Bạn đọc viết:

Người trẻ, hãy ứng xử có văn hóa trên mạng!

(Dân trí) - Không phải đây là lần đầu tiên báo chí lên tiếng về văn hóa ứng xử của những người trẻ Việt Nam. Lần này cũng là chuyện sử dụng mạng truyền thông một cách vô ý thức.

Một ai đó “rảnh rỗi sinh nông nổi” lập một địa chỉ Facebook giả mạo thành viên tổ chức cực đoan Nhà nước hồi giáo tự xưng (IS), vậy rồi hàng chục ngàn lượt theo dõi, hàng ngàn người bình luận... Một hành động rất nguy hiểm, một trò vui vô bổ, vô văn hóa. Không có gì vui vẻ ở đây hết các bạn ạ. Cần phải dẹp ngay trò này!

Theo dõi nhiều sự kiện, tôi không lạ với lối hành xử của một bộ phận người trẻ trên mạng xã hội. Báo chí cũng đã đề cập nhiều, nổi tiếng phải kể đến vụ "bình luận" khiếm nhã trên Facebook Bill Gates, MC người Thái Lan cấm cư dân mạng Việt Nam trên tài khoản của cô… Riêng tôi nhớ bản thân chứng kiến hành vi khiếm nhã gần đây của những bạn trẻ người Việt và đã vô cùng xấu hổ.

Mùa SEA Games 28 được tổ chức tại Singapore. Để phục vụ tốt hơn cho khán giả, chủ nhà Singapore mở kênh Youtube phát trực tiếp cho khán giả Đông Nam Á, những người không có điều kiện đến xem các trận đấu qua kênh này. Cư dân mạng các nước bạn vào xem thường dùng ngôn ngữ tiếng Anh, vào "phòng" chào và gửi lời cám ơn nước bạn đã tạo điều kiện cho xem "miễn phí" một cách tốt nhất. Nhiều người Việt Nam ta cũng vào xem, đa phần "nói" tiếng Việt, không biết chào hỏi, cảm ơn ai gì cả. Nhưng đó chưa phải là ứng xử xấu hổ nhất.

Người trẻ, hãy ứng xử có văn hóa trên mạng! - 1

Nhiều lúc chứng kiến cảnh người Việt tự - nói - tự - hiểu, admin (người quản lý) người Singapore phải ra lời nhắc nhở. Không mấy ai nghe. Và đương nhiên, người Việt theo thói quen, vừa thưởng thức trận đấu không quên đưa ra bình luận, nhận xét khiếm nhã. Vận động viên mình thua thì cay cú, chửi bới, kiếm chuyện với cư dân mạng nước bạn. Có điều toàn dùng tiếng Việt. Một số bạn người Việt phản ứng thái độ quá đáng trên thì bị hứng “gạch đá”, kiếm chuyện chửi luôn. Tôi đã lưu giữ lại mấy bức ảnh thể hiện mức độ "du côn" ngôn ngữ nhẹ nhất này. Có thể thấy văn hóa ứng xử của người Việt là câu chuyện nhiều tập, không phải dễ dàng thay đổi.

Thế giới phẳng nhưng ứng xử của con người là có thật và được lưu lại đâu đó, ít nhất là trong trí nhớ của những người khác. Cho nên, người Việt vẫn tự hào có truyền thống văn hóa nghìn năm, vậy hãy ứng xử văn hóa và đừng làm nguy hại đến phẩm giá dân tộc mình trước bạn bè quốc tế!

Đại Minh

 

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!