì không yên tâm bởi con vừa lên lớp 6, môi trường học thay đổi, khối lượng kiến thức nhiều, con chưa kịp thích nghi, nếu mẹ không nhắc có khi còn quên làm bài tập về nhà hoặc chuẩn bị bài theo yêu cầu của giáo viên. Có những môn học cô giáo không giao bài tập về nhà như Lịch sử, Địa lý, Sinh học... nhưng mình vẫn phải nhắc con làm bài trong Sách bài tập để con ghi nhớ những kiến thức đã được học trên lớp.

Khi con học tiểu học, mỗi học kỳ chỉ có một bài kiểm tra nhưng nay các bài kiểm tra của mỗi môn học cứ nối tiếp nhau, hết kiểm tra 15 phút lại đến kiểm tra 45 phút... Nếu con không học bài để nắm chắc kiến thức thì sẽ không làm được bài. Ở tiểu học các con chủ yếu được đánh giá bằng nhận xét nhưng nay tất cả đều thể hiện qua điểm số.

Điểm số chính là một áp lực đối với con. Khi con học tiểu học, những bài kiểm tra cuối học kỳ thường có điểm rất cao, con gần như không biết đến điểm 5, 6. Nhưng nay thì không còn chuyện đó, con có thể bị điểm kém nếu không làm được bài. Việc phải “đối mặt” với điểm số kiểm tra liên tục khiến con cảm thấy sợ bởi nếu điểm cao thì “cả nhà cùng vui”, nếu không may bị điểm kém thì con sẽ không thích học môn đó nữa.

Cuối cùng, cô bạn tôi kết luận môi trường học bậc THCS thay đổi quá nhiều so với cấp Tiểu học đã khiến con cảm thấy “hoang mang” và áp lực học tập vì thế nặng nề hơn. Thậm chí ngay cả bố mẹ cũng cảm thấy áp lực vì sợ con sẽ không theo kịp chương trình, không đạt được kết quả học tập như mong đợi.

Những chia sẻ trên rất giống với tình trạng mà con tôi đang trải qua. Nhiều lúc nghe con ước được quay lại học ở trường tiểu học để học ít hơn, không phải kiểm tra liên mien khiến tôi cũng cảm thấy lo lắng.

Thực tế cho thấy hai cấp học Tiểu học và THCS có sự khác biệt quá lớn. Khi học Tiểu học, các con được giảm tải áp lực nên việc học khá nhẹ nhàng, thoải mái, nhưng khi vào lớp 6 mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Số lượng môn học tăng, thời lượng học tập tăng, lượng kiến thức nhiều hơn trong khi con vẫn quen với cách học cũ. Có tuần gần như ngày nào con cũng có tiết kiểm tra, chưa nói đến mức độ khó hay dễ, chỉ riêng tần suất dày đặc như thế thấy căng thẳng. Con bảo: “Các bạn trong lớp đều ước không phải làm bài kiểm tra mẹ ạ, kiểm tra gì mà nhiều thế!”.

Bản thân tôi cũng muốn con phải đạt kết quả cao, học tốt tất cả các môn nên tối nào cũng kèm con sát sao, hết làm bài tập toán, soạn văn rồi lại làm bài tập các môn khác. Thời gian học buổi tối của con có khi kéo dài từ 8 giờ tối đến 10, 11 giờ. Có lẽ điều này cũng góp phần khiến con thấy áp lực, nhưng nếu không làm như vậy liệu con có học tốt được không. Dù lớp 6 là đầu cấp nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại là sẽ đến kỳ thi lớp 10 vốn rất căng thẳng, nếu con không chắc kiến thức, cơ hội thi đỗ vào những trường công lập cũng khó chứ đừng mơ đến trường chất lượng cao.

Qua việc giao lưu trao đổi với các phụ huynh trong lớp của con, tôi còn thấy nhiều mẹ đã tính đến chuyện cho con đi học thêm để con nhanh tiến bộ và chuẩn bị cho thi vào lớp 10. Nhiều chị em cũng tỏ ra lo lắng vì điểm kiểm tra của con thấp, có môn chỉ được 5 -6 điểm trong khi hồi lớp 5 còn toàn được 9 - 10. Theo ý kiến của nhiều mẹ thì lớp 6, lớp 7 là nền tảng nên con phải học thật tốt thì mới an tâm ở những lớp cao hơn, nhất là mục tiêu vượt qua kỳ thi vào lớp 10. Điểm số không quan trọng khi trẻ học Tiểu học thôi chứ từ lớp 6 trở đi lại khác. Học lực của con đều được đánh giá bằng điểm số nên việc “học để thi” hay học thêm là đương nhiên… Áp lực đôi khi đến từ chính sự lo toan cho tương lai của con như thế.

Vẫn biết càng học lên cao thì càng áp lực nên bản thân các con phải cố gắng thích nghi để đạt kết quả học tập tốt. Nhưng để học sinh đầu cấp không bị hoang mang, lo lắng ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần học tập, thiết nghĩ các nhà trường và giáo viên lớp 6 cần dành cho học sinh sự quan tâm nhiều hơn, giúp các con thích nghi và hòa nhập với môi trường học tập mới. Việc trang bị kỹ năng, phương pháp học tập khi lên lớp 6 và bậc THCS nói chung nên được thực hiện cho học sinh từ cuối cấp Tiểu học để các con có thời gian làm quen và tự tin, chủ động trong học tập ở môi trường mới. Các bố các mẹ cũng cần phải thay đổi, không nên kỳ vọng quá nhiều vào con rồi bắt chúng phải cố gắng “quá sức” để chạy theo...

Đỗ Quyên

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!